MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đóng góp gấp đôi Mỹ vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, quốc gia châu Á này 'hé lộ' 5 điểm quan trọng trong dữ liệu GDP

20-04-2023 - 10:24 AM | Tài chính quốc tế

Đóng góp gấp đôi Mỹ vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, quốc gia châu Á này 'hé lộ' 5 điểm quan trọng trong dữ liệu GDP

GDP của Trung Quốc đã nói lên nhiều điều.

Dữ liệu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý I/2023 đã cho thấy những “tín hiệu” tốt khi đạt mức tăng là 4,5%. Nền kinh tế nước này đang phục hồi trở lại sau thời kỳ tăng trưởng chậm vì dịch bệnh và nhu cầu xuất khẩu toàn cầu sụt giảm.

Tuy nhiên, mặc dù các chỉ số cho thấy Trung Quốc đang trên đà tăng hoặc có thể vượt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay nhưng một số chuyên gia kinh tế cũng dự báo rằng có thể sự phục hồi sẽ không đồng đều.

Cụ thể, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đề cập rằng số liệu GDP quý I có sự khởi đầu thuận lợi nhưng nhu cầu trong nước vẫn còn yếu và nền tảng cho sự phục hồi chưa thật sự vững chắc.

Dưới đây là 5 điểm chính từ dữ liệu báo cáo quý I/2023 của đất nước tỷ dân:

Hoạt động bán lẻ phục hồi

Vừa trở thành động lực tăng trưởng số 1 cho kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới: Trung Quốc ‘tiết lộ’ 5 điểm quan trọng trong dữ liệu GDP - Ảnh 1.

Bán lẻ, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất thời gian vừa qua đã có đợt phục hồi mạnh mẽ nhất. Doanh số bán lẻ tăng 10,6% trong tháng 3/2023, vượt dự báo 7,5% của các nhà phân tích. Chỉ số này cũng đã ghi nhận sự tăng tốc từ tháng 1 và tháng 2.

Theo một số chuyên gia của Goldman Sachs, họ đang kỳ vọng hoạt động bán lẻ sẽ cải thiện hơn nữa trong tháng 4 và tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu có thể sẽ chững lại

Theo tờ Financial Times đưa tin, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh vào tháng 3/2023, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái - “đánh bại” con số dự báo giảm 5% của thị trường. Phần lớn sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi doanh số bán xe điện và xuất khẩu hàng hóa sang Nga.

Vừa trở thành động lực tăng trưởng số 1 cho kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới: Trung Quốc ‘tiết lộ’ 5 điểm quan trọng trong dữ liệu GDP - Ảnh 2.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế đang dự đoán triển vọng xuất khẩu sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới do nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm. Ngoài ra, động thái tăng lãi suất ở các thị trường phát triển bắt đầu có tác dụng và các biến động của một vài ngân hàng thế giới cũng làm ảnh hưởng đến thương mại.

Louise Loo, nhà kinh tế của Capital Economics cho biết: “Tốc độ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại kể từ bây giờ”.

Ngoài ra, các nhà kinh tế cũng đang tranh luận liệu Bắc Kinh có cần tăng chi tiêu kích thích hay không để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023.

Trong khi đó, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ING đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ trì hoãn các kế hoạch kích thích để thúc đẩy nhu cầu và hỗ trợ việc làm sau quý đầu tiên tăng trưởng tốt hơn dự kiến.

“Có thể không cần kích thích tài khóa ngay lập tức để hỗ trợ người tiêu dùng nhưng giới chức phụ trách có thể sẽ giữ lại kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng như một động lực tăng trưởng bổ sung trong tương lai”, bà nói.

Bất động sản còn nhiều khó khăn

Lĩnh vực bất động sản, một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang chịu nhiều áp lực. Hoạt động đầu tư bất động sản của nước này đã giảm 5,8%, còn doanh số bán nhà theo khu vực giảm 1,8% trong quý đầu tiên. Trong khi, số lượng nhà ở mới xây tiếp tục giảm - tụt 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng doanh số bán tính theo giá trị đã tăng 4,1% trong 3 tháng đầu tiên, đồng thời, giá nhà mới trong tháng 3 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 21 tháng.

Tình trạng ảm đạm của lĩnh vực bất động sản cũng tiếp tục lan sang các lĩnh vực như hàng hóa bền, bao gồm cả thiết bị gia dụng, với doanh số bán hàng trong tháng 3 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ thất nghiệp cao

Dữ liệu vừa công bố ngày 18/4 cho thấy, trong quý đầu tiên, 1/5 thanh niên Trung Quốc vẫn thất nghiệp, tỷ lệ ở mức 19,6%. Theo Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng ở ngân hàng ANZ, con số này cao thứ hai trong lịch sử.

Vừa trở thành động lực tăng trưởng số 1 cho kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới: Trung Quốc ‘tiết lộ’ 5 điểm quan trọng trong dữ liệu GDP - Ảnh 3.

“Đến tháng 6, sẽ có một lứa sinh viên mới tốt nghiệp đi tìm việc làm. Tình trạng thất nghiệp có thể trở nên tồi tệ hơn nữa nếu động lực kinh tế của Trung Quốc chững lại”, ông nói thêm.

Có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng

Vừa trở thành động lực tăng trưởng số 1 cho kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới: Trung Quốc ‘tiết lộ’ 5 điểm quan trọng trong dữ liệu GDP - Ảnh 4.

Dù có nhiều khó khăn nhưng các nhà kinh tế tỏ ra lạc quan về việc chính phủ Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng là 5% vào năm 2023, sau khi đạt mức 4,5% trong quý đầu.

Eswar Prasad, giáo sư tại Đại học Cornell cho biết: “Kinh tế Trung Quốc đã thoát khỏi tình trạng biến động và đang đi vào đúng quỹ đạo tăng trưởng khá”. Nếu không có “biến cố” xảy ra, mục tiêu tăng trưởng năm nay có thể đạt được, ông nói thêm.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc dự kiến sẽ đóng góp tới 22,6% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu - gấp đôi mức đóng góp 11,3% của Mỹ.

Tham khảo FT

Nhất Lưu

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên