MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vua Thép" Trần Đình Long lần đầu lọt top 1.000 tỷ phú giàu nhất hành tinh

"Vua Thép" Trần Đình Long lần đầu lọt top 1.000 tỷ phú giàu nhất hành tinh

Đây là lần đầu tiên ông chủ Hòa Phát vươn lên lọt top 1.000 trong bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes. Năm 2018 là lần đầu ông có tên trong danh sách này, thời điểm đó, ông Trần Đình Long có 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.756 thế giới.

Theo dữ liệu thời gian thực từ Forbes, ngày 1/3/2022, Việt Nam có 6 đại diện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.

Bảng xếp hạng của Forbes cho hay, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup) vẫn đang là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản 6,1 tỷ USD và đứng thứ 455 trong danh sách toàn cầu. Ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát) đứng thứ hai Việt Nam với tài sản 3,2 tỷ USD và đứng thứ 980 trong danh sách toàn cầu.

Vua Thép Trần Đình Long lần đầu lọt top 1.000 tỷ phú giàu nhất hành tinh - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet Air) là người giàu thứ ba theo danh sách, với tài sản 2,9 tỷ USD và đứng thứ 1115 toàn cầu. Ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank) nắm giữ vị trí thứ tư với 2,5 tỷ USD, đứng thứ 1267 toàn cầu.

Ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT Masan) đứng thứ năm với 2 tỷ USD, đứng thứ 1519 và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco) đứng thứ sáu, với 1,6 tỷ USD, đứng thứ 1901 toàn cầu.

Tổng tài sản của các tỷ phú Việt Nam hiện là 18,3 tỷ USD.

Đây là lần đầu tiên ông chủ Hòa Phát vươn lên lọt top 1.000 trong bảng xếp hạng này. Năm 2018 là lần đầu tiên ông có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes, thời điểm đó, ông Trần Đình Long có 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.756 thế giới. 

Năm 2019, "vua Thép" từng "rớt" khỏi danh sách này. Khi Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2019, Việt Nam có 5 đại diện sở hữu tài sản tỷ USD, không có tên ông Trần Đình Long, mặc dù ngay trước thời điểm công bố, tài sản của ông Long theo cập nhật của Forbes đã đạt 1 tỷ USD. Thực tế này xuất phát từ quy định trong việc tính toán giá trị tài sản. Theo lý giải của Forbes, để có tên trong danh sách này, phương pháp được tạp chí này lựa chọn để đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân là dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại một thời điểm cố định.

Nguồn tài sản chính của ông Long được Forbes thống kê đến từ số cổ phần của Hòa Phát mà ông sở hữu. Tại thời điểm Forbes lựa chọn để tính giá trị tài sản, cổ phiếu HPG trên sàn chứng khoán đang tạo đáy. Không lâu sau, tháng 5/2020, Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát đã trở lại danh sách tỷ phú của Forbes.

Cuối năm 2020, Tỷ phú Trần Đình Long trở thành người giàu thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt qua CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo.

Tháng 4/2021, ông Long đứng thứ 1.444 trong top tỷ phú của Forbes với khối tài sản 2,2 tỷ USD. Đến cuối năm, tài sản của ông đã tăng lên 3,1 tỷ USD. Kết quả này chủ yếu là nhờ cổ phiếu HPG tăng ấn tượng.

Tỷ phú Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 1986. Sự nghiệp của ông gắn liền với Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát mà tiền thân là công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng. Trước khi có được thành công, ông cũng từng có những giai đoạn đầy khó khăn, vất vả.

Năm 1992, ông Trần Đình Long cùng người bạn thân thiết của mình là ông Trần Tuấn Dương thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng. Đây là công ty chủ yếu buôn bán đồ cũ từ Nga về.

Sang năm 1993, ông Long cùng các cộng sự lần đầu tiên có chuyến xuất ngoại để nhập hàng. Đây được đánh giá là chuyến đi quan trọng đối với công ty và là lần đầu tiên công ty nhập hàng một cách tương đối bài bản. Năm 1994, khi tìm mua bàn ghế cho văn phòng nằm trên đường Giải Phóng, ông Long và các cộng sự nhận ra rằng, lúc bấy giờ, các doanh nghiệp đều đang nhập khẩu bàn ghế gỗ từ Đài Loan về. Vì vậy, ông Long đã quyết định gia nhập thị trường khi thành lập công ty nội thất, tìm hiểu các nhà cung cấp từ Đài Loan cho đến Malaysia, Singapore...

Khoảng năm 1996, công ty thiết bị phụ tùng thường phải mua ống thép về làm giàn giáo. Tuy nhiên, việc mua ống thép hết sức khó khăn, do phải xin phê duyệt rồi phải có tiền lobby mới mua được 5-10 tấn. Thấy rằng việc làm ống thép không khó, ông Long đã quyết định thành lập công ty Ống thép Hòa Phát, sử dụng công nghệ Đài Loan.

Sau 8 năm bán đủ thứ từ máy móc, nội thất tới ống thép, phải đến năm 2000, "thép xây dựng" mới có mặt trong danh mục sản phẩm của Hòa Phát.


https://cafef.vn/vua-thep-tran-dinh-long-lan-dau-lot-top-1000-ty-phu-giau-nhat-hanh-tinh-20220301094156685.chn

Thái Quỳnh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên