Washington "vừa đánh vừa xoa" về Qatar?
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9-6 cáo buộc Qatar là một quốc gia tài trợ khủng bố “cấp cao”.
- 09-06-2017Qatar, gã nhà giàu cô độc!
- 09-06-2017Thực chất cuộc chiến ngoại giao giữa Qatar và Ả-rập xê-út là gì?
- 08-06-2017Tình hình lao động Việt Nam tại Qatar vẫn ổn định
- 08-06-2017Qatar - Quốc gia lạ kỳ
- 07-06-2017Căng thẳng ngoại giao leo thang, TTCK Qatar rung lắc chưa từng thấy
"Quốc gia Qatar thật không may có lịch sử tài trợ khủng bố ở một cấp độ rất cao. Vì vậy, chúng ta phải quyết định. Chúng ta sẽ lựa chọn con đường dễ dàng hay con đường khó khăn nhưng cần thiết? Chúng ta phải ngăn chặn nguồn tài trợ của khủng bố. Tôi đã quyết định… thời khắc ngăn chặn Qatar tài trợ khủng bố đã đến" – Tổng thống Donald Trump tuyên bố tại Nhà Trắng.
Vị tổng thống Mỹ nói thêm rằng ông đã hỗ trợ kế hoạch hành động với Qatar cùng các nhà lãnh đạo Ả Rập sau hội nghị thượng đỉnh gần đây ở thủ đô Riyadh - Ả Rập Saudi.
Tuy nhiên, theo Reuters, một quan chức cấp cao Mỹ hồi tuần trước cho biết trong suốt chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tại thủ đô Riyadh vào tháng trước, Ả Rập Saudi hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) không hề đánh tiếng rằng họ sẽ cắt đứt quan hệ với Qatar.
Hàng loạt quốc gia Trung Đông đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa Qatar. Hôm 9-6 tình hình tiếp tục "nóng" lên khi các quốc gia Ả Rập đưa ra hàng loạt số liệu nói rằng Qatar có liên hệ với khủng bố trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Qatar, thông qua dự luật triển khai quân đội đến Qatar.
Cuộc khủng hoảng liên quan đến Qatar được xem là một thử thách ngoại giao lớn đối với Mỹ. Washington có mối quan hệ đồng minh thân thiết với các quốc gia 2 phía.
Tổng thống Donald Trump đã điện đàm với lãnh đạo của các quốc gia quan trọng trong khu vực kể từ khi họ cắt đứt liên lạc với Qatar vào hôm 5-6. Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc nên cô lập Qatar hay đưa quốc gia này vào bàn đàm phán với những quốc gia Vùng vịnh khác.
Lầu Năm Góc nói rằng việc phong tỏa Qatar ảnh hưởng xấu đến các kế hoạch hoạt động dài hạn của Mỹ trong khu vực. Căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar là nơi đóng quân của hơn 11.000 binh lính Mỹ và các lực lượng đồng minh. Đây được xem là một căn cứ quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bày tỏ rằng ông hy vọng các bên sẽ tìm ra được hướng giải quyết khác. "Chúng tôi kêu gọi vương quốc Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập nới lỏng lệnh phong tỏa với Qatar" – ông Tillerson phát biểu tại Washington.
Trước những phát biểu dường như không nhất quán giữa tổng thống và ngoại trưởng Mỹ, một quan chức cấp cao Nhà Trắng khẳng định với Reuters rằng hai ông Donald Trump và Tillerson "cùng quan điểm". "Mỹ muốn một giải pháp cho tình hình nhưng cũng muốn nhấn mạnh những nguyên tắc mà tổng thống đưa ra ở Riyadh" - người này nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, đã mô tả hành động của các nước làng giềng Ả Rập và những quốc gia khác là "vi phạm luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế".
Đáp lại, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hôm 9-6 khẳng định Qatar "hỗ trợ chủ nghĩa cực đoan", đồng thời kêu gọi quốc gia này "kiểm tra lại các chính sách trong khu vực". Cùng ngày, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ai Cập và Bahrain thêm 59 người vào danh sách khủng bố, trong đó có 18 người Qatar.