MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ vỡ đường dây tiền ảo 15.000 tỷ: Vì sao người nổi tiếng bị lôi vào cuộc?

11-04-2018 - 10:36 AM | Doanh nghiệp

Ca sĩ Lệ Quyên khẳng định chưa bao giờ có bất kỳ một hợp đồng, thỏa thuận nào với công ty Modern Tech...

Như VnEconomy đưa tin trước đó, ngày 8/4, dư luận rúng động về những hình ảnh người dân mang băng rôn, khẩu ngữ kéo tới trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, Tp. HCM) tố công ty này đã lừa đảo chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng bằng hình thức huy động vốn thông qua phát hành tiền ảo.

Công ty Cổ phần Modern Tech có trụ sở tại lầu 9, toà nhà Vietcomreal, 68 Nguyễn Huệ (quận 1, Tp. HCM) bị tố chính là chủ mưu của vụ việc. Công ty này vừa được thành lập ngày 31/10/2017. Modern Tech đã tuyên bố đóng cửa ngày 7/3/2018, tức chỉ hoạt động hơn 4 tháng.

Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do ông Hồ Xuân Văn là Tổng giám đốc. Ông Văn sinh ngày 20/6/1988. Khi mới thành lập, Modern Tech được quảng bá là đại diện và đã ký kết hợp tác với công ty công nghệ iFan tại Singapore. Tin vào những cam kết lãi suất "trong mơ", đông đảo người dân đã bị "sập bẫy".

Liên quan đến vụ việc này, đại diện truyền thông của ca sĩ Lệ Quyên đã có thông báo trên Fanpage của ca sĩ khẳng định chưa bao giờ có bất kỳ một hợp đồng, thỏa thuận nào với công ty Modern Tech.

Cũng bị lôi kéo vào đường dây tiền ảo iFan, trước đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng phải lên Facebook cá nhân để giải thích về việc bị lợi dụng hình ảnh.

Cụ thể, ca sĩ này khẳng định không phải là người đại diện hay PR, quảng cáo cho bất cứ công ty đa cấp, huy động vốn nào.

Nam ca sĩ cho rằng việc này có thể làm mất uy tín của anh đối với đồng nghiệp và các đối tác khác, nên anh phải lên tiếng để khẳng định mọi thứ cho rõ ràng.

Sở dĩ các ca sĩ này bị lôi vào cuộc bởi trước đó trên Fanpage của iFancoin đã đăng các dòng quảng cáo mượn danh người nổi tiếng để kêu gọi người tham gia mua tiền ảo.

Khi mới thành lập, Modern Tech tuyên bố đã ký kết được với công ty công nghệ iFan tại Singapore. iFan được công ty này quảng cáo rầm rộ trên báo chí, mạng xã hội thời điểm đó như một mạng xã hội có tiềm năng phát triển lớn.

iFan được giới thiệu như một mạng xã hội cho những người nổi tiếng, giúp họ tạo ra nguồn thu nhập thụ động bằng cách cập nhật trạng thái, đăng ảnh, livestream, bán sản phẩm âm nhạc, phim ảnh, vé sự kiện… những thứ mà hiện tại giới nổi tiếng vẫn đang cung cấp miễn phí cho facebook hay các mạng xã hội khác.

Đặc biệt, iFan rất biết cách làm truyền thông, lấy niềm tin ở người dùng, ứng dụng này liên tục cho chạy thông tin quảng cáo trên nhiều kênh truyền thông, báo chí uy tín.

Đỉnh cao nhất, quân bài khiến người tham gia "sập bẫy" đó là cam kết lãi suất cao 48% kèm với thông tin người nổi tiếng tham gia vào đường dây tiền ảo này.

Được biết, ngay sau khi Modern Tech được thành lập, công ty này đã liên tục tổ chức các hội nghị khách hàng trên toàn quốc, từ nông thôn đến thành thị, giới chức văn phòng đến nông dân để lôi kéo, dụ dỗ người chơi "bỏ tiền thật" mua "tiền ảo".

Tại các hội nghị này, danh tiếng của các nghệ sĩ như Sơn Tùng, Lệ Quyên, Quang Dũng, Trấn Thành, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng... bị lôi kéo vào với danh nghĩa "liên tục tổ chức họp báo sự kiện ra mắt Celebrities hợp tác cùng vFan". Việc sử dụng các hình ảnh này khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng và đã "sập bẫy" dễ dàng.

Đây là chiêu bài không khác gì mô hình đa cấp lừa đảo trước đây từng vỡ lở, có chăng chỉ là "bình cũ, rượu mới" gắn mác, lợi dụng công nghệ 4.0.

"Tôi tham dự một hội nghị khách hàng mà họ quảng bá có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam cũng gia nhập ứng dụng iFan nên cũng khá tin tưởng và đầu tư hơn 100 triệu đồng, sau 4 tháng thì ứng dụng vẫn không hề chạy, lúc đó tôi biết mình bị lừa rồi", một nạn nhân vụ việc lên tiếng.

Dự án iFan yêu cầu nhà đầu tư phải mua lượng token (tương tự như cổ phiếu, nhưng ở dạng chuỗi mã kỹ thuật số), số lượng tối thiểu 1.000 USD, cam kết lãi suất lên tới 48%/tháng, tương ứng với mức lãi siêu khủng là 576%/năm.

Đó là chưa kể việc lôi kéo được người mới tham gia còn được trích 8% giá trị vốn góp của người đó. Thực chất đây chính là hình thức "mỡ nó rán nó" tức là tiền của người sau sẽ dùng để chi trả lãi cho người trước - mô hình đa cấp tiền ảo.

Tuy nhiên, sau khi người chơi "sập bẫy" các iFan bắt đầu nâng hạn mức rút tiền ra, có thời điểm lên tới 200 triệu đồng. Do đó, nhiều người chơi ngậm ngùi nhìn đồng tiền số của mình rớt giá mà không thể rút tiền mặt ra được.

Hiện trụ sở của Modern Tech đóng cửa, không hoạt động, không có nhân viên, còn CEO của công ty là ông Hồ Xuân Văn vẫn im hơi lặng tiếng trước những lời cáo buộc lừa đảo 15.000 tỷ đồng từ phía các nạn nhân của vụ việc. Các chuyên gia, luật sư đều cho rằng đã có căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ vỡ đường dây tiền ảo này.

Theo Bạch Dương

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên