"Vùng kháng cự" trước các cú sốc tài khóa
10 năm nay, việc luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao nhưng nguồn thu không đủ để bù đắp nên ngân sách nhà nước thường xuyên thâm hụt ...
-
Nhiều khả năng tổng mức giảm giá của VND so với USD trong cả năm nay chỉ khoảng 2%
-
Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và cũng nhằm khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn từ trước khi diễn ra
Vùng kháng cự của nền kinh tế trước các cú sốc về tiền tệ, tài khoá và suy giảm tăng trưởng của thế giới là vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại hội thảo bàn về sự bền vững của tài khoá do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 25/3.
"Chính phủ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn", GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói khi mở đầu hội thảo.
Không gian tài khoá đã tới hạn
Bởi theo GS Đạt, khoảng 10 năm nay, việc luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao nhưng nguồn thu không đủ để bù đắp nên ngân sách nhà nước thường xuyên thâm hụt ở mức cao. Để bù đắp không còn cách nào khác là phải vay nợ nên nợ công liên tục bị đẩy lên mức cao. "Vòng luẩn quẩn" này đang ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô, và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế.
Số liệu từ Báo cáo Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2018 "Hướng tới chính sách tài khoá bền vững và hỗ trợ tăng trưởng" do Trường Đại học Kinh tế quốc dân nghiên cứu cho thấy, quy mô chi ngân sách nhà nước từ năm 2005 đến nay đều đã xấp xỉ 30% GDP, cao hơn trung bình các nước đang phát triển có cùng trình độ và lớn nhất khu vực ASEAN.
Để phản ứng lại với những bất ổn vĩ mô do hậu quả của thâm hụt tài khóa kéo dài, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác thường áp dụng các biện pháp mang nặng tính hành chính như kiểm soát giá cả trong nước, áp trần lãi suất và tín dụng, kiểm soát tỷ giá, cắt giảm đầu tư công.... Hơn nữa, những biện pháp ít tính thị trường này chỉ có tác động ngắn hạn nhưng có rủi ro tăng sự thiếu hụt tổng cung do chúng bóp méo thị trường các nhân tố sản xuất trong nước, nguồn lực sẽ được phân bổ một cách không hợp lý, và do vậy làm giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
"Điều này lại làm cho việc kiềm chế thâm hụt ngân sách càng khó khăn hơn và việc tăng hoặc áp thuế/phí mới là một trong những biện pháp cuối cùng mà Chính phủ có thể sử dụng. Tuy nhiên, gánh nặng thuế/phí cao sẽ làm giảm động cơ sản xuất, giảm tiết kiệm và đầu tư của khu vực tư nhân, và đẩy tiếp nền kinh tế vào giai đoạn khó khăn hơn", ông Đạt phân tích.
Những biện pháp "luẩn quẩn" này theo GS Đạt là hệ quả của việc những giải pháp lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào quỹ đạo tăng trưởng mới bị hạn chế. Bởi quy mô chi tiêu công đang dần "tịnh tiến" tới mốc 30%.
"Nếu quy mô chi tiêu công trong các nước đang phát triển vượt quá 30% GDP thì tác động của nó với phát triển kinh tế và hiệu quả cung cấp hàng hóa công giảm đi rõ rệt và có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế", báo cáo nhận định.
Phải cơ cấu lại chi ngân sách
Bàn về bức tranh thu–chi ngân sách nhà nước của Việt Nam trong thời gian qua, ông Tô Trung Thành, Trưởng phòng quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết trong khi chi ngân sách ngày càng tăng thì thu ngân sách đang có xu hướng sụt giảm. Nguyên nhân là do nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm do chính sách ưu đãi, thuế suất một số mặt hàng sụt giảm do cam kết hội nhập và do giá dầu thế giới giảm.
Từ góc độ này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết bù đắp sự thiếu hụt nguồn thu của Việt Nam gần đây chủ yếu từ thuế đất nhưng nguồn này giờ cũng bắt đầu chững lại, chẳng hạn như ở Đà Nẵng. Thuế tài sản được xem là giải pháp thay thế nhưng đưa ra năm 2014 và gần đây nhất đều "bị ý kiến". "Vì vậy, xem xét giải pháp chuyển từ thuế trực thu sang thuế gián thu một cách hợp lý cần phải được xem xét một cách căn cơ và phù hợp", ông nói. Đó là cách chuyển từ đánh thuế thương mại, thu nhập sang các hình thức gián tiếp ít gây nhiễu loạn hơn, thu hẹp các khoảng trống (kể cả đánh thuế quốc tế).
Quan trọng nhất, theo ông Võ Trí Thành, bài toán tổng thể lớn nhất của Việt Nam phải là bền vững. "Nhưng bền vững, theo tôi, không phải là thu mà là chi", vị chuyên gia nói.
Vì tổng mức chi lương cho công chức cao trong khi lương cho từng công chức lại rất thấp. Có 6-7 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp... hàng tháng là một con số quá lớn. Đây là vấn đề còn lớn hơn so với cả chi cho đầu tư phát triển.
"Do đó, nếu chỉ cấu trúc phần thu mà không đặt ưu tiên phần chi thì không đạt được vấn đề", ông Võ Trí Thành khuyến nghị.
Cùng quan điểm, ông Sebastian Eckardt, cho rằng Việt Nam phải cải cách chi theo chiều sâu nhằm đảm bảo tiết kiệm và công bằng. "Trong đó chú trọng tới các loại dịch vụ công cốt lõi và hệ thống quản lý nợ công toàn diện nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình, thống nhất các khoản ưu đãi giữa các cấp và trong cùng cấp nhằm đảm bảo nguồn và khả năng bền vững tài khoá, dự trù các biến động kể cả hiện tượng già hoá", ông Sebastian nhấn mạnh.
Vneconomy