Warren Buffett và Bill Gates cùng đồng ý rằng từ bỏ thói quen vô bổ này sẽ giúp bạn thay đổi cuộc đời, đạt được thành công vang dội
Việc duy trì những thói quen vô bổ hoặc mang lại rất ít lợi ích sẽ khiến bạn khó lòng tập trung để gặt hái thành công.
- 18-01-2019Bill Gates bị bắt gặp đứng xếp hàng mua đồ ăn nhanh, dân mạng băn khoăn tại sao ông không gọi ship
- 08-01-2019Giàu “nứt đố đổ vách” nhưng Bill Gates và Jeff Bezos vẫn chịu khó tự tay làm việc này, vậy mà không ít người lại đang coi nhẹ và lãng phí lợi ích cực lớn đằng sau nó
- 12-12-2018Những cuốn sách thay đổi cuộc đời, làm nên huyền thoại của người thành công: Warren Buffett hâm mộ “Nhà đầu tư tài ba”, Bill Gates chọn “Tính chân thực làm phương châm sống”
Thành công luôn đòi hỏi sự hy sinh và thời gian là một trong số đó. Tỷ phú huyền thoại Warren Buffet từng chia sẻ: "Thời gian là thứ duy nhất bạn không thể mua được. Tôi có thể mua bất kỳ thứ gì tôi muốn, nhưng thời gian thì không".
"Nhà hiền triết xứ Omaha" hoàn toàn đúng. Để theo đuổi những việc đem lại kết quả tích cực khi chỉ có 24 giờ trong một ngày, bạn phải từ bỏ một vài sở thích. Liệu bạn có nên xem thêm một tập phim yêu thích trên Netflix hay từ bỏ xem TV trong 2 tháng để có thể trồng được một khu vườn trong mơ hay không?
Đưa ra quyết định trong những trường hợp này không hề đơn giản. Nhưng tin tốt là chúng ta có thể sẵn sàng làm việc đó một cách tự nhiên. Một nghiên cứu năm 2009 của trường Tâm lý học của Đại học Adelaide chứng minh rằng con người "không có xu hướng giữ lại nhiều lựa chọn" nếu có những thứ đem lại kết quả lớn hơn số còn lại.
Tuy nhiên, khi phần thưởng không thật sự rõ ràng, chúng ta sẽ khó khăn hơn để từ bỏ chúng. Đó là lý do tại sao việc đánh giá cẩn thận hiệu quả của các hoạt động rất quan trọng. Bạn phải thật sự dành thời gian để phân tích chi phí cơ hội và những gì thu được từ mỗi hoạt động cũng như chọn ra thứ cần theo đuổi.
Hai "ông trùm kinh doanh" Bill Gates và Warren Buffett là những ví dụ kinh điển của việc xây dựng chiến lược từ bỏ một số thói quen để tập trung vào những thứ đem lại kết quả rõ ràng có thể giúp họ đạt được mục tiêu.
Phân tích hiệu quả của từng thói quen
Tình yêu của Bill Gates dành cho công nghệ giúp ông xây dựng nên công ty có giá trị hàng tỷ đồng ở hiện tại. Bill Gates không muốn bị phân tâm bởi những điều khác.
"Tôi không nghe nhạc và xem TV trong những năm 20 tuổi. Nghe có vẻ cực đoan, nhưng tôi làm việc đó vì tôi nghĩ chúng có thể làm tôi phân tâm khỏi việc nghĩ về các phần mềm", tỷ phú Bill Gates từng chia sẻ trên blog cá nhân.
Bill Gates áp dụng đúng những giá trị này khi trở thành cha mẹ. Ông không cho phép con của mình được sử dụng điện thoại di động trước năm 14 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình mà một đứa trẻ có chiếc điện thoại di động đầu tiên ở Mỹ là 10 tuổi. Bill Gates cũng áp dụng quy tắc "không dùng điện thoại" trong suốt bữa ăn gia đình.
"Nhà hiền triết xứ Omaha" Warren Buffett cũng là một người không muốn bị công nghệ làm phiền. Tỷ phú đầu tư không có chiếc máy tính nào trong văn phòng của mình. Trên thực tế, Buffett chỉ dùng một chiếc điện thoại nắp gập để không bị xao nhãng bởi Internet dù CEO Apple Tim Cook đã nhiều lần khuyên ông ấy sử dụng iPhone.
Những sở thích đem lại lợi nhuận
Những sở thích bên ngoài công việc của bạn nên luôn bắt nguồn từ đam mê. Nếu bạn tìm thấy niềm vui và phần thưởng thật sự từ những việc đó, hãy gắn bó với nó. Đơn giản, chỉ cần ngồi yên cũng đem lại những tác động tích cực cho não bộ của bạn. Nó giúp thúc đẩy tư duy sáng tạo, cải thiện khả năng ra quyết định và thậm chí kích thích bạn tìm ra những giải pháp đổi mới cho các vấn đề hiện hữu.
Với Warren Buffett, sở thích của ông là chơi cầu, một trò chơi đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn, chiến lược cũng như chiến thuật. "Đó là bài tập tối ưu nhất với trí tuệ. Bạn nhìn thấy những tình huống mới 10 phút/lần. Trò chơi này là một bài toán về tỷ lệ lãi lỗ. Bạn phải tính toán mọi lúc", Buffett chia sẻ.
Buffett cũng có niềm đam mê với đọc sách. Khi được hỏi về bí mật thành công tại một buổi nói chuyện ở trường kinh doanh Columbia, vị tỷ phú cầm một tập giấy dày và trả lời: "Đọc 500 trang sách như vậy mỗi ngày. Đó là cách tạo ra kiến thức. Nó được xây dựng, như lãi suất kép". Ngày nay, tỷ phú huyền thoại vẫn dành 80% thời gian mỗi ngày cho việc đọc sách.
Mỗi giờ đều đáng giá
Malcolm Gladwell từng giải thích trong quyển sách Những kẻ xuất chúng của mình về việc thành công của Bill Gates được xây dựng trên nguyên tắc 10.000 giờ. Nguyên tắc này đòi hỏi một người phải dành ít nhất 10.000 giờ thực hành để trở nên xuất chúng trong một kỹ năng nào đó. Với Bill Gates, đó chính là việc lập trình.
Hiển nhiên, đây là một khoảng thời gian rất dài. Không phải tất cả chúng ta đều có thể cam kết bỏ ra 10.000 giờ để trở thành bậc thầy trong một kỹ năng. Điều quan trọng ở đây là khi Bill Gates tìm thấy thứ mà ông yêu thích, ông sẽ dành trọn thời gian cho nó để thành thạo kỹ năng này và xây dựng một doanh nghiệp về lĩnh vực đó.
Bạn có thể đi theo bước chân của Bill Gates (tất nhiên là trong khả năng tốt nhất của mình) bằng việc tìm ra thứ gì đó mà bạn có tiềm năng trở thành chuyên gia. Sau đó, hãy chọn những hoạt động giúp bạn phát triển trong lĩnh vực đó.
Đừng quá căng thẳng
Bạn vẫn có thể tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống trong từng giờ đồng hồ. Đi ăn uống, đi mua sắm, dành trọn cuối tuần xem một bộ phim trên Netflix nếu những điều này làm bạn cảm thấy tốt hơn. Thực tế, Bill Gates chỉ không xem TV và nghe nhạc trong 5 năm.
Đây chỉ đơn giản là câu chuyện từ bỏ những thói quen khiến bạn kém hiệu suất hơn. Khi cảm thấy không còn cảm hứng, hãy nhớ đến những lời ca của Kenny Rogers rằng: "Bạn phải biết khi nào giữ chúng, khi nào xếp lại chúng, khi nào đi và khi nào phải chạy".
CNBC