MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Wall Street Journal: Minh chứng 'lạ' từ sự cố kênh Suez và tác động dài hạn đối với các nhà máy Việt Nam

Wall Street Journal: Minh chứng 'lạ' từ sự cố kênh Suez và tác động dài hạn đối với các nhà máy Việt Nam

Kết quả chỉ số PMI cho thấy hoạt động sản xuất đang bùng nổ ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, đại diện Tổ chức Thương mại Thế giới khẳng định, việc gián đoạn trên kênh Suez chính là dấu hiệu thương mại hàng hóa toàn cầu vẫn rất nhộn nhịp.

Tồn kho trong các nhà máy ở mức thấp, nhưng nguồn cung lại không "đến" kịp

Kinh tế toàn cầu đang hồi sinh sau đại dịch Covid-19. Điều này có thể thúc đẩy thương mại thế giới tăng mạnh trong năm nay, bất chấp loạt sự cố với chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng, cùng với việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn gần một tuần.

Vừa qua, tại một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã nhấn mạnh: "Việc tàu Ever Given gây gián đoạn lớn như thế lại chính là dấu hiệu cho thấy thương mại hàng hóa toàn cầu vẫn rất nhộn nhịp, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đứng vững qua đại dịch".

Wall Street Journal: Minh chứng lạ từ sự cố kênh Suez và tác động dài hạn đối với các nhà máy Việt Nam - Ảnh 1.

Trong tháng 3, sản lượng nhà máy và doanh số bán hàng tại Hoa Kỳ tăng vọt, theo Viện Quản lý Nguồn cung (ISM). Chỉ số sản xuất (PMI) của quốc gia này đạt 64,7 điểm, tăng mạnh so với 60,8 điểm hồi tháng 2.

Tại Eurozone, hoạt động của các nhà máy tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 20 năm. Theo IHS Markit, PMI khu vực này đã lên 62 trong tháng 3, từ mức 57 của tháng trước đó.

Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới và là nước xuất khẩu lớn của toàn cầu, cũng gặp khó khăn trong việc bắt kịp đà tăng nhu cầu. Nguyên nhân là sự gián đoạn chuỗi cung ứng cản trở dòng chảy hàng hóa.

Chuyên gia phụ trách theo dõi cuộc khảo sát của ISM, ông Timothy Fiore cho rằng ngành công nghiệp Trung Quốc đang phục hồi theo hình chữ V. "Các công ty và nhà cung cấp của họ không thể phản ứng đủ nhanh để tăng cường nhân sự".

Ngoài ra, tồn kho tại các nhà máy Hoa Kỳ đang ở mức thấp nhất mọi thời đại. Song, các nhà máy này vẫn đang phải vật lộn do hai yếu tố chính: thiếu nhân công và gián đoạn chuỗi cung ứng. Các nhà máy hiện không thể nhận được nguồn cung kịp thời.

Chỉ 0,38% dòng chảy thương mại toàn cầu hàng năm bị hoãn do sự cố Ever Given

Đáng chú ý, nhu cầu tăng cao đến mức các chủ hàng hiện đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt container vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Bất chấp tình trạng này, WTO dự kiến dòng chảy hàng hóa qua biên giới sẽ tăng 8% trong năm nay, sau khi đã giảm 5,3% năm ngoái, do đại dịch ảnh hưởng đến sản lượng nhà máy và hoạt động vận chuyển.

Việc kênh Suez bị tắc nghẽn càng kéo dài quá trình vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu và Mỹ. Điều này sẽ khiến các nhà sản xuất và bán lẻ bị chậm trễ nguồn cung trong những tuần sắp tới. Dù vậy, WTO ước tính rằng chỉ 0,38% dòng chảy thương mại toàn cầu hàng năm bị trì hoãn bởi sự cố mắc cạn của Ever Given.

Ông Robert Koopman, chuyên gia kinh tế trưởng WTO nhận định: "Mỗi ngày đều có những cú sốc chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế ở các mức độ khác nhau, từ những đợt lạnh bất thường ở Texas, đến lũ lụt và cháy nhà máy".

Do vậy, theo đại diện WTO, cú sốc từ Ever Given rồi sẽ lắng xuống. Hàng hóa có thể đến đích chậm, nhưng miễn là chúng vẫn được vận chuyển, kinh tế toàn cầu sẽ ít bị ảnh hưởng. "Sự cố trên kênh Suez chỉ khiến chi phí của các công ty tăng lên mà thôi".

Wall Street Journal: Minh chứng lạ từ sự cố kênh Suez và tác động dài hạn đối với các nhà máy Việt Nam - Ảnh 2.

Thách thức về chi phí tại các nhà máy Việt Nam

Theo số liệu của IHS Markit, giá cả nguồn cung tăng mạnh ngay cả khi sản lượng tương đối thấp. Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam là những khu vực được hưởng lợi lớn từ sự gia tăng nhu cầu hàng tiêu dùng của Mỹ. Tuy nhiên, nhà máy tại các quốc gia và vùng lãnh thổ này cũng thông báo đầu vào đang chậm trễ và chi phí tăng lên. Nhà máy tại Thái Lan và Malaysia - những quốc gia vẫn đang chật vật phục hồi từ đại dịch - cũng gặp tình trạng tương tự.

Khảo sát của IHS Markit nêu rõ, trước khi xảy ra sự cố ở Suez, các nhà máy tại châu Âu đang bùng nổ sản xuất. Tháng 3/2021, các nhà sản xuất Đức báo cáo đạt mức tăng hoạt động nhanh nhất trong 25 năm. Điều này được thúc đẩy một phần từ các đơn hàng xuất khẩu mà IHS Markit đánh giá là "chưa từng có". Tuy vậy, 76% nhà sản xuất đang phải chờ đầu vào lâu hơn.

Chuyên gia kinh tế tại Markit, ông Phil Smith cho hay, sự cố tại Suez xảy ra vào thời điểm tồi tệ của chuỗi cung ứng. Vì vậy, dù con tàu Ever Given đã thoát mắc cạn, các vấn đề khác vẫn sẽ tồn tại. Các tàu container cập cảng Nam California phải đợi 12 ngày để dỡ hàng hóa gồm máy giặt, thiết bị y tế, điện tử tiêu dùng và các loại khác.

Sự chậm trễ này khó có thể khắc phục nhanh chóng, khi nhu cầu của Hoa Kỳ tiếp tục tăng nhờ gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của chính quyền Biden. WTO thông tin, nhu cầu nhập khẩu của Bắc Mỹ, chủ yếu là Mỹ, sẽ tăng 11,4% năm nay, nhanh hơn nhiều so với mức dự kiến 8% của châu Âu. Hiện WTO kỳ vọng châu Á sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu gia tăng đó.

Anh Vũ/ Theo Wall Street Journal

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên