Vua dầu mỏ Mỹ dặn con nên ưu tiên nhóm người này nếu muốn trở thành ông chủ giàu có
"Rõ ràng là cha thông minh hơn họ, nhưng thay vì phớt lờ họ, cha rất coi trọng họ. Thậm chí có thể nói rằng cha luôn đặt họ lên hàng đầu", tỷ phú Rockefeller nhắn nhủ con trai.
- 18-10-2022Lý do duy nhất khiến người Phần Lan hạnh phúc nhất thế giới
- 18-10-2022Cách nuôi dạy con 'có một không hai' của cặp vợ chồng hàng đầu Hollywood
- 18-10-2022Có một ngôi trường cấp 3 "lọt thỏm" giữa lòng ĐHQG Hà Nội: Khuôn viên nhỏ xíu nhưng thành tích thì nhiều không đếm xuể
- 18-10-2022Thần chứng khoán Warren Buffett chỉ ra "sai lầm lớn nhất" trong quản lý tài chính, muốn tự do tiền bạc phải thay đổi sớm
- 18-10-2022Bố mẹ thuộc nhóm máu này sẽ sinh con có chỉ số IQ bẩm sinh cao hơn bạn bè cùng trang lứa
John Davison Rockefeller Sr., còn có biệt danh “Vua dầu mỏ”, ông được xem là người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại. Không chỉ là doanh nhân tài giỏi, Rockefeller còn là một người cha tuyệt vời. Những lời dặn dò ông dành cho đời sau đều cho thấy được tầm nhìn vượt thời đại. Cũng nhờ vậy mà gia tộc Rockefeller nối dài sự giàu sang đến tận 7 đời chưa dứt.
Trong suốt cuộc đời mình, "Vua dầu mỏ" đã viết cho con trai tổng cộng 38 lá thư. Nội dung trong đó đều là những lời dặn dò rút ra từ những bài học cuộc sống quý báu mà ông tự mình chiêm nghiệm.
Dưới đây là 1 trong 38 lá thư Rockefeller gửi cho con trai. Bức thư được viết năm 1925, lúc vị tỷ phú “John lớn” đã 87 tuổi và con trai của ông là “John nhỏ” 52 tuổi. Nội dung lá thư như sau:
“John thân mến,
Con hãy thử hình dung tình huống thế này: nhạc trưởng của một dàn nhạc giao hưởng đã sẵn sàng cống hiến một màn trình diễn đỉnh cao cho những khán giả mua vé. Thế nhưng sau đó, chính người này lại quay lưng với khán giả, bỏ mặc các nhạc công trên sân khấu. Kết quả sẽ ra sao? Đây có lẽ sẽ là buổi hòa nhạc tồi tệ nhất từ trước đến nay, bởi vì người chỉ huy không coi trọng các nhạc công của mình.
Tương tự, người sử dụng lao động cũng giống với một nhạc trưởng. Người lãnh đạo luôn mong muốn chỉ huy tất cả nhân viên thật tốt, để họ cống hiến, đóng góp nhiều nhất có thể cho mình, kiếm cho công ty thật nhiều tiền. Tuy nhiên, đối với hầu hết các chủ doanh nghiệp, đây chỉ có thể là một giấc mơ viển vông. Bởi, giống như người chỉ huy ngu ngốc, họ quên đối xử tốt với nhân viên, cho nên dễ dàng bỏ lỡ những giá trị tiềm năng mà nhân viên mang lại.
Giống như họ, cha cũng mong nhân viên của mình là những cấp dưới trung thành nhất, có thể hết lòng vì cha mà cống hiến nhiều hơn. Rõ ràng là cha thông minh hơn họ, nhưng thay vì phớt lờ nhân viên của mình, cha rất coi trọng họ. Thậm chí có thể nói rằng cha luôn đặt những nhân viên làm việc cho mình lên hàng đầu.
Công bằng mà nói, cha không có lý do gì để không tử tế với những nhân viên chăm chỉ giúp hầu bao của cha căng phồng. Và cha cũng không có lý do gì để không đánh giá cao những nỗ lực và hy sinh mà họ đã dành cho cha. Hơn nữa, thế giới này nên được lấp đầy bằng sự ấm áp.
Cha yêu quý nhân viên của mình rất nhiều, cha không bao giờ mắng họ hay tỏ vẻ độc đoán trước mặt họ như những người giàu có. Cha mang lại cho nhân viên của mình sự bình đẳng và khoan dung. Cuối cùng, tất cả những điều này được gói gọn thành một từ gọi là tôn trọng. Tôn trọng người khác là một cách để thỏa mãn ý thức đạo đức của một người, nhưng cha thấy nó là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy nhân viên làm việc chăm chỉ.
Trên thực thế, việc tất cả mọi người tại Standard Oil đều làm việc hết mình vì công ty đã củng cố niềm tin của cha, rằng bằng cách dành cho người khác sự tôn trọng mà họ xứng đáng, họ có thể phát huy hết tiềm năng của mình.
Điều cơ bản nhất trong bản chất con người là mong muốn được tôn trọng. Mặc dù sống khiêm tốn, nhưng cha không bao giờ quên giúp đỡ người khác một cách hào phóng. Cha nhớ rằng trong thời kỳ Đại suy thoái, cha đã nhiều lần bỏ tiền để giúp những người đang trên bờ tuyệt vọng, giúp các nhà máy và gia đình của họ có thể vượt qua cơn khủng hoảng. Và cha cũng chưa bao giờ hối thúc họ trả nợ, vì cha hiểu sâu sắc tầm quan trọng của lòng khoan dung.
Đối với nhân viên của mình, cha cũng hào phóng không kém. Cha không chỉ trả lương cho họ cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, mà còn đảm bảo cho họ có lương hưu khi về già. Đồng thời, cha còn nói với nhân viên rằng họ có thể gặp sếp bất cứ lúc nào và yêu cầu được tăng lương.
Cha không phủ nhận rằng sự hào phóng này có mục đích thực dụng, nhưng hơn hết, cha biết rõ sự hào phóng của mình có thể cải thiện mức sống của nhân viên. Đó là một trong những trách nhiệm của cha. Bên cạnh đó, cha thực sự mong những người giúp đỡ cha đều có thể trở nên giàu có vì cha.
Người sử dụng lao động là người bảo vệ nhân viên và vấn đề của nhân viên cũng là vấn đề của cha. Thực ra, cha có thể bỏ qua nhu cầu của họ hoặc chọn đáp ứng nhu cầu đó. Nhưng để so sánh, cha thích vế sau hơn. Cha luôn cố gắng tìm hiểu xem nhân viên của mình thực sự cần gì và sau đó sẽ tìm cách đáp ứng nhu cầu đó bằng cách hỏi họ hai câu hỏi: “Bạn cần gì?” và “Tôi có thể giúp gì cho bạn?". Cha luôn cố gắng quan tâm đến nhân viên của mình. Đối với cha, có thể giúp đỡ nhân viên là một trong những niềm vui lớn nhất của vị trí lãnh đạo này.
Lương và thưởng rất hấp dẫn, nhưng đối với một số người, tiền không khiến họ phục vụ, nhưng sự tôn trọng thì có. Cha hiểu rằng mọi người đều mong muốn mình được đánh giá cao và được người khác tôn trọng. Dường như mỗi người đều được sinh ra với một hàng chữ lớn: “Hãy chú ý đến tôi!” trên người.
Cha không thể hình dung được nỗi đau của việc không được coi trọng, dù là ở nơi làm việc hay ở nhà. Mục tiêu của cha là làm cho mọi nhân viên của mình nhận được sự tôn trọng mà họ xứng đáng có được tại nơi làm việc. Vì vậy, cha giống như một thám tử, không ngừng tìm hiểu về những tài năng mà nhân viên của mình tự hào.
Khi cha biết những tài năng mà họ nghĩ rằng họ nên được đánh giá cao nhất, cha sẽ giao trọng trách liên quan đến lĩnh vực đó cho họ. Người lãnh đạo muốn giỏi trong việc thúc đẩy nhân viên cống hiến hết sức, cần phải cho nhân viên thấy được hy vọng và tương lai để họ trung thành với mình. Giao phó trách nhiệm lớn cho họ chính là chìa khóa khiến nhân viên có động lực làm việc hăng say trong công việc.
Trở thành một ông chủ tử tế có thể giúp nhân viên của con tràn đầy năng lượng và tinh thần cao. Nhưng bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân viên cũng mang lại tác dụng rất lớn. Sẽ chẳng có nhân viên nào nhớ mình đã nhận được bao nhiêu tiền thưởng cách đây 5 năm, nhưng nhiều người sẽ luôn nhớ đến những lời khen ngợi của cấp trên. Cha nhớ mình chưa bao giờ keo kiệt trong việc bày tỏ lòng biết ơn của bản thân và không gì mạnh mẽ hơn một lời cảm ơn trực tiếp.
Cha đặc biệt thích để lại một mẩu giấy nhắn viết lời cảm ơn trên bàn của cấp dưới. Chỉ cần một hoặc hai phút để thực hiện, nhưng ý nghĩa của lời tri ân này sẽ luôn là nguồn động lực thôi thúc. Nhiều năm sau, biết đâu vẫn còn nhân viên nhớ đến lời động viên chân thành của cha và coi đó là một câu nói quý báu. Vì vậy, không khó để hiểu được rằng một câu nói cảm ơn đơn giản quả thực có thể thể hiện sức mạnh to lớn.
Cha rất coi trọng cấp dưới của mình và hiểu rõ ràng về công việc hoặc các vấn đề cá nhân của họ. Cha biết, sức mạnh mà mỗi người có thể đóng góp cho công ty là có hạn, vì vậy khi cha cố gắng hết sức để giúp cấp dưới giải quyết vấn đề khác, họ có thể giải phóng năng lượng và tập trung đóng góp cho công việc nhiều hơn.
John, hôm nay con đã trở thành một nhà lãnh đạo. Thành quả của con không chỉ đến từ năng lực bản thân, mà còn đến từ khả năng phát huy của nhân viên, vì vậy cha tin rằng con biết mình cần phải làm gì.
Cha thân mến của con.
Ngày 19 tháng 9 năm 1925”
(Theo Sohu)
Trí thức trẻ