‘Vua’ trứng Chợ Lớn qua biến cố, nắm cơ hội và hạnh phúc khi nuôi gà nhân đạo
Dịch cúm gia cầm quét sạch vốn, nhưng từ đây ông Trương Chí Thiện đứng dậy, xây nên Vĩnh Thành Đạt; qua đại dịch COVID-19, ông lại cho ra mắt loạt sản phẩm đặc biệt.
- 24-08-2024Vua Nệm nối dài mạch thua lỗ dù sạch nợ trái phiếu
- 23-08-2024'Vua cá tra' Hùng Vương sa cơ: Từ 'tay chơi' M&A đình đám đến cảnh 'bán con' trả nợ
- 18-08-2024“Vua tiêu” Phan Minh Thông: Từng “đánh đổi” 3-4 miếng đất Phú Mỹ Hưng để làm ESG rồi thất bại ê chề và bài học đắt giá để phát triển bền vững
34 năm kinh doanh duy nhất sản phẩm trứng gia cầm, từ những ngày đầu lọc cọc đạp xe chở từng cần xé (giỏ tre) trứng vịt bỏ cho các mối lẻ ở Chợ Lớn đến bây giờ, khi đã có nhà máy với dây chuyền sản xuất hiện đại, ông Trương Chí Thiện khẳng định vẫn chưa hết đam mê.
Trong câu chuyện với Báo điện tử VTC News, khi nhắc đến những sản phẩm mới, những dự định sẽ làm cho trứng gà, trứng vịt, ánh mắt doanh nhân miền Tây này không giấu được niềm hạnh phúc. Quan niệm kinh doanh của ông là đôi khi phải quên đi con số, để tập trung cho những mục tiêu ý nghĩa xa hơn.
Ý nghĩa lớn nhất mà nhà sáng lập Vĩnh Thành Đạt đang theo đuổi là nuôi gà nhân đạo và tạo thói quen để người tiêu dùng sử dụng trứng nhân đạo, sản phẩm đang trở thành xu hướng tiêu dùng của thế giới.
- Là đơn vị đầu tiên đưa trứng sạch vào hệ thống siêu thị sau đại dịch cúm gia cầm 2003, khi đó doanh nghiệp chỉ mới thành lập, ông vượt qua khó khăn này thế nào?
Đầu năm 2023, tôi làm vựa cung cấp trứng gia cầm ở Chợ Lớn có tên Vĩnh Thành, kinh doanh rất tốt. Đùng cái xảy ra dịch cúm gia cầm, bao nhiêu tài sản tích cóp mất trắng. Khi đó, tôi đã định buông tay, chuyển hướng kinh doanh, vì cũng không biết dịch bệnh sẽ thế nào. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thương nông dân, thương đối tác, thương cả những người gắn bó với mình.
Tôi suy nghĩ mãi, bây giờ nếu buông thì không phải chỉ mình khổ mà sẽ kéo theo khó khăn cho rất nhiều người. Thế là tôi đứng dậy.
Nói một chút về trước năm 2003, trứng là mặt hàng bình dân, không đóng hộp, đóng vỉ, cứ chất vô giỏ, vô thúng bán vậy thôi. Khi ấy, mua sắm ở siêu thị Việt Nam cũng còn mới, và trứng chủ yếu phân phối tại chợ, chưa đưa vào siêu thị. Biến cố cúm gia cầm năm 2003 làm thay đổi toàn bộ ngành hàng này.
Sau thời điểm tạm ngừng kinh doanh các sản phẩm liên quan đến gia cầm, trong đó có trứng, các sở ngành của TP.HCM tìm hướng “giải cứu”. Bản thân tôi cũng vậy. Khi thành phố thông qua các tiêu chuẩn đảm bảo kinh doanh trứng an toàn, vựa trứng Vĩnh Thành thực hiện ngay. Tôi là người đầu tiên đi tìm hiểu các bước để thực hiện quy định an toàn kinh doanh trứng nên được ngành nông nghiệp, y tế hỗ trợ rất nhiệt tình.
Phải nói là sau thời gian mặt hàng trứng gia cầm toàn thành phố bị tê liệt, các hệ thống siêu thị nghe tin có đơn vị đưa được sản phẩm trứng an toàn ra thị trường thì lập tức liên hệ với chúng tôi để thu mua sản phẩm. Đó thực sự là động lực.
Chỉ trong thời gian ngắn, trứng đã quay trở lại thị trường. Chúng tôi dù mới là hộ kinh doanh nhỏ nhưng là đơn vị đầu tiên đưa trứng gà, trứng vịt sạch vào siêu thị.
Nhưng làm ăn với các nhà bán lẻ lớn thì mình không thể là vựa trứng. Thế là Công ty Vĩnh Thành Đạt ra đời. Tôi vẫn nói với anh em công ty trong nguy có cơ. Giữa lúc suy sụp, mất hết tài sản, tưởng như bỏ nghề thì mình lại chuyển sang mô hình mới, phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn.
Cúm gia cầm có lẽ là biến cố lớn nhất đời kinh doanh, nhưng cũng là bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi, từ một vựa trứng ở chợ đi lên thành doanh nghiệp.
Bây giờ, siêu thị là kênh chủ lực của Vĩnh Thành Đạt với mặt hàng trứng tươi, gần như 100% các hệ thống bán lẻ hiện đại từ siêu thị lớn đến cửa hàng tiện lợi đều có trứng gia cầm V-food. Không chỉ trứng mang thương hiệu V- food, mà rất nhiều nhãn hàng riêng của các hệ thống bán lẻ cũng do Vĩnh Thành Đạt sản xuất.
Lượng trứng tươi riêng thương hiệu V-food trung bình mỗi ngày đưa ra thị trường 700.000-800.000 trứng, cuối tuần hay ngày lễ tăng lên khoảng 1 triệu.
Biến cố thứ 2 là COVID-19. Bây giờ thỉnh thoảng những hình ảnh chống chọi dịch bệnh của 4 năm trước vẫn như thước phim quay chậm hiện lên rõ mồn một. Để cầm cự, lần đầu tiên tôi phải sử dụng đến thuốc an thần.
Tôi không duy tâm, nhưng đúc kết lại thì 2 biến cố tôi trải qua đúng vào độ tuổi mà ông bà mình hay nói là “tam tai”. Nhưng biến cố giúp tôi vững vàng hơn. Nếu sau cúm gia cầm, Vĩnh Thành Đạt ra đời thì sau COVID-19, Vĩnh Thành Đạt đưa ra thị trường một loạt sản phẩm đặc biệt, gặp nhiều khách hàng tiềm năng mới.
- Vì sao ông lại chọn gắn bó với trứng gia cầm, vốn là ngành hàng kiếm tiền lẻ, lại rất khó vận chuyển, bảo quản…
Thực ra kinh doanh trứng vịt là công việc của gia đình tôi ngày xưa ở quê nhà Sóc Trăng. Gia đình thu gom trứng của các hộ nuôi, hồi xưa nuôi vịt chạy đồng rất nhiều, rồi bỏ lại cho các chợ, các điểm bán lẻ. Khi lên Sài Gòn đi học, mẹ cũng gửi trứng lên để tôi bỏ mối kiếm tiền trang trải. Thời điểm đó, trứng được đựng trong cần xé (giỏ tre) và tôi cứ thế đặt lên yên xe đạp, buộc dây chở đi, bỏ cho các điểm bán ở Chợ Lớn, ngày nắng cũng như ngày mưa.
Học xong đại học, tôi đi làm, nhưng cứ ngày nghỉ lại ra Bến xe Miền Tây chở trứng bỏ mối. Sau hơn 1 năm, tôi quyết định tập trung phát triển vựa trứng, không bỏ mối nữa. Lúc đó giao thông khó khăn lắm, thông tin liên lạc chưa thông suốt. Trứng từ miền Tây lên TP.HCM có khi mất 2 ngày, cũng vì vậy mà giá cả qua khâu trung gian đội lên nhiều.
Tôi quyết định thu trực tiếp rồi bán đến vựa lẻ thì giá thu mua của người nông dân cao lên. Thời điểm đó, dù là vựa trứng nhỏ thôi nhưng có ngày tôi bán mấy trăm ngàn trứng. Đó là thời gian kinh doanh tốt nhất cho đến khi biến cố cúm gia cầm xảy ra, những gì tích cóp được mất hết. Nên cũng có thể nói, với Vĩnh Thành Đạt là tôi gần như làm lại từ đầu.
- Thời sinh viên vừa đi học, vừa chở từng giỏ trứng đi bán lẻ, ông có ngại với bạn bè?
Trước khi lên TP.HCM học đại học, tôi phụ giúp gia đình, đã quen với việc đạp xe đi gom trứng, chở đi bỏ mối. Thành ra mình tự tin với công việc này.
Tôi từ xưa giờ quan niệm phải làm việc gì thuận tay, am hiểu và yêu thích. Nói cơ duyên cũng đúng nhưng với tôi, đơn giản công việc này tôi biết làm, và làm để có tiền trang trải cho cuộc sống xa nhà. Những năm 90, sinh viên tỉnh lẻ lên TP.HCM học vất vả lắm, ai cũng tất bật kiếm việc làm, không ngại ngùng gì cả.
- Làm nông nghiệp vất vả và khó giàu, càng khó hơn khi luôn gặp dịch bệnh, điều gì khiến suốt 34 năm, ông vẫn thấy hấp dẫn khi nói về những dự định mới với trứng gà, trứng vịt?
Chỉ có thể là đam mê thôi.
Ngày xưa, đơn thuần tôi chỉ nghĩ là mua bán trứng. Nhưng khi mình có điều kiện đi tham quan một số trang trại ở nước ngoài, tham quan hệ thống phân phối của họ thì tôi thấy ngành này không đơn giản như mình nghĩ. Nếu cứ kinh doanh trứng tươi, làm sao giá thu mua của người chăn nuôi nâng lên được? Tôi phải tạo ra giá trị gia tăng cho quả trứng, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Đó là lý do nhiều năm nay tôi đẩy mạnh trứng chế biến. Đối với các nước tiên tiến, doanh số trứng tươi chỉ một phần thôi, phần lợi nhuận là những sản phẩm chế biến, mình không thể đứng ngoài hướng phát triển này được. Chỉ có mở thị trường lớn hơn, đa dạng sản phẩm thì mới đảm bảo cho nông dân mở rộng chăn nuôi, tăng đàn.
Tôi nhìn thấy triển vọng từ trứng chế biến, kỳ vọng sản phẩm làm ra sẽ tạo bước đột phá cho trứng gia cầm.
Chiến lược của Vĩnh Thành Đạt hiện nay, bên cạnh trứng tươi truyền thống, sẽ phát triển mạnh các sản phẩm xuất khẩu, sản xuất bột trứng, trứng lỏng mà doanh nghiệp trong nước, các công ty đa quốc gia đang nhập khẩu.
- Ông bắt đầu làm trứng chế biến khi nào? Tính từ thời gian học hỏi cho đến khi sản phẩm ra thị trường được đón nhận là khoảng bao lâu?
Tôi chuẩn bị từ 2005 nhưng bắt tay làm thực sự từ năm 2009, mất thêm 5-6 năm mới đưa được sản phẩm ra thị trường. Thời gian khá dài vì cũng phải nghiên cứu, thay đổi chiến lược để tập trung vào mảng này.
Chúng tôi đang chuẩn bị đưa thêm ra nhiều sản phẩm nữa từ nay đến cuối năm nay và đầu năm sau, không những phục vụ thị trường trong nước mà còn cho thị trường nước ngoài, trong đó chủ lực là Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nếu tính trong cơ cấu sản phẩm của Vĩnh Thành Đạt, trứng chế biến mới chiếm tỷ trọng khoảng 20%, nhưng cơ bản là giải quyết được khâu hàng tồn. Những lúc “trứng dội chợ”, chúng tôi sẽ mua để nông dân không phải đổ bỏ, đó mới là mục tiêu lớn nhất mà Vĩnh Thành Đạt dấn thân.
- Ông từng nói trứng lỏng thanh trùng là sản phẩm chủ lực kinh doanh của Vĩnh Thành Đạt năm nay, nhưng hình như trên thị trường vẫn chưa nghe nói nhiều. Kênh tiêu thụ hiện tại ra sao?
Đây là mặt trứng đã tách vỏ và thanh trùng, đóng túi, đóng chai, là hàng chủ lực của Vĩnh Thành Đạt trong năm 2024. Thực ra trứng lỏng không mới nhưng khách hàng chính không phải là người tiêu dùng. Khách hàng của trứng lỏng là doanh nghiệp thực phẩm, làm bánh, làm hải sản đông lạnh… Chúng tôi cũng đã xuất thành công sản phẩm này sang Hàn Quốc.
Lẽ ra phải làm sản phẩm này sớm hơn bởi nhiều năm nay, một số doanh nghiệp ở Việt Nam nhập khẩu trứng lỏng về sản xuất. Doanh số trứng lỏng những năm gần đây tăng trưởng 200%.
Chúng tôi đã bắt tay thực hiện vài năm trước nhưng vẫn dè chừng với một số công đoạn bán thủ công, chưa dám đầu tư máy móc thiết bị chi phí khá lớn. Sau COVID-19, đến năm 2023, trứng lỏng Vĩnh Thành Đạt mới ra thị trường.
- Ông luôn cố tránh đối đầu với các ông lớn, các công ty đa quốc gia hùng mạnh?
Từ khi bước vào ngành này tôi đã xác định mình phải đi khác. Nói là ngách nhưng thị trường 100 triệu dân không phải nhỏ. Hồi mới làm vựa trứng nhỏ ở Chợ Lớn, khi thấy thị trường trống mảng trứng lộn, tôi đã bán sản phẩm này và nhờ vậy mới bán tốt trứng tươi. Bây giờ cũng vậy, lực mình nhỏ, làm sao đối đầu được với các doanh nghiệp FDI chăn nuôi quy mô lớn với hệ thống chuồng trại đầu tư vài triệu gia cầm cùng lúc.
Nhưng quan trọng nhất như tôi đã nói, là muốn tăng giá trị cho trứng gà trứng vịt của mình, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Trứng tươi tiêu thụ kiểu truyền thống rồi cũng đến giai đoạn bão hòa. Muốn đi sâu vào chăn nuôi, cửa của mình là những mô hình, sản phẩm mới. Bây giờ tôi cũng không còn nặng gánh chạy gạo, chạy cơm nữa, nên muốn tập trung làm những gì tốt nhất cho thị trường trứng gia cầm, tìm ra các sản phẩm mới, thị trường mới.
Mà tôi nghĩ nhiều người cũng giống tôi, khi làm mà không phải quá lo chuyện lời lỗ, không căng thẳng với những con số thì sẽ thoải mái với kết quả mình đạt được. Ví dụ như đưa sản phẩm mới ra thị trường được chấp nhận mình vui lắm, và có động lực để làm sản phẩm khác, dù doanh số thực tế không bao nhiêu.
Làm người tiên phong, mở đường đúng là rất vất vả, tốn kém, nhưng mà bạn để ý xem, người Việt mình luôn nhớ người mở đường, và mình cũng có những lợi thế của người đi đầu. Quan trọng hơn, có người mở đường rồi thì người đi sau mạnh dạn hơn.
Tôi mong các doanh nghiệp cùng tập trung vào trứng chế biến, làm các sản phẩm chuyên sâu hơn để không còn cảnh giải cứu trứng khi được mùa mất giá.
- Còn việc làm trứng gà nhân đạo, ông có thể nói rõ hơn về câu chuyện này?
Nó cũng là câu chuyện tiên phong mà tôi đang thấy rất hạnh phúc. Thực ra trứng nhân đạo với Việt Nam thì mới, nhưng các nước tiên tiến đã làm rồi. Cách đây 5-6 năm, HFAC- Humane Farm Animal Care- tổ chức chăn nuôi quốc tế phi lợi nhuận, với sứ mệnh cải thiện môi trường sống cho động vật nuôi làm thực phẩm, gặp tôi, thuyết phục tham gia nuôi gà theo các quy định khác với cách đang nuôi công nghiệp.
Nghe thì ưng bụng lắm nhưng tôi cũng hoài nghi có đi tới cùng được không. Lý do là giá thành cao nhưng đầu ra mù mờ.
Ai cũng biết gà nuôi nhốt tập trung thì năng suất đẻ đến khoảng 90%, nhưng gà nhân đạo tỷ lệ đẻ trứng chưa tới 50%. Bởi khi được nuôi thả, gà vận động nhiều, ăn nhiều hơn, tiêu hao năng lượng cho vận động nhiều thì tỷ lệ đẻ thấp lại. Năng suất trứng thấp, giá sẽ đội lên cao là điều đầu tiên cản trở mô hình này.
HFAC kiên trì lắm. Khi vận động doanh nghiệp chăn nuôi chưa được, họ quay lại vận động các đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Đầu tiên là các công ty đa quốc gia kinh doanh tại Việt Nam, rồi hệ thống siêu thị, resort lớn. Theo yêu cầu từ tập đoàn mẹ, các chi nhánh tại Việt Nam phải có kế hoạch rõ ràng trong từng năm sẽ sử dụng bao nhiêu % sản phẩm trứng, thịt theo chuẩn nuôi nhân đạo.
Tôi mạnh dạn nuôi thử nghiệm 6.000 con gà theo phương thức không sử dụng lồng nhốt chật hẹp truyền thống. Sào đậu, ổ đẻ, khu vực tắm bụi và các cơ sở vật chất khác trong trại được bố trí, thiết kế đảm bảo gà mái có thể thể hiện tập tính, hành vi tự nhiên của loài. Thức ăn cũng theo quy định, trong đó có hạng mục không sử dụng xương động vật có vú.
Năm 2021, trứng gà nhân đạo của Vĩnh Thành Đạt được chứng nhận HFAC.
- Nuôi gà nhân đạo chi phí cao, cạnh tranh thấp, vì sao ông gắn bó?
Ngày xưa, khi chưa biết đến nuôi gà nhân đạo, đi các trại gà, chứng kiến thực tế gà nuôi tại các trang trại, hàng ngàn con chen chúc trong không gian chật hẹp, không có khoảng trống di chuyển, thậm chí nhiều con gà bị cắt mỏ để tránh cắn nhau, tôi đã có mong muốn thay đổi cách nuôi này. Cho nên bây giờ được nuôi gà nhân đạo là tôi rất hạnh phúc.
Tôi tin tưởng cách nuôi này, gà mái sẽ hạnh phúc hơn thì khách hàng thưởng thức trứng từ những con gà mái hạnh phúc cũng cảm thấy an yên hơn.
Sắp tới, tôi sẽ ra mắt thêm dòng sản phẩm trứng gà ta nhân đạo. Đây là nhu cầu có thật chúng tôi đã khảo sát, do các quán phở cao cấp đông khách nước ngoài đang có nhu cầu cao với loại trứng này. Các chuỗi phở lớn tại TP.HCM mà Vĩnh Thành Đạt cung cấp trứng đã đặt hàng. Đương nhiên phân khúc này nhỏ thôi, nhưng tôi vẫn làm, với mong muốn tạo thành thói quen, ngày càng nhiều người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm chăn nuôi nhân đạo.
Hiện nay các siêu thị cũng bán rất nhiều trứng nhân đạo, người tiêu dùng thành phố chấp nhận trả giá cao.
- Doanh nhân nào cũng mong muốn để lại sự nghiệp cho người thân, con cái, ông có hướng con sau này nối nghiệp hay không?
Tâm huyết cả đời nên chắc chắn doanh nhân nào cũng muốn doanh nghiệp được con cháu mình kế thừa, phát triển. Tôi mong muốn như vậy nhưng con tôi lớn rồi, các cháu có cuộc sống riêng, sự nghiệp riêng, có muốn nối nghiệp hay không thì mình không thể ép được.
Mà nói thật, chứng kiến ba mẹ vất vả làm việc, con tôi cũng sẽ có phần ngại. Các con lớn lên ở thời buổi này, đôi khi muốn có cuộc sống an toàn, đỡ căng thẳng hơn.
Chuyện kế thừa là vấn đề gần như rất nan giải của các doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp hoạt động ở mảng nông nghiệp. Như bây giờ, 3 đứa con tôi học ở nước ngoài, quen với môi trường sống khác rồi nên chưa có đứa nào thể hiện mong muốn quay về chia sẻ công việc với ba. Nhưng tôi cũng có đội ngũ kế cận là những nhân viên giỏi, anh em đồng hành, đó cũng là những người sẽ cùng phát triển Vĩnh Thành Đạt trong giai đoạn mới.
Mơ ước của tôi là Vĩnh Thành Đạt trong tương lai sẽ chuyên nghiệp hơn, đủ điều kiện chúng tôi sẽ thực hiện IPO. Thực ra chúng tôi cũng đang làm việc với một đơn vị kiểm toán để sắp xếp lại các hoạt động tài chính chuyên nghiệp, chuẩn mực, minh bạch.
Trong tương lai, tôi không muốn Vĩnh Thành Đạt được quản lý mang yếu tố công ty gia đình. Tôi luôn ý thức phải thay đổi và đang cố gắng thay đổi, chuyên nghiệp thì mới phát triển mạnh và bền vững.
Mong muốn lớn hơn là các doanh nghiệp nông nghiệp Việt phát triển vững vàng, cùng lớn mạnh, cùng tự hào là của người Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
VTCnews