Vừa nắm quyền kiểm soát Bao bì Biên Hoà, Tập đoàn Thái SCG tiếp tục mua 70% vốn Nhựa Duy Tân
Duy Tân được đánh giá là một trong những công ty nhựa hàng đầu tại thị trường Việt Nam với bề dày kinh nghiệm hơn 33 năm trong lãnh vực sản xuất bao bì mỹ phẩm, bao bì thực phẩm, nhựa gia dụng. Biên lãi doanh thu tăng trưởng đều đặn hàng năm với tốc độ 18%. Tương ứng lợi nhuận gộp cũng tăng trưởng, mức biên bình quân đạt khoảng 20%.
Ngày 9/2/2021, Công ty Bao bì SCG (SCGP) - 1 trong 3 công ty lớn nhất của Tập đoàn SCG (Thái Lan) – tuyên bố đã đạt được thỏa thuận mua lại 70% vốn Nhựa Duy Tân.
Chi tiết về thỏa thuận giữa SCGP và Duy Tân chưa được công bố. Theo chia sẻ sơ bộ từ người trong cuộc, SCGP sẽ mua lại 70% số cổ phần của 5/22 công ty thành viên của Nhựa Duy Tân, cụ thể là mảng nhựa bao bì và nhựa gia dụng.
Được biết, đây là ngành trọng tâm hiện nay của SCG, trong đó Tập đoàn Thái cho biết đang điều chỉnh để đối phó với những biến động kinh thông qua mô hình kinh doanh tích hợp để phát triển bền vững trong khu vực ASEAN.
Năm 2020, Tập đoàn đã đầu tư vào Bao bì Biên Hòa (Sovi) để củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất bao bì thượng nguồn tại Việt Na. Ngoài ra, SCG cũng vừa mua lại Công ty TNHH Go-Pak (Go-Pak), một trong những nhà cung cấp giải pháp dịch vụ thực phẩm hàng đầu tại Anh, châu Âu và Bắc Mỹ, với các cơ sở sản xuất tại miền Nam Việt Nam. Những khoản đầu tư này sẽ mở rộng tiềm năng của tập đoàn trong lĩnh vực kinh doanh bao bì thực phẩm.
Trở lại với thương vụ mới nhất, dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa năm nay sau khi hai bên thống nhất các điều khoản và nhận được sự chấp thuận của cơ quan chức năng tại Việt Nam.
Nói về động thái bán phần lớn cổ phần tại mảng nhựa, ông Lê Anh, Phó Tổng Giám Đốc, cho biết đây là một trong những định hướng chiến lược đã lên kế hoạch từ lâu. Công ty ngoài ra định hướng 10 năm tới sẽ tập trung phát triển mảng nhựa kỹ thuật cao và nhà máy tái chế công suất 100 tấn/năm. Vì thế, việc hợp tác lần này sẽ giúp Duy Tân có đủ nguồn lực để thực hiện chiến lược của mình trong tương lai.
Được biết, Duy Tân sớm thành lập từ năm 1987, là một trong những doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Nhà sáng lập Công ty là ông Trần Duy Hy, hiện giữ chức chủ tịch HĐQT.
Năng lực sản xuất của Duy Tân hiện vào mức 116.000 tấn sản phẩm/năm cho cả phân khúc khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng lẫn hộ gia đình, kênh phân phối đạt 16.000 điểm bán.
Dựa trên nền tảng thế mạnh, Duy Tân được đánh giá là một trong những công ty nhựa hàng đầu tại thị trường Việt Nam với bề dày kinh nghiệm hơn 33 năm trong lãnh vực sản xuất bao bì mỹ phẩm, bao bì thực phẩm, nhựa gia dụng. Biên lãi doanh thu tăng trưởng đều đặn hàng năm với tốc độ 18%. Tương ứng lợi nhuận gộp cũng tăng trưởng, mức biên bình quân đạt khoảng 20%.
Dù vậy, lợi nhuận sau thuế tương đối biến động, giai đoạn 2016-2019 giảm sút mạnh. Riêng năm 2020, Công ty báo lợi nhuận tăng đột biến 197%, từ mức 61 tỷ lên 181 tỷ đồng. Trong khi doanh thu chỉ tăng 10% so với năm ngoái, đạt mức 4.478 tỷ đồng. Được biết, phần lớn doanh thu của Duy Tân đến từ trong nước.
Về phía SCG, đây không còn là cái tên xa lạ trên thương trường Viẹt với cả chục thương vụ M&A lớn nhỏ được thực hiện trong gần thập kỷ qua như mua lại công ty gạch Prime Group, Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh hay Tổ hợp hóa dầu Long Sơn...
Kết thúc năm 2020, SCG Việt Nam ghi nhận doanh thu 26.574 tỷ đồng (1.144 triệu USD), giảm 10% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm tại mảng ngành kinh doanh Xi măng- VLXD và xuất khẩu từ Thái Lan. Tính đến ngày 31/12/2020, SCG Việt Nam sở hữu khối tài sản trị giá 111.044 tỷ đồng (4.806 triệu USD), tăng 50% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ ngành hoá dầu.
Thương vụ gây nhiều chú ý, vào tháng 6/2018, SCG đã ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trong dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Dự án Long Sơn), tăng vốn sở hữu từ 71% lên 100%.