MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vừa chia cổ tức, một doanh nghiệp dược chuẩn bị được thưởng cổ phiếu 100% cho cổ đông, thị giá tăng vọt lên đỉnh

Vừa chia cổ tức, một doanh nghiệp dược chuẩn bị được thưởng cổ phiếu 100% cho cổ đông, thị giá tăng vọt lên đỉnh

Từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng gần 50% và hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử.

CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) và hủy bỏ phương án thưởng tiền cho nhân sự chủ chốt để thay thế bằng phát hành cổ phiếu cho nhân sự chủ chốt (ESOP).

Với phương án phát hành thưởng, Imexpharm sẽ phát hành hơn 77 triệu cổ phiếu, theo tỷ lệ 100% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Nguồn vốn thực hiện lấy từ vốn chủ sở hữu ghi nhận trên báo cáo tài chính kiểm toán 2023 (số dư khoảng 2.085 tỷ đồng). Thời gian thực hiện trong quý 3-4 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Theo Imexpharm, tăng vốn điều lệ sẽ củng cố nền tảng cho công ty, hỗ trợ kế hoạch tăng trưởng trong 3-5 năm tới. Imexpharm sau phát hành sẽ là công ty dược phẩm niêm yết có vốn lớn nhất, củng cố vị thế dẫn đầu và khả năng cạnh tranh. Việc phát hành cũng giúp cải thiện thanh khoản, kỳ vọng nâng cao và kích thích giao dịch tích cực hơn cho cổ phiếu IMP. Thanh khoản cải thiện dẫn đến nhận thức thị trường thuận lợi hơn về cổ phiếu IMP và nâng cao giá trị cổ đông.

Với phương án ESOP, Imexpharm cũng kỳ vọng gia tăng thanh khoản cho cổ phiếu, nâng cao ý thức làm chủ và cam kết của nhân viên, thúc đẩy lòng trung thành và giữ chân nhân tài; đồng thời bảo toàn nguồn tiền mặt cho các hoạt động đầu tư mở rộng.

Theo kế hoạch, Imexpharm vẫn tiếp tục chính sách thưởng bằng tiền nhân sự chủ chốt trong giai đoạn 2023-2024 và bắt đầu chính sách thưởng bằng cổ phiếu trong giai đoạn 2025-2026 cho phần chưa trả theo cam kết (còn 2,24 triệu cổ phiếu chưa thưởng).

Tuy nhiên, do đợt ESOP diễn ra sau đợt chia thưởng 100%, số lượng phát hành dự kiến sẽ gấp đôi là 4,48 triệu cổ phiếu và giá chào bán sẽ giảm phân nửa còn 5.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền dự kiến huy động hơn 22 tỷ đồng. Nguồn phát hành từ vốn chủ sở hữu trên báo cáo kiểm toán, dự kiến diễn ra trong quý 4/2024-I/2025 và cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Imexpharm sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 18/7 tới đây để thực hiện lấy ý kiến cổ đông liên quan đến 2 phương án tăng vốn trên. Nếu thực hiện thành công cả 2 phương án phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 770 tỷ lên 1.585 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, ngày 12/7 tới đây, Imexpharm sẽ chốt danh sách cổ đông đăng ký cuối cùng để chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 20%. Công ty dự kiến chi 70 tỷ để trả cổ tức tiền mặt 10%, đồng thời phát hành thêm 7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%.

Trên thị trường, cổ phiếu IMP đã tăng gần 50% từ đầu năm và hiện đang giao dịch quanh mức 74.000 đồng/cp, cao nhất lịch sử (tính theo giá điều chỉnh). Vốn hóa thị trường cũng theo đó lập kỷ lục hơn 5.700 tỷ đồng.

photo-1720668858340

Về hoạt động kinh doanh, Imexpharm đang tiến hành xây dựng thêm một nhà máy mới - IMP5, tập trung vào các loại thuốc dành cho các bệnh phức tạp hơn (vd: tim mạch, tiểu đường,…), dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027. Nhà máy IMP1 chiếm tỷ trọng đóng góp doanh thu lớn nhất quý 1/2024 (42%), tiếp theo là IMP3 (35%), IMP2 (14%), IMP4 (5%) và khác (4%). Sản phẩm chủ đạo của các nhà máy này là kháng sinh với nhiều dạng bào chế.

Theo báo cáo mới đây của Yuanta Việt Nam, Imexpharm được hưởng lợi từ chính sách nội địa hoá ngành dược, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 03/2024 về danh mục thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP. Đây là một điểm thuận lợi cho IMP khi công ty đáp ứng được 12/93 loại thuốc được ban hành theo thông tư. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho kênh ETC trong năm 2024.

Hà Linh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên