Vừa đoạt giải ngon nhất thế giới, giá xuất khẩu ‘hạt ngọc trời’ của Việt Nam tăng sốc ra sao kể từ đầu năm?
Hạt gạo Việt đang chứng kiến mức giá cao kỷ lục với nhiều cường quốc tăng nhập khẩu hàng nghìn %.
- 30-11-2023Sản vật tỷ đô giúp Việt Nam trở thành 1 trong 3 ‘ông hoàng’ thống trị toàn cầu: Thu về hàng tỷ USD kể từ đầu năm, được người Mỹ hết lời khen ngợi
- 28-11-2023Việt Nam sở hữu ‘vàng xanh’ quý hiếm chỉ xuất hiện tại 1/6 các quốc gia trên thế giới: Thu về hàng trăm triệu USD kể từ đầu năm, các cường quốc đua nhau săn lùng với giá đắt đỏ
- 22-11-2023'Cứu tinh' từ Campuchia giúp Việt Nam thống trị toàn cầu ngành hàng này: Xuất khẩu thu gần 4 tỷ USD, người Mỹ ngày càng ưa chuộng
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 10 đạt 635.102 tấn với trị giá hơn 406 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung 10 tháng đầu năm nay, hạt gạo Việt đã thu về 3,9 tỷ USD với hơn 7 triệu tấn gạo xuất khẩu, tăng 15,9% về lượng và tăng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng nói, giá gạo xuất khẩu đã chứng kiến đà tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay. Cụ thể trong tháng 10/2023, giá xuất khẩu gạo đạt 640 USD/tấn, tăng 23% so với thời điểm tháng 1/2023 và tăng 34% so với tháng 10/2022.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, giá gạo Việt Nam đang có mức cao nhất. Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng năm 2023, con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.
Nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam tăng cao theo các chuyên gia là do nhu cầu của thị trường thế giới lớn và chất lượng gạo Việt Nam ngày càng cao.
Bên cạnh đó, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ dự kiến duy trì hạn chế xuất khẩu trong năm tới. Động thái này có thể khiến giá gạo tiếp tục neo ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 và thế giới vẫn hụt 40% nguồn cung từ nước này.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 37,3% trong tổng lượng và chiếm 35,7% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 2,63 triệu tấn, tương đương gần 1,41 tỷ USD, giảm 4% về lượng, nhưng tăng 11% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, Chile đang là thị trường nhập khẩu gạo Việt tăng mạnh nhất với mức tăng lên tới 3.150% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ với 7.214 tấn.
Không chỉ có mức giá cao nhất thế giới, gạo Việt còn vừa đạt thành tích cao nhất tại Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu do The Rice Trader tổ chức tại Philippines.
Theo đó, mẫu gạo Việt Nam (gạo Ông Cua ST25) đã đoạt giải nhất, giải nhì thuộc về gạo Campuchia và giải 3 thuộc về gạo Ấn Độ. Năm 2019, gạo ST25 của nhóm tác giả Hồ Quang Cua và cộng sự từng giành được giải nhất gạo ngon nhất thế giới, gây được tiếng vang, đưa thương hiệu gạo Việt Nam lên tầm cao mới. Tuy nhiên, năm 2022, gạo Việt Nam không lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới.
Các chuyên gia dự báo năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Nhịp sống thị trường