MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Vua thịt lợn' Trung Quốc sắp 'nghèo' đi?

02-06-2020 - 15:59 PM | Tài chính quốc tế

Dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19 giúp QinYinglin trở thành tỷ phú nông nghiệp giàu nhất thế giới với tài sản trị giá 22 tỷ USD. Các chuyên gia phân tích dự đoán rằng giá cổ phiếu của Muyuan, cũng như khối tài sản của ông Qin có thể sẽ giảm đi trong một vài tháng tới khi giá thịt lợn đi xuống.

Dịch tả lợn châu Phi góp phần không nhỏ đưa QinYinglin - chủ sở hữu tập đoàn thực phẩm Muyuan, Trung Quốc - trở thành tỷ phú nông nghiệp giàu có nhất trên thế giới, và chưa dừng lại ở đó, dịch bệnh Covid-19 mới đây cũng đã nhanh chóng khiến tổng tài sản của ông tăng thêm lên đến 6 tỷ USD.

Tổng tài sản của ông Qin tăng "đột biến" trong vòng một vài tháng trở lại đây và hiện đang ở ngưỡng 22 tỷ USD - gấp đôi một năm trước. Tuy là tỷ phú giàu nhất trong ngành chăn nuôi lợn và hoạt động kinh doanh tại thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất trên thế giới, rất ít người biết đến tên tuổi của ông. Khối tài sản của ông Qin giờ đây đã vượt lên trên cả gia tộc Louis-Dreyfus, chủ sở hữu của đế chế nông nghiệp có lịch sử lên tới 169 năm.

Dịch tả lợn châu Phi, dich bệnh nguy hiểm đã khiến cho tổng đàn lợn của Trung Quốc giảm đi một nửa, tuy nhiên lại là động lực chính đứng đằng sau thúc đẩy giá cổ phiếu của Muyuan Foods, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến của ông Qin, tăng “thần tốc” trong năm 2019. Trong năm 2020 này, đà tăng giá đó dường như đã bắt đầu ổn định trở lại. Đối với ông Qin, việc Trung Quốc thành công trong quá trình tái đàn và dự trữ thịt lợn đồng nghĩa với việc khối tài sản của ông sẽ giảm đi ít nhiều.

“Đây chỉ là một câu chuyện có giới hạn trên phương diện thời gian mà thôi”, theo Wilhelm Uffelmann, trưởng phòng kinh tế nông nghiệp và thực phẩm, thuộc công ty tư vấn Roland Berger.

Vua thịt lợn Trung Quốc sắp nghèo đi? - Ảnh 1.

Tỷ phú Qin Yinglin. Ảnh: Visual China Group/Getty

Dịch tả lợn châu Phi đã tàn phá ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc trong năm 2019, khiến giá loại mặt hàng này tăng “phi mã”. Tính đến tháng 10/2019, giá thị lợn tại quốc gia đông dân nhất thế giới tăng tới 160% so với cùng kỳ năm trước đó, khi mà có đến một nửa tổng đàn lợn của quốc gia này đã chết do mắc phải căn bệnh quái ác.

Nhiều trang trại chăn nuôi đã phải đối mặt với những con số thiệt hại đáng kể, thế nhưng, doanh số của Muyuan lại có mức tăng trưởng ấn tượng. Lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm 2020 của công ty tăng 863% lên mốc 574 triệu USD. Các chuyên gia phân tích cho biết công ty không chỉ sở hữu số lượng trang trại nhiều hơn so với các công ty đối thủ, họ còn ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ hơn. Thông qua việc sở hữu số lượng lớn các trang trại, Muayuan có thể chủ động thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chuồng trại và an toàn sinh học, qua đó, hạn chế đến mức tối đa tác động của dịch tả lợn.

Muyuan có một khởi đầu hết sức khiêm tốn, thế nhưng, ông Qin và vợ của mình - bà Qian Ying đã dẫn dắt công ty trở thành một doanh nghiệp lớn, đồng thời, đưa họ lọt vào danh sách những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc cũng như thế giới.

Hai vợ chồng đều tốt nghiệp chuyên ngành quản lý chăn nuôi vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước - những ngày đầu trong phong trào cải cách toàn bộ nền kinh tế tại Trung Quốc. Họ đã bắt đầu gây dựng nên trang trại đầu tiên của riêng mình vào năm 1992 với chỉ 22 đầu lợn, phần lớn trong số đó đã bị chết trong một trận dịch tả. Tính đến năm 2019, các trang trại lợn của công ty có khoảng 10 triệu con.

Vào năm 2010, International Financial Corporation, cơ quan chuyên hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân của World Bank đã đầu tư hơn 9 triệu USD vào Muyuan, đồng thời cho công ty này vay một khoản vay có giá trị lên tới gần 30 triệu USD. IFC mua lại 12 triệu cổ phiếu của Muyuan với giá chỉ 0,76 USD, và tính đến cuối tháng 4 vừa qua, giá cổ phiếu của công ty được ghi nhận đang ở mức 18,69 USD.

Ông Qin hoàn toàn toàn bất ngờ với tốc độ gia tăng chóng mặt của khối tài sản mà mình đang sở hữu. Ông là một trong số những tỷ phú trên thế giới có tốc đô gia tăng tài sản nhanh nhất trong năm qua.

Trong thời gian đỉnh điểm của dịch tả lợn châu Phi vào năm 2019, giá cổ phiếu của Muyuan đã tăng khoảng 200%. Sau đó, việc Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp cách ly xã hội vào đầu tháng 2 vừa qua đã khiến cho nguồn cung thịt lợn cũng như nhiều thực phẩm khác bị gián đoạn, qua đó, tạo đà cho một giai đoạn tăng giá khác của cổ phiếu Muyuan. Chỉ tính trong vòng hai tháng 3 và 4 vừa qua, giá cổ phiếu của công ty đã tăng thêm 80%.

Với việc sở hữu 57% cổ phần của Muyuan, ông Qin và bà Qian đã chứng kiến khối tài sản của mình tăng lên tới hơn 110% kể từ tháng 1/2019, và đạt ngưỡng 22 tỷ USD vào cuối tháng 3 vừa qua. Điều đó đã “vô tình” đưa ông trở thành vị tỷ phú nông nghiệp giàu có nhất thế giới, theo công ty nghiên cứu thị trường Hurun Report có trụ sở tại Thượng Hải.

Trong lĩnh vực này, người đứng ở vị trí thứ hai cũng là ông chủ một doanh nghiệp chăn nuôi lợn tại Trung Quốc. Liu Yonghao cùng gia đình, đang nắm quyền kiểm soát New Hope Group, được thống kê đang nắm giữ khối tài sản 12,5 tỷ USD, theo Hurun.

“Ai dám nghĩ ngành chăn nuôi lợn có thể tạo ra những khối tài sản khổng lồ như thế”, theo Rupert Hoogewerf, chủ tịch của Hurun.

Việc ông Qin sẽ “nắm giữ” vị trí này trong khoảng thời gian bao lâu là điều chưa thể dự đoán trước. Thịt lợn là thực phẩm phổ biến bậc nhất tại Trung Quốc. Việc giá mặt hàng này tăng cao, cùng với đó là nguồn cung thiếu hụt có thể khiến người dân tỏ ra không hài lòng với công tác điều hành của chính phủ. Trong đợt tăng giá thịt lợn gần đây nhất, chính phủ Trung Quốc đã phải mạnh tay can thiệp với hy vọng nguồn cung mặt hàng này sẽ sớm ổn định trở lại.

“Từ lâu, thịt lợn đã là một nguyên liệu quan trọng trong mỗi bữa ăn của các gia đình tại Trung Quốc”, theo Helena Huang, nhà kinh tế học Trung Quốc tại ICBC Standard Bank. “Trong giai đoạn cách ly xã hội, người dân luôn lên tiếng phàn nàn về mức giá thịt lợn quá cao. Do đó, Bắc Kinh đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc giảm giá loại mặt hàng này”.

Khi mà dịch bệnh tả lợn châu Phi đã có dấu hiệu ổn định, và các biện pháp cách ly xã hội cũng dần được gỡ bỏ, giá thịt lợn đang trên đà giảm xuống. Giá thịt lợn trung bình tính theo kg đã giảm khoảng 24% tính từ thời kỳ đỉnh điểm sau khi người dân Trung Quốc đón Tết Nguyên Đán vào đầu tháng 2 vừa qua, theo ngân hàng đầu tư CICC. Số lượng lợn nái cũng đã tăng lên khoảng 13% kể từ khi chạm đáy vào tháng 9 trong năm ngoái.

Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tạo ra “sự tái ổn định trong giá thịt lợn cũng như lợi nhuận của ngành chăn nuôi”, theo Liu Liu, nhà kinh tế học tại CICC.

Giá thịt lợn thấp hơn sẽ có lợi hơn cho người tiêu dùng Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia phân tích lại dự đoán rằng giá cổ phiếu của Muyuan, cũng như khối tài sản của ông Qin có thể sẽ giảm đi trong một vài tháng tới”.

“Công ty đang được định giá quá cao”, theo Uffelmann, đến từ Roland Berger. “Điều đó chỉ xảy ra khi nguồn cung mặt hàng thịt lợn tại Trung Quốc bị thiếu hụt, qua đó khiến giá của mặt hàng này tăng phi mã”.

Theo Trọng Đại

Người đồng hành

Trở lên trên