MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vua đầu bếp Minh Nhật: Cởi bỏ "bộ đầm đen", em sẽ lại khoác lên chiếc tạp dề trắng

08-03-2017 - 10:46 AM | Doanh nghiệp

Bẵng đi một thời gian sau những rắc rối và phát ngôn đậm chất showbiz, Minh Nhật cho biết 1 năm qua, cô đang tập trung toàn bộ sức lực vào công việc kinh doanh chuỗi cửa hàng bánh mì và quán xào. Bước sang năm 2017 này, cô sẽ chỉ tập trung vào chuyên môn là người đầu bếp với chiếc tạp dề trắng mang lại niềm vui cho mọi người.

Tham dự Masterchef Việt Nam vào năm 2014, Minh Nhật là cái tên được rất nhiều người yêu mến và cô cũng là người giành được danh hiệu quán quân của cuộc thi năm ấy.

Ngưng sóng truyền hình, Minh Nhật đã bắt tay ngay vào chuỗi cửa hàng bánh mì mà cô từng ấp ủ. Tuy nhiên, trái với kì vọng của người hâm mộ, thay vì những câu chuyện kinh doanh, bếp núc, từng có thời điểm, xung quanh Minh Nhật chỉ toàn là những lùm xùm và chuyện đời tư, hơn là công việc kinh doanh như Vua đầu bếp Việt Nam đã có thể mang đến.

Bẵng đi một thời gian, người ta không còn thấy tên tuổi Minh Nhật xuất hiện với tần suất dày đặc trên báo chí. Vậy "Vua đầu bếp" một thời đã đi đâu và làm gì? Liệu rằng chuỗi bánh mì cô từng dày công tâm huyết có còn tồn tại ?

- Chào Minh Nhật, gần đây bạn có vẻ kín tiếng, không còn xuất hiện trên truyền thông nhiều như trước. Bạn có thể chia sẻ công việc của mình hiện tại? Bạn có còn nấu ăn nữa không?

Năm vừa qua, Minh Nhật tập trung chủ yếu vào việc kinh doanh, đầu tư tâm sức vào 2 chuỗi cửa hàng bánh mì và quán xào cũng tiêu tốn khá nhiều thời gian và công sức.

Sau khi tập trung nguồn lực mở quán xào đầu tiên chạy thử nghiệm vào tháng 11 năm ngoái và đi vào ổn định, hiện tại Minh Nhật đang chuẩn bị quay trở lại với chuỗi bánh mì mang thương hiệu của mình, dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm các chi nhánh mới trong tháng 3 này.

- Chuỗi bánh mì của bạn có hiện tại đang hoạt động như thế nào?

Chuỗi bánh mì của Minh Nhật vẫn hoạt động ổn định. Rất vui là thương hiệu bánh mì Minh Nhật hiện đã phát triển được 13 điểm bán nằm trên các trục phố chính ở Hà Nội, và 7 điểm phục vụ nằm trong các cụm rạp CGV.

- Nói vậy có nghĩa công việc kinh doanh của Minh Nhật hiện diễn ra rất tốt. Nhưng có người lại nói rằng bánh mì của bạn ăn không ngon và không rẻ ?

Nói về yếu tố "ngon", Minh Nhật cho rằng, điều đó tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Và Minh Nhật vẫn đang cố gắng sáng tạo thêm nhiều công thức bánh mì mới, thu hút thêm nhiều thực khách.

Chẳng hạn, bánh mì cũng phải theo… mốt. Vào mỗi mùa trong năm, Minh Nhật lại bổ sung thêm một công thức mới, hợp với khẩu vị của thực khách trong mùa đó. Những tháng mùa thu, Minh Nhật sẽ bán bánh mì cà ri. Mùa đông là bánh mì bò sốt vang, và gần đây là bánh mì phô mai - theo trào lưu của các bạn trẻ.

"Không rẻ" cũng là một khái niệm biến đổi tùy mỗi người. Bản thân các cửa hàng bánh mì Minh Nhật đều được nghiên cứu vị trí kỹ lưỡng, thường ở các khu văn phòng, trường học đông người nên giá thuê không hề rẻ. Chi phí để trang trí và mua nguyên liệu tốt cũng vậy. Chính vì thế có thể nói là bánh mì Minh Nhật không thể rẻ, nhưng cũng không hề đắt so với chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

32.000 đồng và 23.000 đồng là một mức giá Minh Nhật cho là phù hợp với một bữa ăn chất lượng cao.

- Một chiếc bánh mì có giá 32.000 đồng, nếu mua thêm một chai nước có thể lên khoảng 40.000 - 45.000 đồng, Minh Nhật có nghĩ rằng người ta sẽ chọn ăn phở, bún, thay vì bánh mì?

Minh Nhật cho rằng, ở đây có 2 câu chuyện.

Một là thực khách sẽ luôn phải thay đổi khẩu vị, không ai có thể ăn phở, hoặc bánh mì mãi được. Họ sẽ muốn thay đổi đa dạng, xen kẽ khẩu phần ăn của mình. Theo khảo sát, thực khách của Minh Nhật thường sẽ mua bánh mì 2 lần trong 1 tuần. Như vậy, ở đây có sự thay đổi luân phiên giữa bún, phở và bánh mì.

Hai là bánh mì rõ ràng tiện lợi hơn, mang đi được, ăn ở đâu cũng được, rất phù hợp với các bạn làm văn phòng. Còn với bún, phở, không ai vừa đi vừa ăn được.

- Đâu là yếu tố để mọi người chọn bánh mì Minh Nhật mà không phải là sản phẩm nào khác?

Đó là chất lượng. Đây cũng là điều Minh Nhật tâm đắc nhất ở chuỗi bánh mì của mình. Thực khách có thể tới bất kì cửa hàng bánh mì Minh Nhật nào, nhưng chất lượng của mỗi sản phẩm đều đảm bảo như nhau.

Thực khách mua nhiều, hay mua ít cũng vậy. Ăn trực tiếp hay mua về cũng vậy. Mua bánh mì Minh Nhật ở Nguyễn Du, hay Trần Duy Hưng cũng vậy. Chưa cần biết có hợp khẩu vị hay không, nhưng hương vị và chất lượng bánh luôn được giữ nguyên.

Để làm được điều này, đòi hỏi bếp tổng của Minh Nhật phải có quy trình rõ ràng, được giám sát nghiêm ngặt. Dù là nhân bò, gà, hay heo, bếp tổng đều phải định tính và định lượng rất kỹ. Làm sao các nhân viên tại cửa hàng khi làm bánh mì cho khách chỉ phải gắp mỗi nhân vào bánh, hạn chế tối đa công đoạn phải thực hiện. Từ đó, hương vị bánh luôn được đảm bảo, tránh làm ảnh hưởng tới chất lượng chung. Quá trình này được lặp lại ở cả đồ uống chứ không chỉ riêng bánh mì.

- Minh Nhật có đề cập tới kinh doanh chuỗi, đâu là yếu tố quan trọng nhất khi mở ra một chuỗi bánh mì có tới 20 điểm bán như hiện nay?

Địa điểm sẽ là vấn đề then chốt. Với một chuỗi F&B, địa điểm đóng vai trò quan trọng nhất. Như đã nói ở trên, Minh Nhật phải nghiên cứu kỹ từng vị trí để đặt cửa hàng bánh mì của mình làm sao tập trung nhóm khách hàng mục tiêu đông nhất. Đó thường là khu vực bệnh viện, trường học, dãy văn phòng…

Tất nhiên, cũng có lúc Minh Nhật không tránh khỏi việc chọn sai địa điểm. Nhưng rất may là với đặc thù chuỗi bánh mì Minh Nhật không đòi hỏi diện tích lớn, chi phí một điểm bán mới thấp, nên nếu không đạt yêu cầu, có thể dễ dàng đóng cửa và tìm địa điểm mới.

- Hiện tại, đâu đang là cửa hàng mang lại doanh số tốt nhất cho Minh Nhật?

Các điểm bán ở Trần Duy Hưng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Du, Láng Hạ hay Nguyễn Chí Thanh đang hoạt động hiệu quả nhất. Ngược lại, những địa điểm bị coi là kém hiệu quả, sẽ phải đóng cửa khi sau 6 tháng mở mới vẫn không vượt qua được mức doanh số đề ra. Cửa hàng trên đường Thanh Niên là điểm bán duy nhất từ trước đến nay rơi vào trường hợp này.

- Minh Nhật cho thấy mình tính toán khá cẩn thận và bài bản. Điều này dường như rất khác so với những gì Minh Nhật từng thể hiện trên truyền thông trước đây?

(Cười). Nếu để ý sẽ thấy 1 năm qua, Minh Nhật không còn xuất hiện trên truyền thông nữa mà tập trung toàn bộ sức lực vào công việc kinh doanh là chuỗi cửa hàng bánh mì và quán xào. Đặc biệt, quán xào vừa được khai trương vào cuối năm ngoái cũng đã "ngốn" của Minh Nhật khá nhiều tâm trí và sức lực. Càng làm, Minh Nhật càng thấy quản lý một chuỗi cửa hàng kinh doanh không hề đơn giản.

Mặc dù vậy, sang năm 2017 này, mọi người sẽ nhìn thấy Minh Nhật trong một hình ảnh mà mọi người quen thuộc: đó là hình ảnh cô đầu bếp trong chiếc tạp dề trắng. Thú thực là từ khi lấn sân sang kinh doanh, thời gian vào bếp của Minh Nhật cũng không còn thoải mái như trước. Vì vậy, trong năm nay, Minh Nhật cũng muốn gắn với công việc nấu nướng nhiều hơn. Hiện Minh Nhật đã thực hiện một số chương trình, clip hướng dẫn nấu nướng, được chia sẻ rộng rãi với mọi người trên Facebook.

- Nó giống như việc thay đổi, cố gắng trở lại với hình ảnh cũ đã từng được mọi người yêu mến?

Có thể nói là như vậy, nhưng Minh Nhật cũng hiểu việc này đòi hỏi cần nhiều thời gian và tâm huyết để thực hiện.

- Quay trở lại với công việc kinh doanh, dự định trong năm tới của Minh Nhật là gì?

Chuỗi bánh mì sẽ tập trung mở rộng thêm điểm bán tại Hà Nội và có thể là Nam tiến nữa. Thị trường Sài Gòn luôn tiềm năng, nhưng chắc chắn là cạnh tranh cũng rất quyết liệt.

- Đã có nhiều chuỗi cửa hàng đình đám, gọi vốn thành công hàng triệu đô để Nam tiến nhưng sau đó thất bại thảm hại, Minh Nhật đã lường hết những khó khăn sẽ gặp phải chưa?

Khó khăn chắc chắn sẽ rất nhiều. Chẳng hạn, để mở được cửa hàng ở Sài Gòn, Minh Nhật sẽ phải xây dựng một bếp tổng mới, với chi phí ban đầu tương đối lớn.

Thị trường trong Nam vốn chuộng bánh mì hơn ngoài Bắc, nên Minh Nhật sẽ phải cạnh tranh với nhiều tên tuổi lớn. Thêm vào đó, mức giá chênh lệch giữa 2 miền cũng là một vấn đề. Tuy nhiên, bánh mì Minh Nhật sẽ không thay đổi nhiều về mức giá của các dòng sản phẩm hiện tại, mà mở rộng thêm các sản phẩm có giá dưới 23.000 đồng để cạnh tranh.

Và Minh Nhật tin rằng, người tiêu dùng TP. HCM rất cởi mở và muốn thử cái mới, sẽ đón nhận bánh mì Minh Nhật như một sự lựa chọn mới trong thực đơn phong phú của mình.

- Để có tiền đầu tư cho những dự định trong tương lai, Minh Nhật đã tính tới chuyện gọi vốn?

Thực ra, dù học ngành tài chính, nhưng tư duy của Minh Nhật có lẽ vẫn là của người làm bếp, không phải người làm kinh doanh chuyên nghiệp. Vậy nên Minh Nhật chỉ có thể làm từ từ, chắc từng bước một.

Một phần cũng có lẽ do Minh Nhật bị ảnh hưởng lớn từ bố mẹ, nghĩa là có bao nhiêu thì mình dùng bấy nhiêu. Tốc độ có thể chậm lại, nhưng di chuyển sẽ an toàn hơn.

Minh Nhật cũng biết cá nhân mình còn nhiều lỗ hổng, nên cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư để đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng mới. Có điều là Minh Nhật chưa gặp được nhà đầu tư phù hợp.

- Vậy tiêu chí Minh Nhật chọn nhà đầu tư ra sao?

Mong muốn lớn nhất của Minh Nhật là tìm được nhà đầu tư cùng hoạt động trong ngành. Hiểu đơn giản, anh làm thời trang dù có thành công tới mấy, thì cũng không thể nhảy sang ẩm thực được.

Với Minh Nhật, kinh nghiệm của nhà đầu tư là rất cần thiết. Tiền chỉ là một phần, mà quan trọng là sự hiểu biết của nhà đầu tư. Trước đây, Minh Nhật thường làm theo bản năng, còn bây giờ Minh Nhật mong muốn có chuyên gia giúp đỡ, để công việc kinh doanh tốt hơn.

Bởi vào tay nhà đầu tư chuẩn, đường tới thành công sẽ ngắn. Ngược lại, con đường Minh Nhật phải đi sẽ rất xa. Ở thời điểm này, Minh Nhật không bị áp lực nhiều về tài chính, nên có thể "túc tắc" tìm kiếm mạnh thường quân.

- Xin cảm ơn Minh Nhật. Chúc bạn sớm thành công với những dự định của mình!

Theo Việt Hưng

Trí thức trẻ

Trở lên trên