‘Vựa dầu’ 11 tỷ thùng tại Guyana: ‘Mỏ vàng’ hàng trăm tỷ USD giúp một quốc gia thoát nghèo, GDP tăng trưởng tới 60%
Từng là một trong những quốc gia nghèo, Guyana giờ đây xuất hiện trên bản đồ dầu mỏ toàn cầu, đồng thời được kỳ vọng sẽ phát triển gấp 5 lần trong 10 năm tới.
Bên trên bức tường bê tông cao ngang thắt lưng, vài người dân Guyana đang trò chuyện rôm rả. Phía sau họ, từng con sóng ầm ì vỗ lên bức tường chắn sóng. Tháng Giêng khó quên hồi năm 2005, nơi đây đã chứng kiến một đợt thủy triều kèm mưa lớn ròng rã suốt nhiều ngày như muốn nuốt chửng toàn bộ những ngôi nhà lân cận.
Về mặt lý thuyết, 800.000 người dân Guyana có thể yêu cầu giới chức cấp đất xây nhà trong đất liền - nơi tuyệt đối an toàn khi thiên tai bất chợt xảy đến. Song thực tế, đến 90% dân số lại chấp nhận ‘nhồi nhét’ trong khu vực ngập lụt ôm lấy vùng biển Caribe. Một nửa trong số họ sống ở Georgetown, nơi được mệnh danh là thủ đô ngập lụt và phụ thuộc phần lớn vào mạng lưới kênh thoát nước.
Động lực duy nhất đến từ việc biển cho người dân Guyana cơ hội kinh tế. Đây từng là một trong những quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu khi từ năm 2000 đến năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội của cả nước nhỏ hơn nhiều so với hầu hết các thành phố trung bình của Mỹ.
Trận thủy triều hồi năm 2005 gần như đã xóa sạch 59% GDP hàng năm. Việc mở rộng và củng cố bức tường chắn sóng dài 280 dặm, nâng cấp hệ thống thoát nước và chuyển cơ sở hạ tầng nhà ở lên vùng đất cao hơn đã tiêu tốn hàng tỷ USD.
Dự báo Guyana gần như chắc chắn sẽ phải trải qua một đợt thuỷ triều khủng khiếp khác. Theo các chuyên gia, nước biển Caribe sẽ tăng trung bình khoảng 22cm trong 30 năm tới. Nếu thế giới tiếp tục đốt cháy nhiên liệu hóa thạch với tốc độ ngày càng tăng, mực nước biển thậm chí sẽ dâng cao 182cm vào cuối thế kỷ này. Và nếu không có gì thay đổi, bức tường chắn sóng của Georgetown sẽ sớm ngập trong nước.
Trước tình hình đó, chính phủ Guyana quyết định đánh cược vào một nghịch lý. Họ tin rằng cách hiệu quả nhất để giải cứu Guyana khỏi biến đổi khí hậu do nhiên liệu hóa thạch chính là kinh doanh nhiên liệu hóa thạch.
Guyana hồi năm 2005 đã chứng kiến một đợt thủy triều kèm mưa lớn ròng rã suốt nhiều ngày.
Vào năm 2015, các đội thăm dò của Exxon Mobil đã phát hiện ra rằng Guyana sở hữu một “vựa dầu” khoảng 11 tỷ thùng cách bờ biển 120 dặm. Chúng có thể chiếm khoảng ⅓ lượng dầu được phát hiện trên toàn thế giới, thậm chí ngang bằng Trung Quốc.
“Đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch là quá điên rồ”, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết.
Dẫu biết là vậy, song việc Guyana từ chối cơ hội phát triển kinh tế trị giá hàng trăm tỷ USD này, theo các chuyên gia, còn ‘điên rồ’ hơn nhiều. Bù lại, nước này cam kết sẽ tạo ra một trạng thái bền vững về môi trường, tức sử dụng doanh thu từ dầu mỏ để xây dựng cơ sở hạ tầng cho năng lượng tái tạo.
Kể từ khi mỏ dầu đầu tiên được khai thác vào 3 năm trước, Guyana đã trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Nó còn ký hợp đồng lớn với Exxon - công ty đang sở hữu rất nhiều ‘ưu ái’, chẳng hạn như tỷ lệ chia sẻ doanh thu lớn, yêu cầu về thuế ít.
Sáng ngày 26/5, Ngày Độc lập của Guyana, Tổng thống Irfaan Ali có bài diễn thuyết ca ngợi nỗ lực nước mình. Những chiếc cầu phao thô sơ trước đây đã được thay thế bằng cầu bê tông vững chãi. Con đường cao tốc 4 làn xe được xây dựng - một trong số hàng chục dự án đường bộ nối liền các thành phố của Guyana với Brazil và Suriname. Nhiều hộ dân cũng đã có nhà khang trang để ở nhờ ngân sách vốn của chính phủ tăng 107% chỉ trong năm nay.
“Cuối cùng, chúng ta cũng đang trên con đường đi tới thịnh vượng,”Tổng thống Irfaan Ali nói.
Vào năm 2015, các đội thăm dò của Exxon Mobil đã phát hiện ra rằng Guyana sở hữu một “vựa dầu” khoảng 11 tỷ thùng cách bờ biển 120 dặm.
Ai cũng biết tất cả sự thịnh vượng này đều đến từ dầu mỏ. Theo Bloomberg, Guyana hiện đang sản xuất khoảng 360.000 thùng dầu/ngày. Con số dự kiến đạt 580.000 vào năm 2023 và có khả năng lên tới 1 triệu thùng/ngày vào năm 2027. GDP Guyana được dự đoán sẽ tăng 58,7% trong năm nay, trong đó dầu mỏ chiếm hơn 60% sản lượng xuất khẩu, thay thế đường và gạo. Tất cả được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế Guyana phát triển gấp năm lần trong vòng 10 năm nữa.
Để kiểm soát đà tăng trưởng này, Guyana đề ra ‘Chiến lược phát triển carbon thấp 2030’. Chiến lược này nhằm mục đích bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng các đê chắn sóng, cải tiến cơ sở hạ tầng, đồng thời đa dạng hóa các ngành công nghiệp của Guyana. Lợi nhuận từ dầu mỏ sẽ được dùng để tài trợ cho các dự án năng lượng mới, với mục tiêu sau cùng giúp nền kinh tế vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo.
“Một quốc gia có trách nhiệm sẽ không bao giờ để người dân của mình tiếp tục nghèo đói, trong khi các nước giàu có khác đang độc chiếm thị trường”, Tổng thống Irfaan Ali khẳng định.
Thủ tướng Barbados Mia Mottley, người có bài phát biểu khai mạc hội nghị COP 27 của Liên hợp quốc trong năm nay, đã quyết định cho phép các công ty nhiên liệu hóa thạch thăm dò vùng biển. Barbados hy vọng số tiền kiếm được từ dầu mỏ sẽ có thể tài trợ một phần cho quá trình chuyển đổi sang nhiên liệu tái tạo của Guyana vào năm 2030. Đây có thể không phải một giải pháp lí tưởng, song các quốc gia phát triển cho họ rất ít sự lựa chọn.
Trước đây, các nước phát triển vẫn cam kết đóng góp hàng tỷ USD cho các nước nghèo để giúp họ thích nghi với biến đổi khí hậu, chủ yếu do thế giới công nghiệp hóa gây ra. Tuy nhiên, rất ít cam kết đã được thực hiện. Chính vì vậy, Tổng thống Irfaan Ali, trong bài phát biểu tại Anna Regina, đã mô tả sự phát triển gần đây của đất nước như một bước nhảy vọt hướng tới nền độc lập thực sự, 56 năm sau khi Guyana tuyên bố thoát khỏi sự cai trị của Anh.
Kể từ khi mỏ dầu đầu tiên được khai thác vào 3 năm trước, Guyana đã trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, hơn bất cứ điều gì khác, chính cảm giác vội vàng - mong muốn ký càng nhiều hợp đồng càng tốt của Guyana đã bắt đầu nảy sinh nhiều hoài nghi trong dư luận. Họ tin rằng kế hoạch này đã bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát.
Vào năm 2016, sau khi phát hiện về ‘mỏ vàng’ dầu ngoài khơi được công bố, Exxon và Guyana đã sửa đổi thỏa thuận thăm dò ban đầu vốn đã ký kết vào năm 1999. Hợp đồng mới chia doanh thu theo tỷ lệ 50-50. Các nhà đầu tư khi đó rất bất ngờ. Họ cho rằng thỏa thuận này ‘ngọt ngào’ một cách bất thường đối với Exxon.
Đáp lại, Exxon nói họ đã chấp nhận rủi ro đáng kể khi đánh cược vào một quốc gia không có kinh nghiệm sản xuất dầu, trong khi cơ sở hạ tầng cho năng lượng lại chưa được đầu tư.
“Các điều khoản trong thỏa thuận dầu khí của chúng tôi với chính phủ Guyana là bình thường trong ngành”, đại diện Exxon nói.
Theo chuyên gia tư vấn Rystad Energy AS, tỷ lệ trung bình toàn cầu đối với các dự án ngoài khơi của chính phủ là 75%. Điều này có nghĩa là Exxon đang được nhượng bộ rất nhiều.
Cụ thể, hợp đồng quy định rằng bất kỳ khoản thuế thu nhập nào áp dụng cho Exxon và các đối tác đều sẽ được chính phủ chi trả. Exxon cũng có thể tận dụng các biên lai nộp thuế này để kiếm thêm các khoản vay tín dụng thuế tại Mỹ. Được biết, Exxon đã chi 700 triệu USD cho các doanh nghiệp Guyan kể từ năm 2015. Một nửa số nhân viên toàn thời gian của họ đều là người Guyan.
Theo nhà kinh tế học Steven Debipersad thuộc Đại học Anton de Kom, thủ đô Paramaribo, Suriname, “rất khó để duy trì vị thế trung hòa carbon khi một quốc gia tham gia khai thác dầu khí”, ngay cả khi Guyan đã cam kết cố gắng cân bằng.
Người dân Guyana trên bức tường chắn sóng
Nhiều chuyên gia thậm chí còn lo ngại rằng Guyan có thể sẽ phải đối mặt với “Lời nguyền dầu mỏ” - thuật ngữ được các nhà kinh tế sử dụng để chỉ tình trạng một số quốc gia phát triển chậm lại và gia tăng bất bình đẳng khi phát hiện thêm tài nguyên dầu mỏ do quản lý ngân sách yếu kém.
Được biết, việc bảo vệ các khu rừng với độ che phủ 85% diện tích Guyana đang được coi là một biện pháp kinh tế, bởi nước này có thể bán “tín dụng carbon” cho những quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính. Tổng thống Irfaan Ali cho biết Guyana thu về 190 triệu USD/năm nhờ bán “tín dụng carbon” - loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng nhất định CO2 hoặc các khí nhà kính khác.
Tuy nhiên, Monique Pool, Giám đốc Quỹ Di sản Xanh của Suriname, lại không ủng hộ chính sách vừa khai thác dầu vừa bán “tín dụng carbon”.
“Tín dụng carbon sẽ đem lại nhiều tiền hơn, nhanh hơn so với khai thác dầu khí, bởi nó bền vững hơn”, bà nói.
Tại Georgetown, thủ đô Guyana, nhà hoạt động Christopher Ram cũng tin rằng dầu khí nên ở yên dưới lòng đất. Ông lo ngại rằng các công ty khai thác sẽ vì lợi nhuận mà quên đi các yếu tố môi trường.
“Nếu là tôi, tôi sẽ khẳng định rằng Guyana là nước nhỏ, luôn bảo vệ môi trường và chúng tôi muốn duy trì điều này”, ông Christopher Ram cho biết.
Theo: Bloomberg
Nhịp sống thị trường