MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vương quốc trái cây Việt 'thất thủ': Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

30-05-2019 - 15:46 PM | Thị trường

ĐBSCL được ví là vựa trái cây lớn nhất cả nước với đầy đủ chủng loại, tuy nhiên, các mặt hàng ngoại nhập trong nhiều năm qua “lấn át” trái cây nội. Hoa quả ngoại có mặt hầu hết tại các siêu thị, chợ lớn nhỏ từ thành thị đến nông thôn…

Theo quan sát của phóng viên, tại các siêu thị Co.opmart hay Big C Cần Thơ tràn ngập trái cây ngoại, thậm chí các siêu thị này còn dành hẳn khu vực riêng để trưng bày. Bên ngoài chợ cũng vậy, thậm chí còn lất át trái cây nội. Các loại như lê, nho, táo, xoài... có xuất xứ từ Mỹ, Úc, Pháp, Thái, Newzealand... đều chất đầy các sạp.

Theo tìm hiểu, hàng ngày, một lượng lớn trái cây ngoại nhập theo các xe tải từ TPHCM, các tỉnh biên giới phía Nam tỏa về các chợ ở Cần Thơ. Một tiểu thương bán trái cây tại chợ Xuân Khánh, TP Cần Thơ cho biết, có thời điểm, trái cây nội chỉ chiếm khoảng một nửa trái cây ngoại bán hằng ngày. Nguồn trái cây ngoại nhập đa dạng về chủng loại, từ cao cấp đến các loại trái thông dụng. Trong khi trái cây nội phần lớn phải đợi vào mùa, nghịch vụ thì giá cao.

Chị Lan ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết, bây giờ nhu cầu của người dân nâng cao nên khi mua trái cây thường chọn những loại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bản thân chị thường vào siêu thị mua ở sạp uy tín. “Mặc dù biết là trái cây ngoại không ngon bằng trái cây nội nhưng nhìn bắt mắt, hơn nữa cách bày trí, gắn nhãn mác nên cũng yên tâm hơn”, chị Lan nói.

Ở các khu vực xa ngoại thành, các chợ ở nông thôn, thậm chí trọng tận các con hẻm, ngõ ngách, trái cây ngoại cũng có mặt. Hàng chất đầy trong các thùng xốp hoặc người bán để lên tấm bạt, thậm chí để hẳn trên xe tải bán và chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn là mua được một kg hoa quả nào đó.

Anh Đức, một chủ cửa hàng bán trái cây lâu năm  ở chợ Cái Tắc (Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết, cửa hàng bán đầy đủ các mặt hàng trái cây nội, ngoại. “Tất cả các trái cây ngoại đều tươi ngon, bắt mắt, nhập về hằng ngày”, anh Đức nói và cho biết, các loại trái cây ngoại nhập theo container từ nước ngoài về TPHCM rồi có đại lý chở về cửa hàng của anh.

Một tiểu thương ở chợ Ngã Sáu (Châu Thành, Hậu Giang) cho hay, các mặt hàng trong nước như đu đủ, chuối, quýt... thường gói qua loa nên tỉ lệ thâm vỏ khá cao. Ở vựa nhìn bắt mắt nhưng đem về chợ bán đến chiều là xuống màu. “Gần như chưa bao giờ thấy trái cây nội được đóng trong thùng xốp có ghi xuất xứ như trái cây ngoại”, tiểu thương này nói.

Theo nhiều tiểu thương, trái cây ngoại nhập từ Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ... về chợ đều được bảo quản kỹ lưỡng, đóng trong các thùng giấy, có lớp giấy chống va đập trong quá trình vận chuyển. Đồng thời, các mặt hàng này được bảo quản ở môi trường lạnh giữ độ tươi và đẹp mắt. Chưa kể, một số mặt hàng còn có thông tin đầy đủ về số lượng trái mỗi thùng, xuất xứ, ngày đóng gói.

Điệp khúc trồng chặt

Trong khi trái cây ngoại tràn ngập thị trường ĐBSCL thì nông dân nơi đây vật vã, luôn canh cánh với cây trái ngay trong vườn nhà mình. Chẳng mấy người giàu lên từ trái cây.

Ông Tô Văn Thương, ở xã Tân Bình (Phụng Hiệp, Hậu Giang) sang xã Long Thạnh (Phụng Hiệp) thuê 0,6 ha đất trồng cam. Ông cho biết, giá hiện nay chỉ có 5.000- 6.000 đồng/kg, quá rẻ so với chi phí đầu tư. Tiền thuê đất hết 50 triệu mỗi năm, rồi chi phí phân bón, thuốc trừ sâu... thêm mấy chục triệu nữa nhưng bán mãi chỉ được 15 triệu. “Bây giờ càng làm càng chết, mặc dù năng suất cao, trung bình mỗi ha trên 20 tấn nhưng giá quá thấp dẫn đến thua lỗ. Tôi đi vay 3 tỷ đồng đầu tư để mua thêm 2 ha đất trồng cam nhưng bây giờ giá thấp, kêu bán đất nhưng không có người mua”, ông Thương nói.

Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Thành ở ấp Long Lợi A, xã Đông Phước A (Châu Thành, Hậu Giang) có 0,8 ha cam sành đang tới lứa thu hoạch nhưng giá thấp, lại không có người mua. Hiện giá chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg tại vườn nhưng không có thương lái lớn đến mua một lần hết vườn mà chỉ bán lái nhỏ, họ mua ngày 100 kg, đem ra chợ bán lẻ hết rồi mới mua tiếp. “Bây giờ cam đang tốt nên chặt không đành, còn để thì không trồng cây khác được”, ông Thành băn khoăn. Mấy năm trước, ông Thành trồng nhãn. Thấy cây nhãn lâu năm, trong khi cam sành sốt giá, lúc cao điểm lên đến 30.000 - 40.000 đồng/kg khiến ông Thành cũng như nhiều người chặt cây nhãn chuyển sang trồng cam. Cả năm nay cam rớt giá thê thảm khiến ông Thành và không ít người thua lỗ.

Ông Trần Hồng Đức - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, việc người dân trồng cây cam sành ồ ạt, tự phát bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng và nhà khoa học dẫn đến phá vỡ quy hoạch, khó kiểm soát. Đồng thời, còn tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh lây lan, trong đó có bệnh vàng lá gân xanh, hiện chưa có thuốc đặc trị.

Theo ông Đức, cam sành chi phí đầu tư khá cao nên khi giá thị trường thấp dẫn đến thua lỗ nhiều. Ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, cảnh báo nhưng người dân thấy lợi trước mắt đã trồng ồ ạt sang cam. Người dân từ cây bưởi chặt chuyển sang cam nhưng hơn năm nay cam xuống giá lại chặt chuyển qua mít, giờ mít từ giá cao ngất ngưởng rồi đang chìm xuống thấp. “Không biết sắp tới, chặt mít rồi trồng cây gì nữa”, ông Đức nói.

Ông Đức đề nghị, các bộ, ngành Trung ương cần có chiến lược căn cơ mới giải quyết bài toán trồng, chặt không chỉ ở Hậu Giang mà cả vùng ĐBSCL. Trong khi, ngành nông nghiệp chỉ có chức năng là tuyên truyền, vận động, chuyển giao kỹ thuật chứ không có chế tài xử phạt.

Điệp khúc trồng chặt ở ĐBSCL không phải là chuyện mới đây mà đã xuất hiện từ lâu, điển hình vào những năm 1990 - 2000, cây nhãn lồng trồng khắp các tỉnh trong vùng. Khi ấy cả vùng lên đến hàng trăm nghìn ha nhưng cũng chỉ vài năm giá xuống thấp rồi nông dân chuyển sang nhãn da bò; được vài năm bị bệnh chổi rồng, rớt giá lại chuyển sang nhãn Idol, rồi tiếp sang mận An Phước, cuối cùng cứ loay hoay trồng chặt. Hầu như nông dân tự bơi trước thị trường, hễ thấy cây nào có giá là chuyển sang cây đó rồi đến lúc giá thấp lại chặt... khiến nông dân cứ nằm trong vòng luẩn quẩn mà không có một chiến lược cụ thể nào.

Hiện không chỉ cam sành rớt giá mà mít Thái cũng đang "tuột dốc không phanh" khiến nhiều người dân lo lắng. Bà Trần Thị Kim Thúy, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết, hồi tháng 2 - 3 cao điểm giá mít lên đến trên 70.000 đồng/kg, thương lái lùng sục khắp các vườn mua để xuất sang Trung Quốc nhưng đến ngày 27/5, chỉ còn 13.000 - 14.000 đồng/kg loại một, loại hai 10.000 đồng và loại ba (loại bi) dưới 5.000 đồng. Trái cây ngoại bán ở chợ Cái Tắc (Châu Thành A, Hậu Giang). Ảnh: HÒA HỘI


Theo Hòa Hội

Tiền phong

Trở lên trên