Vựa sắn dây thu 170 tỷ đồng, sản phẩm có mặt ở khắp các thị trường
Theo thống kê từ Phòng NN-PTNT Kinh Môn: Diện tích trồng sắn dây hàng năm của huyện là 350ha. Sản lượng sắn (quy bột) đạt hơn 2.000 tấn. Giá trị sản lượng đạt trên 170 tỷ đồng.
- 23-03-2018Giá sắn nguyên liệu tăng mạnh
- 12-03-2018Giá sắn tăng mạnh do xuất sang Trung Quốc thuận lợi
- 06-03-2018Phú Yên: Nhà máy thờ ơ với người trồng sắn
Huyện Kinh Môn, Hải Dương vừa kết thúc mùa vụ thu hoạch sắn dây. Theo đánh giá của các nhà nông nơi đây, năng suất sắn dây năm nay giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá bột sắn dây cao hơn năm trước đáng kể.
Khi cây sắn dây hình thành và phát triển củ (vụ mùa năm 2017), có mưa nhiều và mưa kéo dài bất thường gây ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ. Ông Đỗ Văn Phương ở thôn Quế Lĩnh, xã Thượng Quận chia sẻ: Gia đình ông có gần 1ha sắn dây mới thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 22 tấn củ tươi các loại (tương ứng năng suất đạt 8 tạ/sào), giảm hơn 2 tấn so với cùng kỳ năm 2017. Nhưng đổi lại chất lượng sắn năm nay khá tốt, bán được giá, thu hoạch tới đâu thương lái đến thu mua hết ngay tới đó.
Ông Mạc Duy Lịch, chủ cơ sở chuyên chế biến sắn dây ở thôn Huề Trung, xã An Phụ cho biết: Năm nay tất cả các xưởng chế biến sắn dây trong huyện đều phải thu mua sắn củ với giá 8.500 đồng/kg (cao hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg). Tính ra mỗi sào trồng sắn dây ở đây, người sản xuất có thu ngót nghét 7 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp 3 lần gieo cấy lúa cả năm.
Theo thống kê từ Phòng NN-PTNT Kinh Môn: Diện tích trồng sắn dây hàng năm của huyện là 350ha. Sản lượng sắn (quy bột) đạt hơn 2.000 tấn. Giá trị sản lượng đạt trên 170 tỷ đồng. Hiện toàn huyện có khoảng 15 cơ sở chế biến bột sắn dây quy mô vừa và nhỏ. Ngoài ra còn có hàng trăm hộ gia đình chế biến sắn dây nhỏ lẻ khác.
Sản phẩm sắn dây Kinh Môn đã được Nhà nước cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tập thể. Nhờ vậy bột sắn dây ở đây đã có thị trường tiêu thụ rộng khắp trong cả nước và xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Quốc...
Qua tìm hiểu chúng tôi biết: Cây sắn dây đã được trồng ở Kinh Môn từ những năm 70 của thế kỷ XX. Ban đầu các nhà nông nơi đây chỉ trồng trên các gò đất hoang hóa, sản xuất theo lối tận dụng và tự túc tự cấp. Từ khi nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, cây sắn dây trở thành sản phẩm hàng hoá giá trị cao.
Theo đó, diện tích trồng sắn dây ở đây đã không ngừng gia tăng rộng khắp các xã trong huyện. Kết quả, đến nay địa phương này đã hình thành được một số vùng trồng tập trung thâm canh cao tại các xã: Thượng Quận, An Phụ và Hiệp An.
Bột sắn dây Kinh Môn |
Ông Nguyễn Văn Tám (xã Hiệp Sơn) bật mí về bí quyết thâm canh sắn dây đạt năng suất, chất lượng cao của bà con nông dân Kinh Môn là: Chọn ruộng đất cát pha/thịt nhẹ, giàu mùn, tiêu thoát nước tốt. Sử dụng cây giống chiết mầm, nguồn giống địa phương phục tráng.
Thời vụ trồng từ tháng 2 - 4 (âm lịch). Mật độ trồng 13 - 15 cây/1 sào bắc bộ. Ruộng cày 2 - 3 lần tới độ sâu 35 - 40cm thì phơi đất cho hoai ải. Sau đắp nấm cao 1m, rộng 1,5m và khơi đất trồng bầu sắn dây giữa nấm.
Phân bón/1 gốc: Bón lót 25 - 30kg phân chuồng hoai mục, 10kg lân supe, 8kg kaliclorua và 2kg NPK 13-13-13+TE (các loại phân trộn đều trong đất trước khi trồng sắn).
Bón thúc lần 1(sau trồng 30 ngày): 30g đạm urê. Bón thúc lần 2 (sau trồng 60 ngày): 100g đạm urê. Bón thúc lần 3 (sau trồng 100 ngày): 250g NPK 13-13-13+TE và 10kg phân chuồng hoai mục, kết hợp bồi đất lấp kín phân.
Tiến hành làm giàn leo ngay khi mầm cây cao 10 - 15cm. Trong suốt quá trình sắn dây sinh trưởng, cần kiểm tra nương ngọn cây lên giàn kịp thời, không để thân sắn bám xuống đất, phát sinh thêm rễ, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sắn thu cuối vụ. Cây sắn dây rất ưa đất mới. Cần luân canh cách năm cây sắn dây với các cây trồng khác.
Để có đủ nguồn giống trồng kịp thời vụ. Ngay sau thu hoạch sắn dây: Chọn để riêng các gốc khoẻ mạnh, sạch bệnh. Cắt bỏ thân chính. Xử lý vôi bột vào vết cắt trên cây gốc. Sau đó vùi gốc cây mẹ vào vườn mùn cát ẩm. Khi gốc mẹ mọc mầm cao 80 - 90cm.
Chọn mắt sắn có màu bánh tẻ. Bẻ gập thân cây tại vị trí dưới mắt sắn (đã chọn) 2cm. Quét thuốc kích rễ MD - 901 vào mắt sắn đã chọn và cắm vào bầu (túi nilon) giá thể đất ải. Cố định dây sắn vừa bẻ gập vào bầu túi nilon. Cắt bớt khoảng 10cm ngọn mầm và cắm que giữ cây. Khi cây chiết ra rễ phát triển tới đáy bầu thì cắt khỏi gốc mẹ. Để sau 2 - 3 ngày đem trồng ra ruộng sản xuất. Bằng cách làm này, các gia đình trồng sắn dây ở Kinh Môn đã luôn trúng mùa được giá.
"Mở rộng diện tích sản xuất sắn dây được coi là một trong những giải pháp căn cơ cho tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Các tổ chức, cá nhân có thể đầu tư vào chuỗi giá trị chế biến sắn dây trên địa bàn, hiện đang rất giàu tiềm năng", ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kinh Môn.
|
Nông nghiệp Việt Nam