Vụ “võ sư” đánh vợ bị tố cáo bạo hành con sau ly hôn: "Dọa" cả nhà trường của con?
Cô Nguyễn Hồng Thuý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội, nơi tiếp nhận T.B theo học dự thính cho biết, bố học sinh T.B đã gọi điện đến bộ phận tuyển sinh và có những lời “doạ” sẽ đưa ra công luận, đưa lên các cấp lãnh đạo quận...
Liên quan đến vụ việc “ Sau ly hôn, “võ sư” đánh vợ tiếp tục bị tố cáo bạo hành con trai ” đã được Báo Điện tử VOV đăng tải, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, thực tế hiện nay rất nhiều trường hợp người vợ bị đánh thường xuyên, không chịu đựng được mới đi tố cáo hành vi của người chồng. Tuy nhiên, chính bởi lo ngại ảnh hưởng việc chăm sóc con cái hay là nếu người chồng bị quy trách nhiệm hình sự sẽ ảnh hưởng tới lý lịch và tương lai của con cái.
Cháu T.B điều trị tại BV Nhi T.Ư. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Trong Đơn kêu cứu gửi tới Báo Điện tử VOV, chị V.T.T.L (SN 1992) cho biết các con chị, cùng các thành viên trong gia đình đã bị người chồng cũ là “võ sư” Nguyễn Xuân Vinh (SN 1987) hành hung, đe dọa. Theo chị L, trong gần 4 năm ly hôn, người chồng cũ Nguyễn Xuân Vinh nhiều lần ngăn cấm không cho con gặp mẹ.
“Sự việc tối 27/12/2022 đã vượt qua giới hạn cuối cùng của tôi - một người mẹ, khi con trai tôi là cháu T.B (11 tuổi) mặc nguyên áo đồng phục trắng, còn đang đeo khăn quàng đỏ, chân không đi tất, chạy xộc vào nhà tôi. Con khóc kể buổi chiều vừa đi học về thì bị bố vứt hết cặp sách xuống nước, đá vào mạng sườn, bắt quỳ ở sân xi măng và đánh, đấm nhiều lần vào đầu... Gia đình nhà nội chứng kiến nhưng không thể ngăn cản. Nguyên nhân là hôm Giáng Sinh con trai tôi xin về với mẹ, anh ta đồng ý, nhưng tối lại nhắn tin cho tôi hẹn gặp. Ngay khi tôi từ chối, anh ta liền nổi giận và trút lên đứa trẻ, bắt con phải về quê ngay. Mấy hôm sau anh ta về đánh con và đuổi về nhà tôi, từ chối quyền nuôi dưỡng”, chị L kể lại.
Sau đó, chị L đã đưa con trai đi khám tại BV Nhi T.Ư. Theo luật sư Hùng, hành vi này là bạo lực gia đình.
“Hành vi này, tùy từng hậu quả gây ra mà bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. Thậm chí, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích khi có hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30%; hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp luật định. Tội này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Mặt khác, còn có thể bị truy cứu hình sự về Tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt của tội này từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”, luật sư Hùng nói.
Cũng theo luật sư Hùng, đứa trẻ lớn lên phải chứng kiến cảnh cha mẹ đánh nhau hoặc bản thân bị bạo hành sẽ bị ám ảnh thời gian dài. Vì vậy, mỗi người nên nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong gia đình cũng như tìm hiểu các kiến thức để tự bảo vệ mình trước vấn nạn bạo hành hiện nay.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối (đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Mọi sự quan tâm đang hướng về cậu bé T.B - đứa trẻ hiểu chuyện khiến người lớn phải đau lòng. Cô Nguyễn Hồng Thuý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội, nơi tiếp nhận T.B theo học dự thính cho biết, trường hợp học sinh này có cô họ từng theo học tại trường và anh họ đang học tại đây. Do vậy, qua gia đình, nhà trường biết được hoàn cảnh của T.B, với mong muốn giúp đỡ em tiếp tục theo học kỳ cuối của lớp 5.
“Thông thường nhà trường hiếm khi nhận học sinh lớp 4, lớp 5 chuyển ngang, bởi đây là các khối lớp tương đối quan trọng và nếu chuyển ngang sát với thời điểm chuyển cấp thì học sinh có thể gặp khó khăn vì các em sẽ phải làm quen với môi trường mới và không phát huy được hết năng lực bản thân. Điều này là khó khăn với các học sinh độ tuổi tiểu học. Sau khi nhận được nguyện vọng từ mẹ và gia đình T.B, nhà trường cũng đề nghị và hướng dẫn gia đình hoàn thành các giấy tờ, thủ tục bắt buộc theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội. Trong thời gian hoàn thành thủ tục, nhà trường đồng ý cho T.B đến trường học dự thính để đảm bảo không bị mất kiến thức và có môi trường trường học, giao tiếp với các bạn bè cùng trang lứa”, cô Thuý trao đổi với PV VOV.VN.
T.B nhập học Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội từ khoảng 1 tuần trước Tết Nguyên đán. Cô giáo và bạn cùng lớp đều nhận xét T.B là một học sinh ngoan. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Thuý, T.B một đứa trẻ hiểu chuyện và có những tổn thương về tâm lý.
(Ảnh do gia đình cung cấp)
Cô Thuý cho biết thêm, ngày 29/1, khi quay trở lại trường cô nhận được thông tin từ phía bộ phận tuyển sinh cho biết, bố học sinh T.B đã gọi điện đến bộ phận tuyển sinh và có những lời “doạ” sẽ đưa ra công luận, đưa lên các cấp lãnh đạo tại quận Hai Bà Trưng...
“Để trả lời bố của T.B, sáng 30/1, nhà trường đã có tin nhắn gửi lại nêu rõ 3 điều. Thứ nhất, quan điểm của nhà trường là bất kỳ đứa trẻ nào cũng có quyền được học tập, yêu thương và hạnh phúc. Trên quan điểm đó, nhà trường sẽ tạo điều kiện và tiếp nhận các học sinh đúng độ tuổi, phù hợp với các tiêu chuẩn của nhà trường; bố mẹ tin tưởng vào nhà trường, mong muốn gửi con đến trường; và chính các bạn nhỏ muốn được học tại trường. T.B là học sinh hội tụ đủ những tiêu chí này và trong 1 tuần đến trường, con luôn vui vẻ, hạnh phúc khi đến trường. Thứ hai, về mặt pháp lý, theo nguyện vọng của mẹ, T.B chỉ đang học dự thính để chờ hoàn thành các giấy tờ, thủ tục theo đúng quy định của ngành để trở thành học sinh chính thức trên cơ sở dữ liệu của nhà trường. Thứ ba, về việc riêng của gia đình, nhà trường không có ý kiến và đang lắng nghe từ cả hai phía. Quan điểm của nhà trường là đặt trẻ lên hàng đầu, lắng nghe cảm xúc của trẻ và không bỏ rơi trẻ vì những vấn đề của người lớn. Nhà trường cũng mong muốn bố mẹ không làm ảnh hưởng đến trẻ con trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhà trường đang đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật”, cô Thuý thông tin./.
VOV