Vừa bị lừa 3 tỷ đồng trên một sàn tiền ảo, người phụ nữ tại Đà Nẵng tiếp tục mất thêm 400 triệu đồng vì nhờ 'Luật sư Huy' lấy lại tiền bị lừa
Sau khi lừa chị N hơn 3 tỷ đồng trên sàn tiền ảo, các đối tượng tiếp tục sử dụng tài khoản Facebook có tên “Luật sư Huy” tiếp cận chị N. và giới thiệu có thể lấy lại tiền lừa đảo.
- 30-09-2024Công an tìm người bị lừa đảo trên hai sàn tiền ảo
- 28-09-2024Đầu tư trên một sàn tiền ảo, người đàn ông tại Hà Nội bị lừa gần 30 tỷ đồng
- 26-09-2024Danh sách các tài khoản ngân hàng lừa đảo chuyển tiền
Công an TP Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp người dân tham gia đầu tư tiền ảo theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo trên mạng xã hội Facebook và bị lừa hàng chục tỷ đồng.
Đơn cử, đầu tháng 9/2024, khi đang sử dụng mạng xã hội Facebook, chị L.T.N (40 tuổi, trú Đà Nẵng) nhận được lời mời kết bạn từ một tài khoản Facebook lạ mặt. Người này tự giới thiệu là một doanh nhân người Việt Nam, hiện đang làm việc tại Đài Loan. Sau một thời gian nói chuyện tạo được niềm tin với chị N., người này liền mời chị tham gia đầu tư tiền ảo qua trang website http://www.colnupp.com .
Lần đầu, chị N. nạp 12 triệu đồng vào và ngay lập tức rút về được 16 triệu đồng. Lần thứ hai, chị N. nạp 30 triệu đồng và rút ra được 58 triệu đồng. Thấy việc đầu tư quá dễ dàng, lợi nhuận khủng cộng thêm lời dụ dỗ của vị doanh nhân ảo kia, chị N. tiếp tục nạp thêm 180 triệu đồng vào và nhận được thông báo thắng lớn. Tuy nhiên, chị không thể rút tiền về được. Lúc này, hệ thống liên tục đưa ra các lý do để yêu cầu chị nộp thêm tiền vào mới rút tiền lãi ra được như thuế thu nhập cá nhân, phí xác minh tài khoản, bảo lãnh rửa tiền…
Do tiếc tiền và bị các đối tượng thao túng tâm lý, chị N. đã liên tục chuyển cho các đối tượng hơn 3 tỷ đồng rồi bị chiếm đoạt.
Không dừng lại ở đó, các đối tượng trong nhóm tiếp tục sử dụng tài khoản Facebook có tên “Luật sư Huy” tiếp cận chị N. và giới thiệu có quan hệ với Bộ Công an và có thể lấy lại tiền lừa đảo. Đối tượng yêu cầu chị N. phải đóng các khoản phí lập hồ sơ, phí điều tra… Do hoảng loạn và thiếu hiểu biết, chị N. lại tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thêm 400 triệu đồng.
Qua các vụ việc này cho thấy, các đối tượng lừa đảo thường chủ động tiếp cận với người dân để tìm cách giới thiệu, quảng cáo về trang web hoặc sàn giao dịch mà mình đang đầu tư và thu được lợi nhuận cao từ việc đầu tư này. Phương thức tiếp cận nạn nhân của các đối tượng rất đa dạng, có thể từ quảng cáo trên mạng xã hội, hoặc vào vai doanh nhân thành đạt kết bạn làm quen, trò chuyện tình cảm trong thời gian dài, dần dần lôi kéo đầu tư. Các đối tượng cũng tìm nhiều cách để không gặp mặt nạn nhân, lấy lý do ở nước ngoài, đi công tác... giả mạo định vị để tạo lòng tin. Chúng luôn đóng vai là người đầu tư cùng khiến nhiều nạn nhân dù đã nghi ngờ bị lừa đảo nhưng vẫn tin tưởng vào “người bạn” của mình nên tiếp tục chuyển tiền.
Ngoài ra, nạn nhân thường được đưa vào các nhóm kín trên mạng xã hội (Zalo, Telegram...) có nhiều tài khoản ảo đóng vai “chuyên gia đọc lệnh”, thành viên cùng tham gia đầu tư. Các tài khoản ảo thường xuyên đăng tin chuyển tiền thành công hoặc đã nhận được lãi suất từ sàn đầu tư sau khi làm theo hướng dẫn của các “chuyên gia". Khi nạn nhân có dấu hiệu nghi ngờ, cân nhắc chuyển tiền, các tài khoản ảo liên tục thúc giục việc chuyển tiền để nhóm tiếp tục hoạt động.
Để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo, đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn. Đồng thời tìm hiểu kỹ thông tin về sản giao dịch trước khi đầu tư, đặc biệt là các săn đầu tư đăng tải địa chỉ ảo, không có thật, hoặc giả mạo của sản đầu tư chính thống.
Người dân cũng cần nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi chưa xác định chính xác nhân thân, lai lịch của người đó. Tốt nhất là chỉ đầu tư vào các sàn giao dịch chính thống đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động.
Trước khi đầu tư, nên đến trực tiếp văn phòng của các sản giao dịch để được tư vấn, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin. Và tuyệt đối không liên hệ với các tài khoản mạng xã hội đăng tải nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo”, “thu hồi vốn treo”,… vì các tài khoản này đều là lừa đảo. - Khi phát hiện bị lừa đảo, trình báo ngay đến cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nhịp sống Thị trường