Warren Buffett liên tiếp bị S&P 500 đánh bại, tín hiệu gì cho thị trường chứng khoán?
Năm 2020, cổ phiếu Berkshire có tăng giá nhưng chỉ tăng 2% trong khi S&P 500 tăng hơn 18%. 2 năm 2019 và 2020 là một trong những quãng thời gian mà khoảng cách giữa Berkshire và toàn bộ TTCK Mỹ là lớn nhất – lên tới 37%.
- 06-01-2021Tài sản tăng không ngừng nghỉ, tỷ phú nước đóng chai Trung Quốc giàu hơn cả Warren Buffett
- 05-01-2021Elon Musk, Warren Buffett và các tỷ phú nghĩ gì về Bitcoin?
- 01-01-2021Lời khuyên năm mới 2021 của Warren Buffett: Đây là cách dễ nhất để tăng giá trị của bạn ít nhất 50%
Năm 2020 vừa qua, tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã thực hiện một số thương vụ thâu tóm lớn sau một thời gian dài im ắng. Tuy nhiên, chính thương vụ lớn nhất lại thể hiện rõ nét thách thức lớn mà công ty đang phải đối mặt: Berkshire không thể tìm thấy thứ gì có giá tốt hơn chính cổ phiếu Berkshire.
Cụ thể tính đến tháng 10 năm ngoái, tập đoàn đã mua vào lượng cổ phiếu quỹ có tổng giá trị hơn 18 tỷ USD, gần cao gấp đôi so với số tiền 10 tỷ USD bỏ ra để thâu tóm công ty khí đốt Dominion Energy dù đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất của Berkshire kể từ năm 2016.
Xét theo lời bộc bạch của chính Buffett rằng ông không mua lại cổ phiếu quỹ chỉ vì muốn đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn, hiện tượng này cho thấy Buffett đang nghĩ rằng cổ phiếu Berkshire đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực.
"Nếu ông ấy đã mua đứt 1 công ty với giá 18 tỷ USD hoặc chi 18 tỷ USD mua cổ phiếu của 1 công ty đại chúng, đó là động thái rất đáng chú ý. Tuy nhiên thực tế là không có nơi nào để Berkshire phân bổ nguồn vốn tốt hơn là tự mua lại cổ phiếu quỹ", James Shanahan, chuyên gia phân tích của Edward Jones nói.
Kể cả nếu Buffett đúng về chuyện mua cổ phiếu quỹ, quy mô mua cổ phiếu quỹ lớn hơn bất kỳ thương vụ M&A nào kể từ năm 2016 cũng là minh chứng cho thấy nguyên nhiên khiến Berkshire bị tụt lại so với thị trường chứng khoán trong những năm gần đây: nhà đầu tư không cho rằng hiện Buffett có thể thực hiện những cú đặt cược lớn đã từng làm nên tên tuổi của ông cũng như giúp nhiều cổ đông của Berkshire thắng lớn.
Trong 20 năm trở lại đây, Buffett đã có được thành tích khá tốt khi đánh bại S&P 500 trong 12 năm trong giai đoạn từ 1999 đến 2020. Tuy nhiên trong số những năm mà Buffett không thể đánh bại thị trường thì khoảng cách là khá lớn. Chung cuộc nếu xét trong thời kỳ 5, 10 và 15 năm thì cổ phiếu Berkshire vẫn tăng trưởng yếu hơn chỉ số S&P 500.
Năm 2020, cổ phiếu Berkshire có tăng giá nhưng chỉ tăng 2% trong khi S&P 500 tăng hơn 18%. 2 năm 2019 và 2020 là một trong những quãng thời gian mà khoảng cách giữa Berkshire và toàn bộ TTCK Mỹ là lớn nhất – lên tới 37%.
Ít nhất là trong ngắn hạn nhà đầu tư e dè với cổ phiếu Berkshire vì các lực đẩy trên thị trường đều đang chống lại ông. Thị trường mà Buffett đối mặt có đặc trưng là lãi suất thấp kỷ lục, khiến các đối thủ của Berkshire như các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân sẽ có lợi thế vì họ chủ yếu đi vay mượn để tài trợ cho các vụ M&A chứ không cần đến núi tiền mặt khổng lồ như Berkshire. Kết quả là giá tài sản trên toàn thị trường đều tăng lên.
Điều tốt nhất trong những lựa chọn tồi tệ
"Buffett vẫn nổi tiếng là sử dụng dòng vốn giá rẻ một cách rất thông minh, nhưng giờ thì ai cũng có thể tiếp cận vốn giá rẻ. Lợi thế của ông ấy đã biến mất. Không mua thứ gì từng là một yếu tố trong công thức bí mật tạo nên thành công của Bufett, nhưng có thể đó cũng là lựa chọn tốt nhất trong những lựa chọn tồi tệ", Meyer Shields, chuyên gia phân tích của KBW nhận định.
Shields là người đã theo dõi Berkshire từ rất lâu, cho rằng có thể Buffett đúng khi không xuống tiền vì cho rằng giá tài sản vẫn đang quá cao so với giá trị thực, nhưng ông vẫn đang bị các nhà đầu tư "trừng phạt" vì quyết định đó.
Trong khoảng thời gian từ khi dịch bắt đầu bùng phát đến tháng 5, khi Berkshire tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến nơi Charlie Munger không xuất hiện mà thay vào đó là Greg Abel, người đứng đầu mảng năng lượng của tập đoàn, nhà đầu tư ngày càng cảm thấy khó hiểu trước sự "im hơi lặng tiếng" của Buffett. Dường như Buffett cũng đã sợ hãi khi tất cả mọi người đang sợ hãi chứ không phải "tham lam khi người khác sợ hãi" như câu nói nổi tiếng của ông.
"Đúng là cần phải lo lắng về những tác động của đại dịch. Nhưng mọi người cảm thấy bất an bởi vì Berkshire không nhìn thấy bất kỳ cơ hội nào, không có những cổ phiếu hấp dẫn để mua vào, và thậm chí còn không mua lại cổ phiếu quỹ. Điều duy nhất Berkshire làm lúc đó là tích trữ tiền mặt, và mọi người lo lắng tự hỏi Buffett sẽ làm gì với số tiền khổng lồ đó", Shanahan nói.
Tháng 3 năm ngoái, không ai biết trước đại dịch sẽ làm chết bao nhiêu người hoặc chính phủ Mỹ sẽ hành động như thế nào, và lịch sử Berkshire cho thấy Buffett thường nắm giữ tiền mặt trong những giai đoạn rủi ro lên cao. "Đâu đó có sự thất vọng, nhưng ông ấy rất kiên định", Shileds nói.
Buffett đã không thể lặp lại những khoản đầu tư như trong khủng hoảng tài chính 2008 một phần là bởi chính phủ Mỹ đã hành động rất nhanh trong đại dịch. Các gói kích thích kinh tế và những biện pháp hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhanh chóng được tung ra.
Bán ra sai thời điểm
Trong những năm gần đây, Buffett đã nhận định giá tài sản đang ở mức quá cao và ông ưu tiên mua cổ phần của các công ty niêm yết. Nhưng điều đó dẫn đến một hậu quả không mong muốn: những sai lầm của ông dù nhỏ nhưng đã được thể hiện quá rõ ràng trong năm 2020.
Berkshire đã mạnh tay bán ra một lượng lớn các cổ phiếu hàng không gồm American, Delta, United và Southwest vào đầu quý II, gần như là bán ở mức đáy. Và đến cuối quý II Berkshire đã bán ròng cổ phiếu và còn giảm nắm giữ các cổ phiếu thuộc ngành tài chính như một loạt ngân hàng gồm Goldman Sachs, Wells Fargo, JP Morgan, PNC, M&T bank và Bank of NY Mellon.
Kết quả là ông đã bỏ lỡ đà hồi phục của cả hai ngành này. Từ đó đến nay cổ phiếu JPMorgan đã bật tăng mạnh. Với cổ phiếu hàng không, bán ra là đúng nhưng ông đã chọn sai thời điểm.
Chuyển hướng danh mục, lấy Apple làm "lá cờ đầu"
Theo giới phân tích, vì hiện nhiều quyết định đầu tư đã được Buffett tin tưởng giao phó cho 2 cấp dưới là Ted Weschler và Todd Combs, phương hướng của Berkshire sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai.
Đến tận cuối năm 2018, danh mục vẫn tập trung vào ngành tài chính. Kể cả khi Apple trở thành cổ phiếu lớn nhất trong danh mục, ngành công nghệ vẫn lép vế trong danh mục của Berkshire và đó cũng là một trong những lý do khiến cổ phiếu này bị tụt lại so với S&P 500.
"Weschler và Combs được giao nhiệm vụ đánh bại thị trường nhưng họ không sở hữu những cổ phiếu nằm trong lĩnh vực đang có hiệu suất tốt nhất hiện nay", Shanahan nói. "Các cổ phiếu tài chính như Wells Fargo và U.S. Bank đã kéo lùi họ trong năm 2019 và 2020. Rất khó có để đánh bại thị trường khi bạn có quá nhiều cổ phiếu giá trị".
Do đó kể từ cuối năm 2018, danh mục của Berkshire đã có sự điều chỉnh. Tỷ trọng của các cổ phiếu tài chính giảm từ 49% xuống còn 28%, trong khi tỷ trọng của ngành công nghệ tăng lên mà phần lớn là nhờ Apple. Những cổ phiếu mới được thêm vào trong những năm gần đây là Amazon, T-Mobile và quý gần nhất là một loạt cổ phiếu y tế.
Danh mục của Berkshire gần đây đã sát với nền kinh tế mới hơn và gần với thị trường hơn. Chỉ trong quý III/2019, Berkshire đã công bố rót thêm 7 tỷ USD vào các vị thế mới trong các ngành công nghệ, viễn thông và y tế.
Và cái tên gây nhiều ngạc nhiên nhất chính là Snowflake. Vụ IPO lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực phần mềm cũng đánh dấu lần đầu tiên Berkshire đầu tư vào 1 vụ IPO ở Mỹ.
Trước đây Buffett không muốn đầu tư vào công nghệ vì ông nghĩ rằng mình không hiểu gì về lĩnh vực này. Nhưng giờ đây ngành này đã dễ hiểu hơn và "khó tránh". Tuy nhiên những công ty như Apple và Snowflake vẫn mang những phẩm chất mà Buffett mong muốn: được dẫn dắt bởi những người có tầm nhìn dài hạn và mong muốn có các cổ đông chất lượng cao.
Một động thái đáng chú ý khác của Buffett trong năm vừa qua là mua hơn 5% cổ phần tại các tập đoàn tài chính Nhật Bản, viện dẫn lý do mức giá ở thị trường Mỹ quá cao. Berkshire cũng phát hành trái phiếu niêm yết bằng đồng yên để tài trợ cho giao dịch. Trong quá khứ Berkshire rất hiếm khi đầu tư vào các cổ phiếu quốc tế.
Buffett cũng thoái vốn hoàn toàn khỏi ngành báo trong năm 2020. Dù điều này không quá ngạc nhiên nếu xét đến mức độ thua lỗ của ngành này nhưng đáng chú ý là trong quá khứ ông chưa bao giờ bán công ty mà mình đã thâu tóm. Có thể coi đó là dấu hiệu của thời kỳ mới, thời kỳ hậu Buffett mà một số triết lý bất di bất dịch sẽ được phép thay đổi.
Ngoài ra Berkshire còn lần đầu tiên đầu tư vào vàng – loại hàng hóa mà Buffett vẫn luôn chỉ trích.
Năm 1999, khoảng cách hiệu suất giữa Berkshire và chỉ số S&P 500 lên tới gần 40% nhưng nhà đầu tư coi đó là 1 tín hiệu để mua vào cổ phiếu này. Sau năm 1999, cổ phiếu Berkshire có chuỗi ngày đánh bại S&P 500 dài nhất trong lịch sử, liên tục tăng khoảng 30% trong nhiều năm trong khi S&P 500 giảm tới 40%. Đặc biệt nếu S&P 500 càng giảm mạnh thì cổ phiếu Berkshire càng tăng tốt.
Trong 1 báo cáo gần đây Barron’s đã kêu gọi nhà đầu tư "hãy mua cổ phiếu Berkshire sau thời kỳ dài để thua thị trường". Không biết có nhiều nhà đầu tư nghe theo lời khuyên này hay không, nhưng ít nhất có 1 nhà đầu tư lớn đã đặt cược như vậy trong năm 2020: Warren Buffett.
Tham khảo CNBC