MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vừa phát hiện "vết rách Trái Đất" 72km, quốc gia lớn thứ 2 thế giới chìm trong nỗi lo sóng thần tấn công

19-12-2023 - 12:39 PM | Tài chính quốc tế

Khoảng 400.000 người đối mặt nguy cơ bị thảm họa sóng thần tác động sau khi đường đứt gãy 72km vừa được các nhà khoa học tìm thấy.

Ẩn mình dưới tán rừng tươi tốt trên Đảo Vancouver của Canada, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một mối đe dọa địa chất mới - một đường đứt gãy kéo dài 72 km. Họ gọi "vết rách" này Đứt gãy XEOLXELEK-Elk Lake (XELF). Đứt gãy XELF đi qua Bán đảo Saanich ở Greater Victoria, Canada - quốc gia có diện tích lớn thứ hai thế giới.

Sau khi phát hiện vết rách khổng lồ này, các nhà địa chất, nhà khoáng vật học, các nhà khoa học về Trái đất và đại dương học đến từ Pháp, Mỹ và Canada đồng loạt cảnh báo rằng Đứt gãy XELF có thể gây nguy cơ sóng thần rất lớn, National Post (Canada) thông tin ngày 15/12.

Vừa phát hiện "vết rách Trái Đất" 72km, quốc gia lớn thứ 2 thế giới chìm trong nỗi lo sóng thần tấn công - Ảnh 1.

Việc tìm ra đường đứt gãy ban đầu khá khó khăn do rừng rậm che phủ, nhưng các phương pháp nghiên cứu sâu rộng như khảo sát địa vật lý nông, phân tích hình ảnh lịch sử và viễn thám đã giúp các nhà khoa học tìm ra đứt gãy khổng lồ này.

"Bằng chứng xác nhận sự hiện diện của đứt gãy XELF đang hoạt động là sự lộ ra của các trầm tích Kỷ Đệ tứ bị đứt gãy và bị uốn nếp khi chúng tôi khai quật khu vực này. Bằng cách sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của chất hữu cơ trong trầm tích, chúng tôi có thể xác định niên đại của các trầm tích này, chúng có từ cách đây 14.000 năm trước" - các nhà khoa học viết trên tạp chí Tectonics.

Nhóm nghiên cứu cũng đã xác định được các khoáng chất trong đá cho thấy sự thay đổi của từ trường theo thời gian – một dấu hiệu rõ ràng về sự hình thành đá bị tách rời hoặc vỡ ra, càng chứng minh cho sự hiện diện của một đường đứt gãy.

Cảnh báo thảm họa cho Canada và Bờ Tây Mỹ

Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Đứt gãy XELF chạy theo tây bắc tới đông nam và có thể là một đứt gãy trượt nghiêng thuận, nơi các tảng đá di chuyển lên xuống theo phương thẳng đứng với nhau.

Thông thường, đứt gãy thường xảy ra tại nơi có điều kiện địa chất không ổn định. Do đó, nếu một trận động đất xảy ra dọc theo đường đứt gãy này, nó có thể gây ra sóng thần cục bộ ở vùng biển xung quanh Greater Victoria với hậu quả thảm khốc cho khoảng 400.000 cư dân ở vùng Greater Victoria của Canada và có khả năng ảnh hưởng đến các thành phố dọc Bờ Tây Mỹ, bao gồm Seattle, Bellingham, Olympia và Tacoma, các nhà khoa học cảnh báo.

Greater Victoria nằm ở British Columbia, Canada, ở mũi phía nam của Đảo Vancouver.

Hơn nữa, có lo ngại rằng Đứt gãy XELF có thể liên quan đến đứt gãy Devils Mountain ở bang Washington, Mỹ làm gia tăng rủi ro cho nước Mỹ.

Vừa phát hiện "vết rách Trái Đất" 72km, quốc gia lớn thứ 2 thế giới chìm trong nỗi lo sóng thần tấn công - Ảnh 2.

Trận động đất gần đây nhất xảy ra từ đường đứt gãy này đã xuất hiện cách đây vài nghìn năm (từ 2.300 đến 4.700 năm trước) và có cường độ từ 6,1 đến 7,6. Có thể sự kiện này cũng đã gây ra sóng thần trong lịch sử. Hiện tập thể các nhà khoa học quốc tế vẫn đang nghiên cứu về một trận động đất cổ xưa này.

"Việc xác định liệu đứt gãy XELF có gây ra các trận động đất lớn gần đây hay không là điều quan trọng để cập nhật các mô hình nguy cơ động đất trong khu vực và tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với động đất", các nhà nghiên cứu cho biết trên tạp chí Tectonics.

Do nằm gần các khu vực đô thị, tác động tiềm tàng của một trận động đất có cường độ tương tự trận động đất cổ xưa có thể rất tàn khốc cho ngày nay. Tác giả chính nhấn mạnh sự khó khăn trong việc dự đoán thời gian của một sự kiện như vậy nhưng khuyến khích sự chuẩn bị, nghiên cứu tỉ mỉ hoạt động của đứt gãy "cắt đôi" khu vực Greater Victoria này.

Tác giả chính Nicolas Harrichhausen (một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Grenoble Alpes ở Pháp) nói với National Post: "Hiện tại, chúng tôi chưa thể xác định rõ mối nguy hiểm là gì. Nhưng có một điều chắc chắn là sẽ có rủi ro mà chúng ta cần phải xem xét, nhưng vì chúng ta chỉ chứng kiến một trận động đất trong ít nhất vài nghìn năm qua nên việc tính toán mức độ nguy hiểm là rất khó khăn.

Chúng tôi cần thêm thông tin, tức là nhiều nghiên cứu và tài trợ hơn, để xác định rõ hơn tốc độ trượt của Đứt gãy XELF và số lượng trận động đất mà nó đã xảy ra trong quá khứ. Sau đó, chúng tôi mới có thể sử dụng mô hình để ước tính rủi ro gây ra cho khu vực Greater Victoria".

Nguồn: Nationalpost, MNS

Theo Trang Ly

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên