Vụ trộn tạp chất nhuộm than pin vào hồ tiêu: 5 bị cáo nhận hơn 36 năm tù
Cho rằng không chủ đích làm hỗn hợp tạp chất nhuộm than pin để chế biến thực phẩm nên nhiều bị cáo nói mình không phạm tội nhưng tòa không chấp nhận lập luận này.
Ngày 28-12, TAND tỉnh Đắk Nông đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm các quy định trong an toàn thực phẩm" trong vụ trộn hỗn hợp nhuộm than pin vào hồ tiêu để kiếm lời. Theo cáo trạng, để có thêm lợi nhuận trong việc mua bán hạt tiêu, Phan Thị Dung (SN 1962; Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thảo Dung, tỉnh Bình Phước) đã nhờ Lê Thị Hồng Thơ (SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tịnh Thơ Đắk Nông) mua tạp chất giống hạt tiêu để đấu trộn vào bán kiếm lời. Sau đó, bà Thơ đặt hàng Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975) và Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, cùng ngụ tỉnh Đắk Nông).
Để có tạp chất giống với hạt tiêu, Loan và Bảo mua pin về đập lấy phần than rồi nhuộm với tạp chất. Riêng Trần Ngưỡng (SN 1976, ngụ tỉnh Đắk Nông) là người chuyên chở hỗn hợp pin giao cho bà Dung. Tháng 4-2018, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, bắt quả tang bà Loan và ông Bảo đang thực hiện hành vi nhuộm tạp chất với than pin và thu giữ 9 tấn hồ tiêu đã đấu trộn với hỗn hợp pin tại kho của bà Dung.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Tại tòa, bị cáo Bảo và Thơ đề nghị được xem xét lại hành vi của mình. Cụ thể, Thơ cho rằng mình không hề biết bà Dung mua tạp chất trên để làm gì. Còn bị cáo Bảo cho rằng mình chỉ là người làm thuê cho Loan. "Trước giờ bị cáo chỉ nghĩ tạp chất trên dùng để làm phân bón chứ không biết nó có thể dùng để trộn vào tiêu" - bị cáo Bảo nói.
Trả lời trước tòa, bị cáo Dung cũng cho rằng mục đích trộn tạp chất vào tiêu chỉ nhằm để tăng trọng lượng, để nhập cho các doanh nghiệp xuất khẩu chứ không biết các đối tác của mình dùng vào việc gì. Bị cáo Dung khẳng định mình không biết hỗn hợp mua của bà Loan và ông Bảo là được nhuộm đen bằng than pin.
Luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng các bị cáo không phạm tội "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm". Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm, cho rằng các bị cáo không chỉ vi phạm các quy định trong an toàn thực phẩm mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hồ tiêu Việt Nam.
HĐXX nhận định trong vụ án này bị cáo Dung đóng vai trò chính, các bị cáo còn lại có vai trò giúp sức. Trong đó, bị cáo Loan và bị cáo Bảo có vai trò giúp sức đắc lực còn bị cáo Thơ và bị cáo Ngưỡng có vai trò thấp hơn. Tuy nhiên, do bị cáo Dung có nhiều tình tiết giảm nhẹ; bị cáo Bảo vừa chấp hành án xong chưa được xóa án tích nhưng tiếp tục phạm tội; bị cáo Loan có nhân thân xấu. Do đó, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Dung, Thơ, Ngưỡng mỗi người 7 năm tù; bị cáo Bảo 8 năm tù; bị cáo Loan 7 năm 6 tháng tù.
Người lao động