Vụ Vạn Thịnh Phát: Gia đình bị cáo đang bị truy nã không hồi đáp đề nghị cung cấp bằng chứng gỡ tội
Sáng nay (21/3), HĐXX tiếp tục cho các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan. Tại tòa, luật sư bào chữa cho 3 bị cáo đang bị truy nã cho biết, dù họ đã tích cực liên hệ gia đình đề nghị cung cấp các chứng cứ gỡ tội nhưng không được hồi đáp.
- 21-03-2024Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan đề nghị được khắc phục 1.650 tỉ cho chồng và cháu gái
- 14-03-2024Vụ Vạn Thịnh Phát: Chủ toạ nhắc nhở luật sư việc sử dụng tài liệu ‘Mật’
- 13-03-2024Vụ Vạn Thịnh Phát: Nhóm bị cáo tội danh 'Tham ô tài sản' khai gì?
Trong buổi xét xử chiều 20/3, HĐXX cũng đã cho các luật sư bào chữa cho 3 bị cáo bị truy nã là Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), bị cáo Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT SCB) và bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB).
Bị cáo Trầm Thích Tồn, theo Viện Kiểm sát là đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) rút tiền của SCB. Từ ngày 25/7/2012 đến ngày 24/5/2013, bị cáo Tồn đã ký hợp thức 80 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 7.176 tỷ đồng. Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tồn từ 15-16 năm tù, về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương là người đã ký hợp thức 79 khoản vay cho nhóm Vạn Thịnh Phát, dẫn đến thiệt hại 6.989 tỷ đồng. Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương từ 16-17 năm tù, về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Cựu Chủ tịch HĐQT SCB, bị cáo Đinh Văn Thành bị Viện Kiểm sát đề nghị xử phạt 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tù chung thân với tội “Tham ô tài sản”. Đề nghị tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân.
Trước khi đưa vụ án ra xét xử, TAND TPHCM cũng đã có thông báo kêu gọi các bị cáo trên ra đầu thú, để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng, để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa theo quy định.
Ngoài ra, thông báo của TAND TPHCM cũng nêu rõ, trong trường hợp các bị cáo không ra trình diện hoặc đầu thú thì coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị xét xử vắng mặt .
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho các bị cáo Đinh Văn Thành, Nguyễn Thị Thu Sương, Trầm Thích Tồn trình bày, dù các luật sư đã tích cực liên hệ gia đình đề nghị cung cấp các chứng cứ gỡ tội nhưng không được hồi đáp.
Các luật sư không tranh luận về tội danh mà cáo trạng truy tố. Do các bị cáo đang bỏ trốn nên các luật sư không biết được ý chí của các bị cáo khi thực hiện hành vi là như thế nào. Việc kết tội các bị cáo chỉ dựa trên các hồ sơ, lời khai của các bị cáo khác.
Theo các luật sư, các bị cáo đều tuân theo sự chỉ đạo của cấp trên, các bị cáo đều là người làm công ăn lương, nếu các bị cáo không thực hiện thì cũng có người khác thực hiện, các bị cáo không hưởng lợi từ việc phạm tội mà chỉ hưởng lương theo quy định, giữa các bị cáo không có sự thỏa thuận cụ thể về việc phạm tội. Các luật sư mong HĐXX xem xét khách quan, hợp tình hợp lý để có phán quyết khách quan, phù hợp, toàn diện, nhân văn nhất đối với các bị cáo.
Tiền Phong