MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vua đầu bếp Minh Nhật: Tôi muốn đi theo mô hình của Golden Gate

15-10-2016 - 18:13 PM | Doanh nghiệp

Minh Nhật, cô gái 9X chiến thắng trong gameshow Vua đầu bếp (Master Chef) 2014 giờ đây đã thành một bà chủ trẻ của chuỗi cửa hàng bánh mì khá nổi tiếng mang tên cô.

Gặp Minh Nhật một buổi chiều gió nhẹ, nhưng dường như vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội chẳng thể quyến rũ nổi cô gái đang quá bận rộn với những email, điện thoại dồn dập đến. Nhưng khi nói chuyện về công việc, thì Nhật lại say sưa đến lạ kỳ. Nhật kể đang chuẩn bị khai trương một nhà hàng mới trên phố Bà Triệu, một “concept” hoàn toàn mới trong hệ thống của cô.

Bạn có thể giới thiệu một chút về nhà hàng mới của mình?

Đây là một nhà hàng hoàn toàn mới, chuyên phục vụ đồ xào. Khách hàng ngay khi bước vào nhà hàng sẽ nhìn thấy các nguyên liệu tươi ngon được bày sẵn trên kệ, sau đó, khách hàng sẽ tự chọn các nguyên liệu cho mình, rồi đầu bếp sẽ mang các nguyên liệu được chọn đi chế biến.

Mô hình này đã có ở một số nước Châu Âu, tuy nhiên, khi về Việt Nam, tôi muốn các món ăn hoàn toàn thuần Việt. Như các món cơm rang, phở xào, mì xào vốn thường được phục vụ ở các quán bình dân thì giờ đây được nâng tầm lên thành những món ăn trong nhà hàng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mức giá dao động từ 40 nghìn – 80 nghìn đồng/đĩa.

Từ đâu bạn có ý tưởng mở một nhà hàng như vậy?

Khi bắt đầu kinh doanh , tôi đã đặt mục tiêu mỗi năm ra một concept mới, đây là concept thứ hai trong hệ thống, nhắm vào khách hàng trung lưu. Chúng tôi muốn phát triển theo mô hình như Golden Gate, tức là sở hữu nhiều concept trong cùng một hệ thống. Tuy nhiên, khác với Golden Gate mang concept món ăn nước ngoài về Việt Nam còn chúng tôi muốn phát triển với các món ăn thuần Việt.

Tôi thấy rằng gu ẩm thực của người Việt chưa được tốt, rất dễ bị ảnh hưởng bởi trào lưu. Ví dụ như KFC, ban đầu khi mới vào Việt Nam, họ kinh doanh rất mạnh, tuy nhiên, hiện nay trào lưu đó đã đi xuống rất nhiều. Tôi cho rằng, để phục vụ cho người Việt thì nên phục vụ món ăn Việt, bởi đó là những món ăn quen thuộc và sẽ không bị ảnh hưởng bởi trào lưu.

Thêm vào nữa, tôi làm theo hướng chuyên biệt, tức là một concept chỉ bán một thứ, như cửa hàng bánh mì sẽ chỉ bán bánh mì, nhà hàng xào sẽ chỉ bán đồ xào, không bán các món khác.

Khi mở cả một chuỗi cửa hàng bánh mì, rồi lại mở thêm nhà hàng nữa, vậy bạn có ý định gọi vốn, mời đối tác để cùng mở rộng kinh doanh không?

Hiện tại vẫn là 100% vốn của tôi. Trong thời gian tới, tôi muốn tìm một đối tác có cùng hướng đi, kỳ vọng. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ rất nhiều đối tác nhưng vẫn chưa tìm được người phù hợp.

Nguyên nhân là do chúng tôi chưa thống nhất được về giá. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn đối tác phải có một số kinh nghiệm nhất định trong ngành F&B (Food and Beverage), có kinh nghiệm về nấu ăn, về vận hành chuỗi để hỗ trợ. Chúng tôi cần người biết hơn mình để hỗ trợ trong việc kinh doanh. Nhưng hiện nay vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp.

Giả sử không tìm được đối tác phù hợp, có bao giờ bạn có ý định bán mảng bánh mì để đầu tư cái mới?

Chúng tôi cố gắng phát triển theo hướng “holding”, trong đó sở hữu nhiều thương hiệu. Nếu bán thì sẽ bán cổ phần trong cái holding đó chứ không bán một thương hiệu.

Trở về thời điểm hơn một năm trước, tại sao bạn lại quyết định chọn con đường kinh doanh, vì vì sao lại chọn bánh mì để khởi nghiệp?

Hồi đấy tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, băn khoăn nhất là hướng đi của mình. Tôi mất rất lâu mới chọn được con đường để đi, nền tảng kiến thức là ngân hàng, chưa có kinh nghiệm kinh doanh gì cả. Do đó, tôi muốn bắt đầu kinh doanh nhỏ thôi, để có thể xoay xở được, và đủ nhỏ để rủi mà có thất bại cũng không mất quá nhiều.

Còn vì sao chọn bánh mì thì đơn giản là hồi đó Hà Nội chưa có bánh mì ngon. Một đợt ở Hà Nội nổi lên trào lưu bánh mì que, tuy nhiên, cũng chỉ tồn tại được một thời gian khá ngắn. Sau khi “cơn bão” bánh mì que qua đi, nhận thấy vẫn chưa có một loại bánh mì mới thay thế nên tôi quyết định mở.

Kinh doanh khi còn chưa có kinh nghiệm, vậy bạn gặp nhiều khó khăn không?

Thực ra cũng không có quá vấn đề, mặc dù còn bỡ ngỡ nhưng tôi có sự hỗ trợ của bếp trưởng, của những người đi trước nên mọi việc cứ hoàn thiện dần dần. Các quy trình vận hành được đưa ra từ đầu và cứ dần hoàn thiện. Một trong những khó khăn nhất tôi gặp phải là vấn đề về nhân lực. Việc tìm được nhân viên tốt, có khả năng và tâm huyết rất khó mặc dù chúng tôi trả lương khá cao so với mặt bằng chung.

Một ngày làm việc của bạn như thế nào?

Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 6h30 sáng, công việc đầu tiên là kiểm tra camera xem các cửa hàng đã hoạt động chưa, bây giờ có quản lý làm giúp nên có nhàn hơn một chút. Tuy nhiên, làm trong ngành này thì không có ngày nghỉ, đặc biết là thứ 7, chủ nhật, mọi người đi ăn nhiều hơn thì mình lại phải làm việc nhiều hơn. Đặc biệt trong thời gian này tôi đang chuẩn bị mở nhà hàng mới nên phải tăng công suất lên gấp đôi.

Bận rộn vậy bạn có thời gian để nấu nướng?

Tôi vẫn hay đi nấu món, thử món cho các nhà hàng nhưng nấu cho gia đình thì tuần được hai buổi, ăn cơm cùng bố mẹ vì tôi quá bận rộn với cửa hàng.

Đâu là món ăn bạn nấu ngon nhất?

Đầu bếp thì không có món tủ, vì đã là đầu bếp thì món gì cũng phải làm được. Tôi đặc biệt thích món ăn Việt, các món cổ truyền.

Còn món nấu dở nhất?

Tôi không thích đồ đạo Hồi, gần như không ăn được. Mà đã không ăn được thì không nấu được. Tôi cũng không biết tỉa hoa quả.

Trong cuộc sống, cái gì là quý giá nhất đối với bạn?

Là sức khoẻ, có sức khoẻ mới làm được công viêc, mới quan tâm được người khác. Nhưng quan trọng nhất với tôi vẫn là gia đình, gia đình là bố mẹ, là gia đình riêng.

Vậy khi nào bạn có ý định lập gia đình riêng?

Trong thời điểm này, tôi đặt sự nghiệp của mình lên trước. Thời gian của tôi dành hết cho công việc, làm sao có thể chăm lo cho gia đình. Tôi cảm giác mình chưa sẵn sàng, nếu không thể toàn tâm toàn ý cho gia đình thì làm sao mình có thể làm cho nó hạnh phúc được.

Xin cám ơn và chúc bạn thành công!

Theo Trần Thủy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên