MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Vua xúc xích' Đức chật vật đối mặt với Covid-19

30-06-2020 - 17:16 PM | Tài chính quốc tế

Ông Clemens Toennies, được người Đức biết đến như một vị tỷ phú tai tiếng, đang hứng chịu nhiều chỉ trích, sau khi một trong những nhà máy chế biến thịt của ông trở thành điểm bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất tại quốc gia này.

Các công tố viên và chính trị gia đang tiến hành xem xét kỹ lưỡng mô hình kinh doanh của tỷ phú Clemens Toennies sau khi hơn 1.500 nhân công xét nghiệm dương tính với virus corona, khiến chính quyền Đức phải đóng cửa nhà máy. Những nhân công này chủ yếu là lao động hợp đồng tại Đông Âu, được trả công thấp và phải sống chen chúc trong những khu nhà chật chội.

Có thể coi đây là thách thức mới nhất của Toennies, 64 tuổi, vốn trước đó đã gây nhiều tranh cãi vì những lời bình luận mang tính phân biệt chủng tộc của mình.

Sau nhiều năm thất bại trong việc cải thiện điều kiện cho nhân công và động vật, vị tỷ phú từng dẫn dắt một câu lạc bộ bóng đá Đức và có những cuộc trao đổi thân mật với Vladimir Putin này, hiện đối mặt với làn sóng phẫn nộ vì khiến 640.000 người tiếp tục bị phong tỏa, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang khởi động lại. Thậm chí là tại quốc gia yêu xúc xích bratwurst và schnitzel như Đức, một số người cho rằng vận đen sớm muộn cũng sẽ đến với Toennies.

“Có rất nhiều sự tức giận bị kìm nén”, Sonja von Zons, một chính trị gia Đảng Xanh, ứng cử viên tranh cử thị trưởng tại Rheda-Wiedenbrueck, nơi đặt trụ sở nhà máy đóng cửa, cho biết. “Ông Toennies đã nhiều năm từ chối thực hiện trách nhiệm với nhân công, động vật và môi trường. Chúng tôi đã chịu đựng đủ rồi".

Ổ bùng phát dịch mới đã làm khuấy động tình hình chính trị tại quốc gia vốn được ca ngợi vì các biện pháp ứng phó với virus này. Các đảng cầm quyền tại Đức muốn đẩy nhanh thay đổi các quy định nhằm cải thiện điều kiện làm việc và vệ sinh. Một số chính trị gia đang xem xét việc yêu cầu Toennies, người được tạp chí kinh doanh WirtschaftsWoche gọi là “vua xúc xích Đức”, chi trả một phần chi phí phong tỏa.

Sau khi nhiều ổ dịch được phát hiện tại các lò giết mổ động vật trên khắp các quốc gia, bao gồm Mỹ, Australia, Brazil, sự việc tại Đức chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng ngành công nghiệp thịt toàn cầu. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Julia Kloeckner chia sẻ vào ngày 26/6 rằng Đức cần “xem xét kỹ lưỡng hơn” hệ thống cung cấp thịt.

Theo xếp hạng tỷ phú của Bloomberg, tổng tài sản của ông Toennies trị giá hơn 2 tỷ USD, và gắn chặt với số phận nền công nghiệp sản xuất thịt tại Đức. Toennies điều hành Toennies Holding cùng con trai và cháu trai. Mỗi năm, các nhà máy của tập đoàn tiêu thụ 21 triệu con lợn để sản xuất ra các sản phẩm xúc xích, salami và sườn. Công ty của Toennies hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ việc.

 Vua xúc xích Đức chật vật đối mặt với Covid-19  - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chuẩn bị thực hiện các xét nghiệm đối với nhân viên lò mổ Toennies.

Nhân công tạm thời

Hiện đại hóa và cắt giảm kinh phí đã giúp Toennies trỗi dậy như một trong những nhà chế biến thịt lớn nhất trên thế giới sau Chiến tranh lạnh những năm 1990, biến Đức trở thành nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ 3 toàn cầu sau Trung Quốc và Mỹ.

Jonas Bohl, phát ngôn viên Công đoàn lao động NGG của công nhân ngành thực phẩm và khách sạn cho biết mô hình chi phí do Toennies đề ra được các công ty khác trong ngành bắt chước và mở rộng cùng khi các chuỗi nhà hàng giảm giá như Aldi và Lidl phát triển ở Đức và nước ngoài. Trọng tâm chú ý của ngành công nghiệp thịt tại Đức là thực trạng sử dụng nhân công hợp đồng từ các quốc gia như Romania và Bulgaria. Những lao động nhập cư này được đưa đến Đức trong vài tuần, làm việc nhiều giờ và được trả lương rẻ mạt.

“Họ muốn bán thịt giá rẻ và phải tìm được người có thể làm được điều này, và người đó chính là Clemens Toennies”, Bohl nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Cả hệ thống đang bị hỏng hóc và nó cần được xây dựng lại”.

Toennies cam kết sẽ thực hiện điều trên. Ông tuyên bố sẽ dừng thuê các nhà thầu và nhân công vào năm sau và xây dựng các khu nhà ở tốt hơn. Ông cũng sẽ chi trả phí thực phẩm cho các nhân công bị cách ly và cho các xét nghiệm virus corona trong khu vực.

“Tôi sẽ đưa công ty ra khỏi khủng hoảng”, ông tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 20/6. “Chúng tôi sẽ thay đổi ngành công nghiệp”.

Nước Đức ăn chay

Thậm chí là trước khi Covid-19 buộc các nhà hàng, lễ hội đóng cửa, nhu cầu tiêu thụ thịt tại châu Âu cũng đã đi xuống do quan ngại về môi trường và các vấn đề liên quan đến động vật. Bộ Nông nghiệp Mỹ xếp hạng Đức là một trong những quốc gia ăn chay nhiều nhất trên thế giới và Liên minh châu Âu thì đang thúc đẩy các sản phẩm protein thay thế.

Được sáng lập bởi anh em nhà Toennies năm 1971, sau một loạt các thương vụ mua lại, công ty phát triển từ cơ sở buôn thịt thành một trong những nhà cung cấp thịt lớn nhất thế giới, với 16.500 nhân viên và doanh số 7,3 tỷ euros (9 tỷ USD) tính đến năm ngoái. Theo Orbis, công ty dữ liệu doanh nghiệp, Tonnies sở hữu 45% công ty. Số cổ phần còn lại được nắm giữ bởi con trai ông, Maximillian và người cháu Robert.

Bỏ qua thịt?

Lượng tiêu thụ thịt tại EU được dự đoán sẽ giảm trong năm nay.

Toennies gây xôn xao dư luận năm ngoái với những phát ngôn phân biệt chủng tộc, coi thường người châu Phi tại một sự kiện công cộng, khiến ông phải tạm thời từ chức chủ tịch ban kiểm soát tại câu lạc bộ Schalke Bundesliga sau gần 2 thập kỷ.

Mặc dù Toennies giúp thu hút nhà tài trợ, bao gồm Gazprom của Nga, nhiều cổ động viên hâm mộ đã lên kế hoạch để phản đối những sai lầm gần đây của các lãnh đạo câu lạc bộ ngoài sân vận động Gelsenkirchen. Khẩu hiệu được đặt ra là “Schalke không phải là lò mổ”.

Toennies cũng bị chỉ trích vì phong cách lãnh đạo gia trưởng và xung đột về chiến thuật công ty với cháu trai của mình. Achim Spiller, giáo sư môn tiếp thị thực phẩm và nông sản tại Đại học Georg August của Goettingen cho biết, một văn hóa công ty “đàn ông” thiếu đa dạng đã ngăn cản những thay đổi thực sự ý nghĩa.

“Ngành công nghiệp này vốn đã không mở cửa với các xu hướng xã hội mới”, Spiller nói. “Là người chơi lớn nhất, Toennies có thể thay đổi điều này. Câu hỏi đặt ra là liệu ông ấy có sẵn sàng và có thể làm được điều đó hay không”.

Theo Hoàng Hà

NDH

Trở lên trên