‘Vua chip’ Jensen Huang: Cống hiến 30 năm cho Nvidia, đặt slogan ‘công ty còn 30 ngày nữa sẽ phá sản’ để không ngủ quên trên chiến thắng
Với Huang, tài giỏi và kiên cường sẽ tạo được kỳ tích, song đôi khi, ‘ngờ nghệch’ một chút cũng có thể làm nên chuyện.
- 11-12-2023Nvidia trước cam kết đưa Việt Nam thành quê hương thứ 2: Doanh thu tăng gấp 3 lần sau 5 năm, giá cổ phiếu tăng 170% so với đầu năm
- 11-12-2023Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA: Cam kết để Việt Nam trở thành quê hương thứ hai
Ngồi suy tư kế hoạch kinh doanh tại quán rượu tồi tàn Denny, San Jose (Mỹ), Jensen Huang không biết rằng một ngày nào đó, công ty khởi nghiệp của mình sẽ trị giá 1.000 tỷ USD. Chia sẻ với WSJ, ông cho biết bản thân sẽ không thể tạo ra Nvidia của ngày hôm nay nếu biết trước tương lai.
“Lý do thực sự khá đơn giản”, Huang nói. “Xây dựng Nvidia hóa ra khó hơn tôi nghĩ gấp triệu lần”.
Chỉ trong vài năm, Nvidia, từ một công ty chủ yếu tập trung vào phân khúc chip trò chơi điện tử cao cấp, đã trở thành ‘đế chế’ AI trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD, sau đó gia nhập hàng ngũ những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Microsoft, Amazon hay Alphabet. Cách đây 30 năm, điều đó gần như là không thể bởi chỉ khi AI bùng nổ, Nvidia mới thực sự tỏa sáng.
Theo WSJ, vốn hoá Nvidia hiện cao gấp đôi ít nhất 4 công ty cùng ngành. Doanh thu được cho là sẽ chạm mốc 54,5 tỷ USD trong năm tài khoá, tức vượt qua cả Intel, Qualcomm và Broadcom với một tốc độ chưa từng có.
Với Huang, tài giỏi và kiên cường sẽ tạo được kỳ tích, song đôi khi, ‘ngờ nghệch’ một chút cũng có thể làm nên chuyện.
“Tôi nghĩ đó là siêu năng lực của một doanh nhân. Họ không biết nó khó đến mức nào. Cho đến hôm nay, tôi vẫn đánh lừa bộ não của mình rằng: Mọi thứ có thể khó đến mức nào chứ?”, Jensen Huang nói.
Huang điều hành công ty kể từ khi mái đầu chưa bạc. Sau 3 thập kỷ làm việc, vị CEO này vẫn tích cực tham gia vào hoạt động nội bộ, quản lý 50 giám đốc điều hành cấp cao và họp hành cùng nhân viên cấp dưới.
“Công ty chính là hiện thân của ông ý. Ông ý làm mọi thứ, thậm chí có khi là quét sàn”, một nhân viên cho biết.
Với năng lực định nghĩa lại lĩnh vực điện toán đầu thế kỷ 20 giống như cách Intel đã làm trong thập niên 90, Nvidia bùng nổ trước nhu cầu của GPU - những con chip tiên tiến cung cấp ‘oxy’ cho trí tuệ nhân tạo cũng như hầu hết những loại công nghệ khác. Mô hình AI yêu cầu hàng chục nghìn đơn vị xử lý đồ họa này có thể xử lý nhiều tác vụ tính toán cùng lúc và ông Huang đã đầu tư lớn vào GPU trước khi thị trường bùng nổ. Vai trò trung tâm của Nvidia trong nền kinh tế AI cũng được coi là động lực giúp cổ phiếu tập đoàn đánh bại mọi công ty khác trong rổ chỉ số S&P 500 năm nay.
CEO Huang đã có một năm thành công hoàn hảo, song ngay cả khi đã ở trên đỉnh cao danh vọng, người đàn ông này vẫn ám ảnh với sự thất bại. Người ta đồn đoán rằng slogan Nvidia từ những năm đầu khởi nghiệp bất ổn là: “Công ty chúng tôi còn 30 ngày nữa là ngừng hoạt động”.
“Bạn luôn đứng trước rủi ro phá sản nếu không đủ ‘nhạy’ với thị trường”, ông nói và cho biết đã có lúc Nvidia tưởng chừng như sụp đổ và thời khắc đó hằn sâu trong tâm trí vị CEO này.
Buổi tối tháng 4/1993 tại quán rượu tồi tàn Denny, San Jose (Mỹ), 3 chàng kỹ sư trẻ Chris Malachowsky, Curtis Priem và Jen-Hsun Huang cùng nhau thành lập nên Nvidia - trung tâm cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Thời điểm đó, người duy nhất chú ý đến họ chỉ là những nhân viên phục vụ tại quán.
Bí quyết thành công ban đầu của Nvidia có lẽ nằm ở cách phân chia ‘vai vế’ trong tập đoàn. Huang luôn là người nắm quyền, song Malachowsky và Priem thỏa thuận rằng mỗi nhà sáng lập đều sẽ có thẩm quyền riêng trong bộ phận mình phụ trách.
“Chúng tôi cùng thảo luận nhưng sẽ mặc định để người có chuyên môn nhất đưa ra quyết định cuối cùng”, Priem nói và cho biết ông Huang chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh và tìm kiếm đối tác sản xuất chip. “Ông ấy đã rất cô đơn trong trọng trách nặng nề này”.
Sau khi tung ra sản phẩm đầu tiên và thất bại, Huang sa thải một nửa lực lượng lao động. Hết tiền, đứng bên bờ vực phá sản, ông đặt cược vào con chip hồi năm 1997 và 2 năm sau quyết định ra mắt công chúng. Ngày thị trường phục hồi sau khủng hoảng dotcom và tài chính toàn cầu, S&P 500 tăng 25% trong khi Nvidia lao dốc 50%.
Nhận thấy công ty quá trì trệ, Huang rót tiền vào một nền tảng mới cho phép các nhà phát triển làm bất cứ điều gì họ muốn với GPU. Phố Wall hoài nghi về tầm nhìn này song các nhà nghiên cứu AI lại không nghĩ vậy. Họ bắt đầu sử dụng chip của Nvidia để huấn luyện mạng lưới thần kinh, sau đó nhận ra tiềm năng của sản phẩm.
Trong cơn sốt ‘vàng’ AI, chip Nvidia chẳng khác nào ‘xèng đào’. Công ty hiện sở hữu 80% thị trường chip cao cấp và thời gian chờ cho một trong những bộ xử lý AI hiện đã lên tới 8 tháng. Một số khách hàng lớn của Huang đã phải thiết kế chip tùy chỉnh của riêng mình để giảm sự phụ thuộc vào Nvidia.
Trong các cuộc gặp gỡ chuyên gia, Giám đốc điều hành Nvidia không thể ngừng nói về AI, đồng thời gợi ý rằng sự bùng nổ gần đây của trí tuệ nhân tạo chính là chiến lược của công ty.
“Hoạt động xoay quanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng AI, sử dụng chip Hopper và Ampere nhằm tác động đến các mô hình ngôn ngữ lớn đã tăng vọt”, Huang nói. Được biết Ampere là tên mã dành cho thế hệ chip A100, còn Hopper là tên chip thế hệ mới H100.
“Với sức mạnh AI, công ty đã vượt qua được giới hạn của công nghệ”, ông Jensen Huang nói.
Được biết, Nvidia đặt cược vào AI từ rất sớm. Vào năm 2006, công ty đã giới thiệu CUDA—ngôn ngữ lập trình mới cho phép các nhà phát triển viết ứng dụng cho GPU. Nó sau này đã trở thành nền tảng quan trọng cho hoạt động kinh doanh AI cốt lõi của Nvidia.
Theo thời gian, CUDA ngày càng phát triển. Trong bài phát biểu tại hội nghị Computerx vào tháng 5, CEO Huang cho biết ngôn ngữ lập trình này đã được tải xuống 25 triệu lần vào năm 2022.
Trong một hội nghị do Bernstein Research tài trợ vào tháng 7, cựu Phó Chủ tịch Nvidia, Michael Douglas, đã gọi phần mềm trên là “mũi nhọn then chốt” giúp Nvidia trở nên khác biệt so với đối thủ. Ông dự đoán thêm rằng hầu hết các cải tiến về hiệu suất trong vài năm tới “sẽ được điều khiển bằng phần mềm thay vì phần cứng”.
Tuy nhiên, ‘miếng bánh’ AI quá ngon để các tập đoàn khác bỏ lỡ. Ngoài Nvidia, rất nhiều các ‘gã khổng lồ’ khác cũng đang tăng tốc giành giật vị thế trong một thị trường chip đồ hoạ quá cạnh tranh như hiện tại.
Đơn cử, AMD, được biết đến với tư cách đối thủ lâu năm của Intel trên thị trường bộ vi xử lý máy tính và máy chủ, đang đặt mục tiêu chiếm lĩnh phần lớn thị trường chip AI, thậm chí thay thế Nvidia nắm vị trí dẫn đầu.
“Tôi nghĩ đây là cơ hội để viết tiếp câu chuyện tăng trưởng của AMD. Rất ít công ty trên thế giới có được lợi thế như chúng tôi. Chúng tôi có cơ hội định hình cách AI được ứng dụng trên toàn cầu”, CEO Lisa Su nói.
Theo các chuyên gia, giá chip Nvidia đắt đỏ có thể khiến nhiều khách hàng quay sang tìm kiếm các giải pháp thay thế. Mercury Research ước tính một hệ thống với 8 GPU mới nhất của Nvidia có giá khoảng 200.000 USD, tức gấp khoảng 40 lần chi phí của một máy chủ chung được thiết kế cho trung tâm dữ liệu đám mây.
Lịch sử phát triển của chính Nvidia cho thấy không một công ty công nghệ nào thực sự bất khả xâm phạm. Bản thân ‘ông vua chip’ này cũng từng phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu khi Intel và AMD bắt đầu tích hợp công nghệ GPU với chip CPU. Khi đó Intel có doanh thu hàng năm gấp khoảng 10 lần Nvidia.
Dẫu vậy, Nvidia vẫn có cơ sở để duy trì vị thế dẫn đầu. Công ty hiện sở hữu 80% thị trường chip cao cấp và thời gian chờ cho một trong những bộ xử lý AI này hiện đã lên tới 8 tháng. Một số khách hàng lớn của CEO Huang thậm chí đã phải thiết kế chip tùy chỉnh của riêng mình để giảm sự phụ thuộc vào Nvidia.
“Nvidia phải vấp ngã vì một lý do nào đó thì các đối thủ cạnh tranh mới có cơ hội”, Chris Mack, nhà phân tích tại Harding Loevner LP, một công ty đầu tư sở hữu khoảng 160 triệu USD cổ phiếu Nvidia, cho biết.
Theo: WSJ
An ninh tiền tệ