"Vua tôm giống" chuẩn bị đưa hơn 134 triệu cổ phiếu lên sàn Upcom: Từng được định giá ngang ngửa Minh Phú
Trong ngành tôm, dù không thuộc tốp doanh thu, nhưng Việt Úc có biên lợi nhuận gộp cao vượt trội. Năm ngoái, biên lợi nhuận gộp của công ty đạt tới hơn 56%.
- 25-05-2023Tập đoàn Việt Úc – Nâng tầm tôm Việt trên bàn tiệc thế giới
- 10-03-2023Tập đoàn thủy sản Việt Úc giới thiệu tour tham quan trực tuyến 360 độ
- 21-11-2020Tập đoàn Việt – Úc đạt nhiều chứng nhận khi ứng dụng công nghệ cao vào ngành tôm
Mới đây, ngày 29/9, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam vừa thông báo về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán cho Công ty cổ phần Thủy Sản Việt Úc.
Theo đó, Việt Úc đăng ký giao dịch gần 134,5 triệu cổ phiếu trên UPCoM với mã chứng khoán VUG. Tương đương với vốn điều lệ gần 1.345 tỷ đồng.
Bắt đầu từ ngày 29/09/2023, VSDC nhận lưu ký số Cổ phiếu đăng ký trên.
CTCP Thuỷ sản Việt Úc, được mệnh danh là “vua tôm giống”. Năm 2022, Việt Úc đã được đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch chào bán cổ phần ra công chúng tăng vốn điều lệ và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thành công.
Xuất khẩu thuỷ sản có dấu hiệu tích cực
Gần đây, số liệu xuất khẩu thủy sản tháng 9 cũng đang dần cho thấy dấu hiệu tích cực. Hiệp hội Chế biến và Xuất Khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tới hết quý 3/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 9, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Lũy kế tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây.
Thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV, do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể mang về doanh số khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD.
Định giá ngang ngửa Minh Phú
Trong ngành tôm, dù không thuộc tốp doanh thu, nhưng Việt Úc có biên lợi nhuận gộp cao vượt trội. Năm ngoái, biên lợi nhuận gộp của công ty đạt tới hơn 56%, so với các công ty đầu ngành về doanh thu như Minh Phú, Stapimex, Sao Ta, Camimex chỉ trong khoảng 10 – 20%.
Sở dĩ Việt Úc đạt biên lợi nhuận gộp cao là bởi họ tập trung vào mảng tôm giống. “Vua tôm giống” nắm 30% thị phần tôm giống Việt Nam, dẫn đầu ngành, theo thông tin từ công ty.
Năm ngoái, doanh thu từ tôm giống đóng góp 80% tổng doanh thu của Việt Úc. Nếu tách riêng mảng tôm giống để soi xét, biên lợi nhuận gộp đạt tới 79%.
Biên lợi nhuận gộp cao cũng giúp cho tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của Việt Úc cực kỳ ấn tượng. Năm ngoái, công ty đạt ROR (return on revenue) 13,8%, so với mức từ 5 – 7% của các đơn vị khác cùng ngành tôm.
Trong quá khứ, Việt Úc còn gây ấn tượng mạnh với hiệu quả đạt được trên đồng vốn. Năm 2020, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt gần 30.000 đồng. Thậm chí trước đó một năm, EPS công ty còn lên tới gần 48.000 đồng. Nguyên nhân đến từ việc vốn điều lệ của “vua tôm giống” khi đó chỉ hơn 103 tỷ đồng, tương ứng 10,3 triệu cổ phiếu.
Năm 2018, nhóm nhà đầu tư STIC (Hàn Quốc) bỏ 764.843 đồng cho một cổ phiếu, mua lại 9,8% vốn cổ phần Việt Úc. Định giá “vua tôm giống” vào khoảng 7.400 tỷ đồng. Vốn hoá hiện tại của doanh nghiệp đứng đầu ngành tôm là Minh Phú (MPC) khoảng 7.800 tỷ đồng.
Hiện tượng về EPS của Việt Úc chấm dứt vào năm 2022, khi công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ “khủng” 120%, tức là 1 đơn vị cổ phiếu sở hữu nhận 12 đơn vị cổ phiếu cổ tức. Nguồn chia cổ tức đến từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tính đến cuối năm 2022, Việt Úc có hơn 2.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chiếm tới 88% tổng nguồn vốn. Công ty không sử dụng nợ vay.
Tỷ lệ sở hữu chi phối tại Việt Úc thuộc về gia đình nhà sáng lập Lương Thanh Văn, Việt Kiều Úc trở về Việt Nam kinh doanh năm 2001.
Tại thời điểm 31/12/2022, ông Lương Thanh Văn cùng vợ là bà Nguyễn Kim Thùa sở hữu lần lượt 13,4% và 39% cổ phần Việt Úc, theo báo cáo tài chính kiểm toán. Hai cổ đông lớn khác tại Việt Úc là Viet Uc Hong Kong và Lotus Asia Investments nắm 11,39% và 7,59%. Báo cáo tài chính còn cho thấy tỷ lệ sở hữu của nhân viên Việt Úc vào cuối năm 2022 là 17,24%.
Dù không chính thức đứng lên, nhưng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Lương Thanh Văn tại Việt Úc còn cao hơn nhiều mức 52,4%. Thực tế, Viet Uc Hong Kong chính là công ty liên quan đến gia đình này.
Bên cạnh khoản đầu tư của nhóm cổ đông STIC vào Việt Úc năm 2018, các cổ đông thuộc CTCP Chứng khoán SSI gồm Quỹ Daiwa – Ssiam Vietnam Growth Fund III và Công ty Quản lý quỹ SSI nắm tổng cộng 1,67% cổ phần Việt Úc.
Nhịp sống thị trường