MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ Thế giới di động gửi văn bản như "ra lệnh": Chủ nhà bị "nợ ngược" hơn 136 triệu đồng

07-10-2021 - 14:44 PM | Doanh nghiệp

Vụ Thế giới di động gửi văn bản như "ra lệnh": Chủ nhà bị "nợ ngược" hơn 136 triệu đồng

Theo cách tính của Thế giới di động, chủ một mặt bằng ở TP HCM thậm chí "nợ ngược" doanh nghiệp hơn cả trăm triệu...

Đang bị nợ tiền thuê mặt bằng, chủ nhà bỗng thành con nợ?

Vụ việc Thế giới di động (TGDĐ) tự ý giảm tiền thuê mặt bằng mà không thông qua đối tác đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nhiều ngày vừa qua.

Sau khi chủ mặt bằng tại An Nhơn, Bình Định – ông Trần Kỷ Mùi lên tiếng không đồng tình về cách xử lý của Thế giới di động khi tự quyết định giảm tiền thuê mặt bằng mà chưa được sự đồng thuận của ông, thì cũng đã có thêm chủ mặt bằng lên tiếng về văn bản như "ra lệnh" của doanh nghiệp.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà T.B. (chủ một mặt bằng hơn 580m2 tại quận 12, TP.HCM) cho biết, mặc dù có người muốn thuê mặt bằng của gia đình với giá 150 triệu đồng, nhưng bà vẫn đồng ý cho TGDĐ thuê giá rẻ hơn 30 triệu đồng, tiền thuê trả theo quý, vì cho rằng, TGDĐ là doanh nghiệp, sẽ không có chuyện nhập nhèm.

Vậy nên, khi nhận được công văn giảm giá thuê mặt bằng đơn phương từ phía đối tác, bà rất bất ngờ. Trong thông báo về việc thanh toán tiền mặt bằng, bà thậm chí "nợ ngược" TGDĐ hơn 130 triệu đồng.

Cụ thể, theo hợp đồng, hiện mỗi tháng nhà bà B.L. sẽ nhận được 88 triệu đồng tiền thuê mặt bằng. Vào kỳ thanh toán tháng 6 và 7/2021, gia đình bà B.L. đã nhận được tổng cộng 176 triệu cho hai tháng.

Tuy nhiên, sau đó có công văn, thông báo từ doanh nghiệp về việc tiếp sức do Covid-19, theo cách tính của TGDĐ khi có dịch bệnh khiến cửa hàng giãn cách và đóng cửa, bà T.B còn phải giảm trừ cho TGDĐ số tiền hơn 136,39 triệu đồng và khả năng bị cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo.

Vụ Thế giới di động gửi văn bản như ra lệnh: Chủ nhà bị nợ ngược hơn 136 triệu đồng - Ảnh 1.

Thông báo về việc thanh toán chi phí mặt bằng mà bà B.L (trú tại TP HCM) nhận được từ TGDĐ.

Xác nhận với Dân Trí, chủ mặt bằng này cho biết, bà cũng chưa nhận được thanh toán tháng 8 và 9, trong khi đã tới kỳ thanh toán tháng 10.

"Hiện chưa thanh toán 2 tháng nên tình hình tài chính gia đình đang rất khó khăn. Tuy nhiên, gia đình vẫn bức xúc với cách hành xử của TGDĐ nên thà chấm dứt hợp đồng chứ nhất quyết không giảm tiền thuê", vị này nhấn mạnh.

Trước những thông tin trái chiều về vụ việc, đại diện Truyền thông Thế Giới Di Động nhiều lần khẳng định trên truyền thông về việc doanh nghiệp tôn trọng quyền và lợi ích của đối tác, khách hàng.

Do dịch bệnh phải giãn cách xã hội dẫn đến nhiều cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn theo chỉ đạo của Chính phủ về việc phòng chống dịch Covid-19, nên từ tháng 6 đến nay, công ty đã gửi 3 thông báo đến đối tác về việc chia sẻ khó khăn do dịch bệnh, trong đó có nội dung về chi phí mặt bằng trong thời gian giãn cách.

Thông báo trên cũng dựa trên hợp đồng đã được ký kết giữa hai bên, trong đó có điều khoản về những trường hợp xảy ra do bất khả kháng, thiên tai, hỏa hoạn... thì hai bên cùng thương lượng giải quyết.

Theo đó, có hơn 90% đối tác đồng ý miễn, giảm phí, thậm chí nhiều chủ mặt bằng còn chia sẻ khó khăn với Thế Giới Di Động và nhất trí giảm giá tiền cho thuê trong thời gian dài từ 3-4 năm tới.

Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết những đối tác mặt bằng "phản ứng" chỉ chiếm số ít với lý do họ chưa nhận được văn bản thông báo, cũng như chưa thấy bên thuê mặt bằng liên hệ với họ.

"Mặt bằng thuê rất đa dạng, có đặc thù khác nhau về chủ sở hữu, có thể thuê qua trung gian, thuê từ nhiều căn nhà gộp lại để có diện tích đủ lớn cho một siêu thị, mặt bằng sở hữu tư nhân hoặc tập thể, doanh nghiệp…

Mỗi loại hình sẽ có điều khoản hợp đồng khác nhau. Tuy nhiên, trên tinh thần chung, Thế Giới Di Động luôn tôn trọng đối tác, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng" - đại diện cho công ty này nhấn mạnh.

Hại đơn hại kép?

Bình luận về sự việc, trên Doanh nghiệp tiếp thị, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, dịch bệnh là sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật, nhưng có được áp dụng miễn trách vào hợp đồng và áp dụng vào nghĩa vụ nào, mức độ nào mới là quan trọng.

"Nếu nói vì bất khả kháng mà không trả tiền thuê nhà, thì khác gì bạn bảo với chủ nhà rằng, vì tôi thất nghiệp nên đương nhiên không phải trả tiền nhà, hay nói với ngân hàng rằng, vì tôi thua lỗ nên khỏi thực hiện nghĩa vụ trả tiền vay ngân hàng".

"Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì chỉ cho phép trả chậm mà không bị phạt quá hạn, chứ vẫn có nghĩa vụ trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận cụ thể về việc được miễn giảm số tiền phải trả", Luật sư Đức ví von.

Theo ông, trên thực tế, nếu vì bất khả kháng mà không sử dụng được nhà thuê trong một thời gian dài, thì gần như 100% các trường hợp chủ nhà sẽ xem xét giảm giá ít nhiều, nhất là với hợp đồng lâu dài và số tiền thuê lớn.

Còn khi chủ nhà kiên quyết không giảm thì phải chịu, tìm cách chấm dứt hợp đồng và cuối cùng dẫn nhau ra toà, nếu như không có tiếng nói chung.

Sự việc hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, theo nhiều ý kiến, cần có sự chung tay tiếp sức của người thuê đối với khó khăn của doanh nghiệp,

Một số ý kiến cho rằng, kể cả khi chủ mặt bằng thưa kiện và chắc chắn thắng, lấy được tiền thuê nhà, nhưng cũng sẽ gặp khó bởi sẽ khó tìm được bên nào thuê nhà trong nhiều tháng tiếp theo.

"Thế giới di động trả lại nhà, chủ nhà kiện và thắng, nhìn trước mắt thì là "thắng", thực ra từ góc nhìn rộng hơn, đó là thua – thua, một kết quả không tốt cho cả hai bên", một chuyên gia marketing bình luận.

Tuy nhiên, cũng có tranh luận cho rằng, hiện doanh nghiệp đã được đến 90% đối tác ủng hộ, số ít thì nên tìm cách thương thảo hài hòa lợi ích.

Theo Hoàng Linh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên