Vũ Xuân Trang nhận danh hiệu NSƯT sau 20 năm phấn đấu: Vợ bật khóc, học trò “hộ tống" ra tận Hà Nội
"Bà xã tôi đứng bên ngoài Nhà hát Lớn chờ đợi để là người đầu tiên chúc mừng. Khi tôi bước ra thì vợ mình đã khóc vì quá hạnh phúc và xúc động", NSƯT Vũ Xuân Trang chia sẻ.
- 11-03-2024Nữ MC lật đật từ Úc về Việt Nam nhận danh hiệu NSƯT nhưng chỉ ở lại 2 ngày: Nghe lý do mà nể chuyện dạy con
- 08-03-2024Nữ diễn viên 86 tuổi vừa được trao tặng NSƯT: Từng bị đẩy vai phụ vì còn 34kg, phải làm đủ nghề, sống 1 mình
- 06-03-2024Mẹ ruột được phong NSƯT, Tự Long hạnh phúc công bố: Nhà có 2 NSƯT, 1 NSND
Ông chủ sân khấu Xóm Kịch cho biết, ngày anh nhận danh hiệu NSƯT là ngày vui không chỉ của bản thân, gia đình mà còn của cả học trò. Một số học trò còn bay ra Hà Nội để "hộ tống" thầy nhận danh hiệu, một số khác thì rủ nhau xem truyền hình trực tiếp và liên tục nhắn tin chúc mừng.
Được vợ và học trò "hộ tống" đi nhận danh hiệu NSƯT
- Cảm giác của anh thế nào trong giây phút lên nhận danh hiệu NSƯT?
Tôi rất hồi hộp và tự hào vì những cống hiến của mình đã được Nhà nước công nhận.
- Gia đình, đồng nghiệp, học trò chia sẻ niềm vui này với anh ra sao?
Mọi người trong nhà hẹn nhau xem trực tiếp trên sóng truyền hình. Một số học trò thì thu xếp cùng ra Hà Nội để chúc mừng thầy. Các bạn còn lại thì xem trực tiếp và nhắn tin chúc mừng liên tục.
Bà xã tôi đứng bên ngoài Nhà hát Lớn chờ đợi để là người đầu tiên chúc mừng. Khi tôi bước ra thì vợ mình đã khóc vì quá hạnh phúc và xúc động.
- Sau khi nhận danh hiệu NSƯT, anh có ý định phấn đấu lên NSND không, thưa anh?
Tôi vẫn luôn phấn đầu vì tình yêu nghề và muốn cống hiến thật nhiều cho nghệ thuật. Còn danh hiệu NSND thì thật sự tôi chưa nghĩ tới. Trước mắt, mình cứ phấn đấu đã, làm tốt nhất những gì mình có trong khả năng của mình mới là điều tôi thật sự muốn hướng tới.
- So với trước khi được danh hiệu NSƯT, anh có bị áp lực hơn về hình ảnh hay danh tiếng của mình?
Tôi không áp lực gì cả. Bản thân tôi trước thế nào thì giờ cũng vậy và sau này cũng vậy. Những gì tôi làm đã cho thấy tôi đang đi con đường đúng vì xung quanh có những thầy cô, những bậc tiền bối, anh chị em, học trò yêu mến, động viên và ủng hộ.
Một điều nữa là bên cạnh tôi luôn có gia đình và đặc biệt là sự ủng hộ to lớn của vợ và con trai thì áp lực mấy, tôi cũng sẽ cố gắng để vượt qua.
Đạo diễn nào cũng có cái "điên" của riêng mình
- Dù sân khấu kịch đang có dấu hiệu hồi phục nhưng làm sân khấu vào lúc này cũng đầy chông gai. Là một sân khấu trẻ, phải cạnh tranh với 11 sân khấu khác để thu hút và giữ chân khán giả ở lại với mình, áp lực lớn nhất của anh là gì?
Áp lực lớn nhất với tôi vẫn là làm sao để có thể ra nhiều vở diễn một cách nhanh nhất, chỉn chu nhất nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả chứ không phải là đi so bì, cạnh tranh với sân khấu khác.
- Đặc trưng của sân khấu là tính ước lệ nhưng sân khấu Xóm Kịch lại muốn đi theo xu hướng khác, là mọi thứ đều chân thật, chân thật đến từng giọt nước, từng hạt cơm... Điều này có phải là một thử thách không, nhất là trong vấn đề đạo cụ, cảnh trí vở diễn cũng như có thể hạn chế khả năng tưởng tượng của diễn viên?
Đối với cá nhân tôi, giá trị của cái đẹp luôn nằm ở sự chân thật. Việc cảnh trí ước lệ hay cảnh trí thật cũng luôn hướng đến sự chân thật.
Chẳng phải cảnh trí đạo cụ có ước lệ như thế nào đi nữa thì người diễn viên cũng phải tưởng tượng thành một nơi nào đó hay một vật dụng gì đó có thật hay sao.
Còn việc sử dụng cảnh trí thật hay ước lệ thì tùy vào ý đồ của đạo diễn. Tôi không nghĩ điều này sẽ làm hạn chế khả năng tưởng tượng của diễn viên vì họ đã được đào tạo bài bản, đủ bản lĩnh để hóa thân vào bất kỳ nhân vật nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Việc cảnh trí của vở này sẽ được thiết kế thêm thắt cho phù hợp để dùng cho vở khác là chuyện bình thường nên dù cảnh trí thật cũng không là vấn đề lớn. Còn về chi phí thì đôi khi để thực hiện một bản mẫu ước lệ còn tốn tiền hơn là cảnh trí thật.
- Đạo diễn Lê Hoàng mới đây cho rằng, đã đến lúc, cần đưa cảnh nóng lên sân khấu và rằng, sân khấu cũng cần có những vở diễn gắn độ tuổi C13, C16 hay C18 như điện ảnh. Quan điểm của anh anh thế nào?
Mỗi đạo diễn cho dù là sân khấu hay điện ảnh gì thì đều có cái "điên" của riêng mình. Miễn sao cái "điên" đó không vi phạm pháp luật, không đi ngược với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc thì không vấn đề gì.
NSƯT Vũ Xuân Trang cảm thấy tự hào và hãnh diện khi cống hiến của mình cho nghệ thuật nước nhà được ghi nhận.
Mới đây, sân khấu Xóm Kịch ra mắt vở "Phong sương nguyệt". Cũng như một số vở diễn trước, nội dung và ý tứ kịch bản không mới trong khi dàn diễn viên thì đều là những gương mặt trẻ, khá xa lạ với công chúng. Điều này có gây trở ngại gì cho sân khấu trong việc bán vé không thưa anh?
Không mới về ý tứ nhưng "Phong sương nguyệt" nói riêng hay tất cả những tác phẩm của sân khấu Xóm Kịch nói chung đều truyền tải những thông điệp mà bài học của nó vẫn còn giá trị, thậm chí là những vấn đề nhức nhối của xã hội và con người cho đến tận bây giờ.
Còn về những diễn viên trẻ, lạ mặt với công chúng thì tất cả những diễn viên "già" và "quen" với công chúng hiện giờ, họ cũng đã từng rất trẻ và rất lạ.
Vấn đề là chúng ta hãy cho họ cơ hội, hãy tin tưởng vào họ và cũng rất mong công chúng hãy mở lòng, đừng quá khắt khe khi chỉ lựa chọn những người "già" và "không lạ".
- Chúc mừng anh được phong tặng danh hiệu NSƯT và cảm ơn anh đã chia sẻ!
Đời sống & pháp luật