Vụ trưởng Quản lý phương tiện: Không có chuyện bằng A1 không được lái xe SH và bằng B1 không được lái ô tô
Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện (Tổng Cục đường bộ VN) đã trả lời chính thức về thông tin cho rằng bằng lái xe A1 có thể không được lái SH và bằng B1 không được lái ô tô.
- 30-06-2020Bằng lái xe A1 không được lái xe SH, bằng lái xe B1 không được lái ô tô?
- 16-01-2020Những lỗi vi phạm với xe máy khiến tài xế bị tước giấy phép lái xe ngay lập tức theo Nghị định 100
- 13-01-2020Hà Nội: Nể nang chén rượu tất niên, lái xe bị tước giấy phép 17 tháng
Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang được lấy ý kiến, quy định hạng A1 sẽ được cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 04 kw đến 11 kw, và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0.
Đối với hạng B1 theo quy định của dự thảo sẽ được cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0, A1.
Trước quy định của dự thảo luật sửa đổi này, một số ý kiến đã bày tỏ lo ngại về việc, bằng lái xe A1 có thể sẽ không được lái SH... và bằng lái xe B1 có thể không được lái ô tô.
Chiều 30/6, trao đổi với PV, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã có trả lời cụ thể về vấn đề này.
Ông Lương Duyên Thống.
Theo ông Thống, việc phân hạng phù hợp chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho việc sử dụng giấy phép lái xe của Việt Nam ở nước ngoài và giấy phép nước ngoài tại Việt Nam.
Đồng thời, việc này cũng để đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam đã ký kết khi tham gia Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ.
Ông nói thêm, hạng giấy phép lái xe theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được chuyển đổi sang hạng giấy phép lái xe (GPLX) mới tương đương như việc chuyển đổi giấy phép lái xe Việt Nam sang GPLX quốc tế, đã được thực hiện từ năm 2015 theo quy định tại Thông tư số 29 của Bộ GTVT quy định về cấp và sử dụng GPLX quốc tế.
Việc điều chỉnh phân hạng GPLX không ảnh hưởng và phát sinh thủ tục và chi phí cho người dân. Theo đó:
Đối với người đã được cấp giấy phép lái xe, tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn sử dụng ghi trên GPLX (GPLX hạng A1 không thời hạn).
Trường hợp hết hạn, thì đổi sang giấy phép lái xe theo hạng mới (GPLX hạng A3 được đổi sang GPLX hạng B1, GPLX hạng B1 số tự động được đổi sang GPLX hạng B2, GPLX hạng B1, B2 số sàn được đổi sang GPLX hạng B …).
Đối với người cấp mới, cấp đổi GPLX sẽ thực hiện theo hạng GPLX mới.
"Ở đây, không có chuyện bằng A1 không được điều khiển SH hay bằng B1 không được điều khiển xe ô tô, mà có thể hiểu đơn giản, với người dân đã được cấp giấy phép lái xe A1 không thời hạn thì cứ sử dụng bình thường.
Đối với ô tô hạng B1 đã cấp cho người dân với hạn đến 60 tuổi thì cứ lái đến 60 tuổi. Khi hết thời hạn theo quy định của dự thảo Luật mới thì B1 sẽ tự động sẽ được đổi sang B2, còn B2 số sàn thì được đổi sang hạng B.
Việc này chỉ là thay đổi tên gọi cho phù hợp với Luật Quốc tế, Công ước Viên và khi hết hạn sẽ được đổi sang hạng mới phù hợp, không phát sinh thêm thủ tục gì cho người dân cả", ông Thống nêu rõ.
Lãnh đạo Vụ quản lý phương tiện cũng nhấn mạnh, hiện ban soạn thảo và tổ biên tập vẫn tiếp tục tổng hơp, nghiên cứu ý kiến của người dân để tiếp thu điều chỉnh các nội dung trong dự thảo Luật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bảng chuyển đổi do cơ quan soạn thảo cung cấp.
Tổ Quốc