MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vừa muốn nắn gân Trung Quốc vừa sợ "vỡ bình": Ông Trump loay hoay tiến không được, lùi không xong

27-05-2020 - 15:14 PM | Tài chính quốc tế

Đưa ra hành động trừng phạt Bắc Kinh mà không làm tổn hại nền kinh tế đang khủng hoảng của Mỹ là điều không dễ dàng, trong khi Mỹ vẫn cần thị trường Trung Quốc - CNN đánh giá.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách gây sức ép lên Bắc Kinh, với những cáo buộc như Trung Quốc che đậy thông tin về Covid-19 trong giai đoạn đầu của dịch, hay virus corona mới (SARS-Cov-2) rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Đồng thời, Trump không muốn cuộc đối đầu với Trung Quốc ảnh hưởng đến cơ hội tái tranh cử của ông.

Trong lúc những biện pháp cứng rắn hơn như tăng cường trừng phạt thương mại và tăng cường áp đặt lên thuế quan đã được thảo luận, giới chức Mỹ đang tham khảo các ý kiến như mở rộng thắt chặt với các công ty 5G của Trung Quốc, cũng như thực hiện các hành động chính trị khác nhằm trừng phạt Bắc Kinh.

Theo CNN, Tổng thống Trump đang đối mặt với vấn đề hiệu quả của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, ký kết hồi tháng 1 vừa qua. Sau khi thỏa thuận được ký, sức mua hàng Mỹ của Trung Quốc kém xa so với mục tiêu kỳ vọng. Nhiều người Mỹ, đặc biệt là người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại từ năm 2018, đã hy vọng rằng khoản xuất khẩu 200 tỷ USD sang Trung Quốc như thỏa thuận sẽ giúp khôi phục lợi nhuận.

Nhưng cho đến nay, sức mua của Trung Quốc ở các mặt hàng năng lượng, nông nghiệp và các mặt hàng khác đều ít hơn một nửa so với kế hoạch. Theo một số ước tính, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến chiến dịch tái tranh cử của Trump.

"Thỏa thuận nào cũng luôn mang tính chất chính trị. Ông Trump không thể coi số tiền 200 tỉ USD này chỉ là một con số," ông Chad Bown, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, chia sẻ với CNN.

Các nhà chính trị Trung Quốc sẽ lấy Covid-19 làm cái cớ để lý giải tại sao những thỏa thuận lại không theo đúng kế hoạch.

Vừa muốn nắn gân Trung Quốc vừa sợ vỡ bình: Ông Trump loay hoay tiến không được, lùi không xong - Ảnh 1.

Chuyên gia Chad Bown Chuyên gia Chad Bown

Bất đồng ở Quốc hội Mỹ

Ông Trump nhiều lần đả kích Trung Quốc vì không hành động sớm và không cảnh báo thế giới về sự lây lan của Covid-19. Mỹ muốn Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm.

Các nhà lập pháp ở cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tin rằng Mỹ cần nghiêm túc đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, dưới áp lực của cuộc bầu cử tổng thống sắp đến, cùng với những bất đồng trong nội bộ khi thống nhất những hình phạt đối với Trung Quốc sẽ có thể gây ra những hạn chế đối với bất kì thỏa thuận lưỡng đảng nào.

Phe Dân chủ cũng thể hiện mối lo ngại rằng những hành động trả đũa của ông Trump sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ đang khó khăn.

Trong những tuần gần đây, các nhà lập pháp đã bắt đầu thảo luận việc di chuyển nguồn cung vật tư y tế và thuốc quay trở lại Mỹ, cũng như sẽ đưa ra các ưu đãi, giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại Mỹ.

Trung Quốc vẫn đang là trung tâm của chuỗi cung ứng thế giới. Việc thay đổi cơ cấu có thể mất nhiều năm và có thể gây ra tổn thương kinh tế cho các quốc gia khi tìm lối đi cho riêng mình.

Vừa muốn nắn gân Trung Quốc vừa sợ vỡ bình: Ông Trump loay hoay tiến không được, lùi không xong - Ảnh 2.

Thi thể bệnh nhân tử vong do Covid-19 được dỡ xuống từ xe tải động lạnh ở New York. Ảnh: AP

Các biện pháp đối phó Trung Quốc đang rục rịch tiến hành

Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua việc siết quy định niêm yết trên sàn chứng khoán đối với các công ty Trung Quốc.

Đầu tháng này, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham đề xuất những biện pháp cấm vận Trung Quốc nếu như nước này không công bố nguồn gốc của SARS-Cov-2. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz cũng đưa ra dự luật về trừng phạt Trung Quốc. Đảng Dân chủ cũng ủng hộ công khai các đề xuất này.

Tuy nhiên, phía đảng Dân chủ đã dè chừng, không ủng hộ quá mạnh mẽ bài phát biểu chống Trung Quốc của Trump vài tháng trước cuộc bầu cử. Đổ lỗi cho Trung Quốc được cho là giải pháp của tổng thống nhằm phân tán sức nóng dư luận đối với công cuộc ứng phó Covid-19 tại Mỹ. Đây cũng có thể là cách mà ông củng cố con đường "Nước Mỹ trên hết" (America First) của mình.

"Tôi không nghĩ rằng có ai lại tự nhận trách nhiệm cho sự bùng nổ của đại dịch Covid-19. Thay vào đó, người ta sẽ thực hiện những hành động là thế mạnh của mình như cảnh cáo Trung Quốc, nhắc nhở toàn cầu, chú ý đến tính dễ tổn thương của chuỗi cung ứng," Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kevin Cramer nói.

Gửi thông điệp cho Trung Quốc mà không làm tổn thương kinh tế

Các biện pháp gây sức ép lên Trung Quốc nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ đã được tập trung thảo luận, gồm các lệnh trừng phạt liên quan đến an ninh quốc gia và những thắt chặt về mạng 5G của Trung Quốc.

Tuần qua, chính quyền Tổng thống Trump đã ngăn việc chuyển các lô hàng chất bán dẫn, được sử dụng trong sản xuất chip cho tập đoàn Huawei (Trung Quốc) - động thái có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

Vừa muốn nắn gân Trung Quốc vừa sợ vỡ bình: Ông Trump loay hoay tiến không được, lùi không xong - Ảnh 3.

Ảnh: CNN

Một số cố vấn vẫn luôn ủng hộ các lợi ích kinh tế trong quan hệ Mỹ-Trung của Trump cũng bắt đầu tỏ thái độ bất mãn với Trung Quốc. Tuy nhiên, các cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống - gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer - không muốn làm mất thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đầy khó khăn mới có này.

Các ngành nông nghiệp và sản xuất của Mỹ đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại trước khi thỏa thuận được ký.

Kể từ chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump đã phê bình những thỏa thuận thương mại trước đó với Canada, Mexico và Trung Quốc và cam kết sẽ có những thỏa thuận thương mại tốt hơn cho những đối tác lớn nhất của Mỹ.

Ông đã dùng quan điểm của mình đối với Trung Quốc như một lời cảnh báo về những gì sẽ diễn ra nếu như người Mỹ bỏ phiếu ủng hộ cho bất cứ ai khác không phải ông trong cuộc tranh cử vào Nhà Trắng, ngay cả khi trong thời điểm hiện nay, tương lai của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung còn chưa rõ sẽ về đâu.

Mỹ cần Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận thương mại

Chiến tranh thương mại với Trung Quốc đã gây ra hậu quả kinh tế đối với các bang dao động như Ohio và Pennsylvania - nơi thuế quan đã làm tăng chi phí kinh doanh cho các nhà sản xuất và khiến nông dân "đắp chiếu" hàng tấn nông sản vốn thường được chuyển đến Trung Quốc, nay không biết đi đâu.

Theo Cục Dự trữ Liên bang, ngành sản xuất đã chứng kiến một cuộc suy thoái nhẹ vào năm 2019 khi sản lượng của các nhà máy trong năm giảm 1.3%. Số lượng các trang trại gia đình bị phá sản cũng đã tăng gần 20% so với năm trước đó.

Với việc sức mua hàng của Trung Quốc vẫn giảm so với mức năm 2017, các nhà lãnh đạo cho biết chương trình trợ cấp nông nghiệp có thể được gia hạn thêm trong năm 2020.

Thuế quan của Mỹ làm tăng chi phí cho các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Mặc dù hai bên đã kí thỏa thuận thương mại, Mỹ vẫn duy trì mức thuế khoảng 360 tỷ USD lên các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bên cạnh lý do bầu cử, có lẽ bây giờ cũng không phải thời điểm thích hợp để Mỹ đáp trả. CNN nhận xét, đảng Cộng hòa nhận thức được điều này, và có lẽ đây là lý do họ chưa thúc đẩy một dự luật cải cách lớn nhằm đưa doanh nghiệp quay về Mỹ hoặc trừng phạt Trung Quốc vì những hành động đối phó với đại dịch Covid-19 thời gian đầu.

Phe Cộng hòa cũng dè chừng với các hành động mạnh mẽ và quyết liệt của ông Trump chống lại Trung Quốc vào thời điểm Mỹ đang cần Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận thương mại đã thiết lập để có thể bán được mặt hàng nông sản chủ đạo của mình, ví dụ như đậu nành.

Các Thượng nghị sĩ cho rằng việc trừng phạt Trung Quốc ngay khi Mỹ đang phụ thuộc vào nước này để xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm như thuốc và các thiết bị bảo hộ cá nhân là một hành động sai lầm.

"Đặc biệt trong lĩnh vực [nông nghiệp] của chúng ta, chúng ta cần thị trường Trung Quốc," Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roy Blunt trả lời CNN.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune cho biết đảng này rất nghiêm túc trong nỗ lực tìm phương pháp để các công ty chủ lực của Mỹ có thể chuyển dây chuyền về lại các bang, nhưng đó không phải là điều sẽ xảy ra một sớm một chiều.

"Sẽ có một cuộc thảo luận rất quyết liệt về điều này. Tôi không biết kết quả của những cuộc thảo luận đó sẽ là gì," ông Thune nói. "Chúng tôi vẫn đang ở tâm dịch. Ứng phó với dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi."

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Theo Thúy

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên