Vướng mắc trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng
Quá trình giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng tại tòa, rất nhiều vụ tranh chấp bên vay tài sản đã vi phạm nghĩa vụ ngay từ khi ký kết hợp đồng, qua đó có thể thấy phần lớn các vụ tranh chấp là do quá trình xem xét và cấp tín dụng của cán bộ tín dụng và ngân hàng chưa tốt, thẩm định và giám sát các khoản tiền vay còn lỏng lẻo dẫn đến việc bên vay không trả được tiền cho ngân hàng.
- 24-06-2022Agribank bán nợ của chủ dự án hơn 1.200 tỷ đồng ở Thanh Hóa
- 24-06-2022“Giải cứu” nợ xấu bất động sản
- 24-06-2022Số dư trong tài khoản tiền gửi thanh toán người dân tăng vọt, vượt mốc 1 triệu tỷ đồng
Sau khi được Quốc hội thông qua kéo dài thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, câu chuyện tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tranh chấp pháp lý hợp đồng tín dụng tại tòa đang được ngành ngân hàng đặc biệt chú trọng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội ra đời, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, qua đó tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả nhằm giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng tại tòa án hiện còn một số vướng mắc, bất cập.
Qua nghiên cứu, rà soát, ngoài nguyên nhân do những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật, sự sai sót của một số cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định cho vay, thì cũng phát sinh nhiều vướng mắc do quan điểm giải quyết tranh chấp của các cơ quan tố tụng từ khâu thụ lý đến quá trình giải quyết tại Tòa án các cấp còn rất khác nhau và chưa có sự thống nhất.
Đánh giá chung, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho biết, qua tập hợp các vướng mắc liên quan giải quyết các tranh chấp dân sự từ các ngân hàng cho thấy có 3 nhóm vướng mắc đang tồn tại, bao gồm: Nhóm vướng mắc cần thống nhất nhận thức và áp dụng quy định pháp luật trong thực tiễn xét xử; nhóm bất cập về thủ tục hành chính tố tụng; nhóm vướng mắc xác định trách nhiệm dân sự trong các vụ án hình sự.
Xử lý nợ xấu gặp nhiều vướng mắc, kể cả lúc ra tòa. Ảnh minh họa.
Từ góc độ tòa án, ông Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP. Hà Nội cho biết, giải quyết những vụ án tranh chấp tín dụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TAND TP. Hà Nội. Vì vậy, việc tìm ra những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án tín dụng và đưa ra các giải pháp tích cực, triệt để là cấp thiết, nhất là trong bối cảnh lượng án tín dụng ngày càng tăng; tránh chậm trễ, ảnh hưởng tới tài sản của ngân hàng, nhân dân và nhà nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Chánh tòa Kinh tế, TAND TP Hà Nội cho biết, qua quá trình giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng tại TAND, rất nhiều vụ tranh chấp bên vay tài sản đã vi phạm nghĩa vụ ngay từ khi ký kết hợp đồng, qua đó có thể thấy phần lớn các vụ tranh chấp là do quá trình xem xét và cấp tín dụng của cán bộ tín dụng và ngân hàng chưa tốt, thẩm định và giám sát các khoản tiền vay còn lỏng lẻo dẫn đến việc bên vay không trả được tiền cho ngân hàng. "Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng quyết định đến việc tăng, giảm nợ xấu cho ngân hàng", ông Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến khoản nợ gốc và lãi cũng được ông Thành đề cập đến. Theo ông, trên thực tế giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng, các bên trong quan hệ tín dụng ít khi tranh chấp về khoản nợ gốc vì việc giải ngân của ngân hàng thường chặt chẽ và có ký nhận hoặc chuyển khoản một cách rõ ràng. Tuy nhiên, các ngân hàng khi thu nợ gốc và lãi phải rõ ràng trong các giấy tờ về nghiệp vụ ngân hàng, tránh việc sau này khi xảy ra tranh chấp, bên vay tiền thường cho rằng ngân hàng thu tiền không đúng, đáng lẽ phải thu vào nợ gốc lại thu vào lãi trước là không đúng thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng mà hai bên đã ký kết.
Đại diện TAND thành phố Hà Nội cũng lưu ý, về việc lãi suất được áp dụng trong hợp đồng tín dụng hai bên có thể thỏa thuận là lãi suất cố định hoặc lãi suất thay đổi (hay còn được gọi là lãi suất thả nổi). Nếu các bên thoả thuận áp dụng lãi suất cố định, thì lãi suất sẽ không thay đổi trong suốt thời hạn vay, bất kể lãi suất thị trường có tăng lên hay giảm xuống thì không điều chỉnh lãi suất. Nếu các bên thoả thuận trong hợp đồng tín dụng là áp dụng lãi suất thay đổi thì sẽ điều chỉnh lãi suất lên, xuống dựa vào lãi suất thị trường thì các ngân hàng phải xuất trình các quyết định tăng giảm lãi làm căn cứ cho Tòa án xem xét về lãi suất tính đúng hay sai.
"Hiện nay có một số ngân hàng cho rằng khi bên vay đã bị chuyển sang nợ quá hạn, thì ngân hàng có quyền không điều chỉnh lãi, quan điểm này của ngân hàng không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng dẫn đến một số Bản án của TAND TP Hà Nội đã tuyên chỉ chấp nhận nợ gốc, còn lãi sẽ tách ra trong một vụ án khác khi ngân hàng có đầy đủ các tài liệu điều chỉnh lãi suất cho Tòa án làm cơ sở cho việc tính lãi", ông Thành cho biết thêm.
Công an nhân dân