Vụ Thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền" ở Vĩnh Phúc làm ảnh hưởng uy tín ngành thanh tra
Bên cạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Chính phủ cho biết vụ việc Thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền" ở Vĩnh Phúc làm ảnh hưởng uy tín ngành thanh tra.
- 04-07-2019Thanh tra Bộ Xây dựng không thanh tra lại địa bàn TP Vĩnh Yên
- 26-06-2019Mở rộng điều tra vụ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc
- 25-06-2019Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chỉ đạo xử nghiêm vụ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ
- 19-06-2019Vụ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ: "Người ta có về làm việc đâu, chỉ gọi các đơn vị mang giấy tờ xuống huyện"
Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 3.550 cuộc thanh tra hành chính và hơn 84.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua đó, phát hiện vi phạm gần 50.340 tỉ đồng, hơn 1.000 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 34.500 tỉ đồng và 142 ha đất.
Đây là thông tin được đại diện Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 của ngành Thanh tra diễn ra ngày 18-7.
Theo báo cáo của TTCP, qua công tác thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 692 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 54.144 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 1.587 tỉ đồng.
Đồng thời, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 44 vụ, 73 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Cơ quan Thanh tra cũng tập trung thúc đẩy tiến độ, hoàn thiện dự thảo, ban hành, công khai kết luận thanh tra.
Trong đó, có những cuộc thanh tra phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như cuộc thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP HCM; dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn tp Đà Nẵng...
Việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Q.P; việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam và số tiền 4.190 tỷ đồng Chính phủ tạm ứng cho Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam tái cơ cấu...
Bên cạnh những việc đã đạt được, công tác thanh tra còn có những hạn chế nhất định. Nhiều cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; vẫn còn một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, dư luận xã hội quan tâm.
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; việc phối hợp trong giám sát hoạt động đoàn thanh tra còn có mặt hạn chế.
Công tác thẩm định, đôn đốc, xử lý về thanh tra có nhiều cố gắng nhưng kết quả xử lý sai phạm về đất đai còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Trong hoạt động thanh tra, một số công chức, viên chức thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành Thanh tra và Thanh tra Chính phủ, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành như vụ tiêu cực xảy ra tại Bộ Xây dựng và tỉnh Thanh Hóa.
Theo TTCP, tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây dư luận và bất bình trong quần chúng, nhân dân.
Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ; số vụ chuyển cơ quan điều tra xử lý có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 18-6, bà Nguyễn Thị Kim Anh (trưởng đoàn thanh tra thuộc Bộ Xây dựng) cùng 2 thành viên là ông Đặng Hải Anh và Nguyễn Thuỳ Linh đã bị khởi tố về tội Nhận hối lộ.
Theo điều tra ban đầu, ngày 12-6, tại trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường, Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang ông Hải Anh nhận 90 triệu đồng của anh Đỗ Ngọc Yên (35 tuổi, Phó giám đốc Công ty Đức Trung).
Khi bị bắt, Đặng Hải Anh khai việc đưa tiền của anh Yên nhằm không bị giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà Công ty Đức Trung đã thi công.
Cùng ngày, trưởng đoàn Kim Anh cũng bị bắt quả tang nhận 68 triệu đồng của ông Trần Hanh (48 tuổi, kế toán UBND xã Tân Tiến) để không giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình do UBND xã Tân Tiến là chủ đầu tư; nhận 91,5 triệu đồng của ông Đỗ Mạnh Cường (40 tuổi, công chức tài chính kế toán UBND thị trấn Thổ Tang).
Khám nơi làm việc của Đoàn thanh tra tại UBND huyện Vĩnh Tường, nhà chức trách thu nhiều hồ sơ của các đơn vị thi công công trình trên địa bàn và hơn 335 triệu đồng trong tủ do bà Kim Anh quản lý.
Trí Thức trẻ