Vừa nhận thế chấp tài sản, vừa bằng cổ phần của doanh nghiệp, ngân hàng nhận rủi ro gấp đôi
Trên thực tế hiện nay, có một số cá nhân, tổ chức đồng ý thực hiện cầm cố cổ phần thuộc sở hữu của mình tại doanh nghiệp để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của doanh nghiệp đó khi vay vốn ngân hàng. Mặt khác, chính doanh nghiệp đó cũng thế chấp ngân hàng tài sản của mình để đảm bảo cho khoản vay.
"Rủi ro gấp đôi cho ngân hàng khi nhận thế chấp/cầm cố vừa bằng tài sản, vừa bằng cổ phần của 1 doanh nghiệp khi tài sản bảo đảm bị đánh giá vượt quá giá trị thật" - Bà Phan Vân Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Thẩm định giá IVC Việt Nam nói.
Theo bà Hà, trên thực tế hiện nay, có một số cá nhân, tổ chức đồng ý thực hiện cầm cố cổ phần thuộc sở hữu của mình tại doanh nghiệp để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của doanh nghiệp đó khi vay vốn ngân hàng. Mặt khác, chính doanh nghiệp đó cũng thế chấp ngân hàng tài sản của mình để đảm bảo cho khoản vay.
Đứng ở góc độ pháp lý thì việc sở hữu Tài sản hay Cổ phần của chủ sở hữu là hoàn toàn hợp pháp và khi họ mang tài sản của mình (là tài sản hoặc là cổ phần) đi thế chấp/cầm cố để vay vốn thì cũng hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên nhìn ở góc độ rủi ro về đánh giá tài sản bảo đảm thì ngân hàng đang bị nhân đôi rủi ro nếu như tài sản thế chấp được đánh giá vượt quá giá trị thực
Ví dụ doanh nghiệp có tài sản là 1 tòa nhà trị giá 100 tỷ và doanh nghiệp không có tài sản nào khác và không có khoản nợ phải trả nào. Khi đó giá trị doanh nghiệp là 100 tỷ và giá trị vốn chủ sở cũng là 100 tỷ và mệnh giá CP giả định là 10.000đ/cp
Khi mang tài sản là tòa nhà đi thế chấp vay vốn, tài sản đó được thẩm định giá là 200 tỷ thì giá trị vốn chủ sở hữu cũng mặc nhiên được thẩm định giá thành 200 tỷ và giá CP sẽ là 20.000đ/cp.
Khi ngân hàng cho thế chấp/cầm cố đồng thời bằng Tài sản và bằng Cổ phần thì tổng giá trị tài sản bảo đảm (gồm giá trị tài sản và giá trị cổ phần) theo thực tế là 200 tỷ nhưng đã được định giá thành 400 tỷ - tăng vượt quá giá trị thật 200 tỷ trong khi giá trị của doanh nghiệp chỉ bị đánh giá vượt 100 tỷ so với giá trị thật.
Như vậy rủi ro cho ngân hàng gia tăng gấp đôi khi cho thế chấp vừa bằng tài sản, vừa bằng cổ phần của 1 công ty. (ở đây được giả định cổ đông đồng ý mang CP của công ty do mình sở hữu đi cầm cố để đảm bảo cho khoản vay của công ty)
Một câu chuyện thực tế đã xảy ra ở một ngân hàng khi cho vay thế chấp bằng tài sản là 10 căn hộ chung cư tại TP Hồ Chí Minh, đồng thời thế chấp cả một số cổ phần của công ty đó để đảm bảo cho 1 khoản vay. 10 căn hộ đó có giá trị thị trường là 70 tỷ (50 triệu đồng/1m2) nhưng căn hộ được định giá thành 100tr đồng/m2 dẫn đến giá trị 10 căn hộ được định giá thành 140 tỷ và theo đó giá cổ phần cũng tăng hơn 70 tỷ so với giá trị thực tế. Như vậy ngân hàng đã bị cho vay trên tổng giá trị thực của tài sản bảo đảm 140 tỷ và hiện giờ các cán bộ định giá và các cán bộ tín dụng của ngân hàng đang bị xử lý hình sự vì làm thiệt hại đến lợi ích của ngân hàng do định giá sai tài sản bảo đảm.
Vì vậy, khi cho vay thế chấp/cầm cố tài sản, ngân hàng cần hết sức thận trọng đối với việc cho vay cầm cố tài sản là cổ phiếu vì nếu như giá trị tài sản thế chấp được đánh giá vượt quá giá trị thực thì ngân hàng chịu gấp đôi rủi ro của việc thu hồi nợ