Vừa rời Việt Nam tức thì, CEO Apple Tim Cook đã tính chuyện mở nhà máy ở Indonesia: Nguyên nhân là sao?
Ngoài Việt Nam, dường như Apple đang muốn tìm thêm các đối tác khác ở Đông Nam Á để bổ sung hoạt động sản xuất và lắp ráp.
- 17-04-2024Tim Cook đã đặt chân tới Indonesia ngay sau chuyến thăm Việt Nam, tuyên bố đang tìm vị trí xây nhà máy mới tại đây
- 16-04-2024Duy Thẩm: 'CEO Tim Cook như một người bạn, thân thiện và cởi mở'
- 15-04-2024Lộ diện quốc gia Đông Nam Á Tim Cook sẽ ghé thăm ngay sau Việt Nam, là nơi Apple có thể xây dựng nhà máy mới
- 15-04-2024CEO Tim Cook nhận tin 'sét đánh' trong ngày vi vu cà phê trứng Hà Nội: Doanh số iPhone giảm gần 2 chữ số, mất luôn ngôi vị top 1 thị trường
Thiết lập sản xuất ở Indonesia
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết nhà sản xuất iPhone sẽ "xem xét" khả năng sản xuất tại nước này sau cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo ngày 17/4.
Cuộc gặp gặp diễn ra ở Jakarta trong chuyến thăm của ông Cook tới nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
"Chúng tôi đã nói về mong muốn của tổng thống về việc Apple có hoạt động sản xuất trong nước. Điều này chúng tôi sẽ xem xét", CEO Apple tuyên bố với các phóng viên sau cuộc họp.
"Khả năng đầu tư ở Indonesia là vô tận. Có rất nhiều nơi tuyệt vời để đầu tư và chúng tôi đang làm điều này".
Một ngày trước cuộc họp, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã công bố kế hoạch tăng cường đầu tư vào Indonesia, cho biết sẽ mở Học viện nhà phát triển Apple thứ tư tại Bali.
Học viện nhằm mục đích nuôi dưỡng tài năng công nghệ trong nền kinh tế ứng dụng iOS đang phát triển của quốc gia, tập trung vào giảng dạy mã hóa và thiết kế.
Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết Apple đã đầu tư tổng cộng 98 triệu USD vào 4 học viện ở Indonesia. Chính phủ đã yêu cầu Apple thành lập thêm hai học viện, một ở miền đông Indonesia và một ở thủ đô mới đang được phát triển trên đảo Borneo. Indonesia có kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta đến Nusantara vào tháng 8.
Budi Arie Setiadi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, cho biết sau cuộc họp rằng chính phủ đã nhận được phản hồi "tốt" từ Cook trước yêu cầu của tổng thống về việc tham gia vào dự án thành phố thông minh ở thủ đô mới.
Một lựa chọn khác ngoài Việt Nam
Theo Statista, Apple chiếm 11,57% thị phần điện thoại di động ở Indonesia tính đến tháng 1. Oppo dẫn đầu thị trường với gần 18% thị phần, tiếp theo là Samsung với thị phần khoảng 17,44%.
Cũng giống như Việt Nam, Apple vẫn chưa có cửa hàng Apple Store chính thức tại nước này mà điện thoại được bán bởi các nhà phân phối trong nước. Công ty Mỹ đang cố gắng giành thêm thị trường bằng cách phát triển nhân tài và mở rộng hệ sinh thái ứng dụng iOS.
Với dân số hơn 270 triệu người, Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Thị trường di động của quốc gia vạn đảo có tiềm năng tăng trưởng cao.
Năm 2023, sản xuất điện thoại trong nước của Indonesia là 49 triệu chiếc, trong khi nhập khẩu ở mức 2,79 triệu chiếc. Trong số hàng nhập khẩu, 85% là sản phẩm của Apple, Bộ trưởng Công nghiệp Kartasasmita nói với các phóng viên.
"Chúng tôi hy vọng có thể tạo ra giá trị gia tăng ở Indonesia, cũng như điều chúng tôi muốn khuyến khích là xây dựng nhà máy", ông nói.
Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của Cook nhấn mạnh tầm quan trọng của Apple đối với tiềm năng sản xuất của khu vực, bao gồm cả Việt Nam lẫn Indonesia.
Dan Ives, giám đốc điều hành của Wedbush Securities cho biết: "Chúng ta thấy Cupertino đang ráo riết theo đuổi các nước Đông Nam Á về mặt nguồn cung".
"Cook đang phòng ngừa rủi ro cho màn cược của mình vì Trung Quốc vẫn đang là vấn đề rất khó khăn với Apple, trong khi Việt Nam và Indonesia là những điểm dừng chân phù hợp cho sản xuất iPhone".
Ives nói thêm: "Nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực là một lý do, nhưng nguồn cung mới là trọng tâm".
Ngày hôm trước, CEO Tim Cook đã gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội, nơi ông cho biết Apple có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam và tăng chi tiêu cho các nhà cung cấp tại trung tâm sản xuất Đông Nam Á.
Giải thích về lý do Apple để mắt đến cả Việt Nam lẫn Indonesia, Chris Miller, phó giáo sư tại Đại học Tufts, chuyên gia về công nghệ và địa chính trị, cho biết:
"Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại cũng như các nỗ lực siết chặt không ngừng của nước này đối với các công ty nước ngoài để thay thế bằng các thương hiệu nội địa, Apple muốn có các giải pháp thay thế cho sản xuất".
"Họ đã đầu tư nhiều hơn vào Ấn Độ và Việt Nam, nhưng có thể công ty đang xem xét các đối tác khác ở Đông Nam Á để bổ sung các hoạt động sản xuất và lắp ráp".
Đời sống và Pháp luật