MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WB: Chính sách hậu dịch Covid-19 phải tạo sức bật cho tăng trưởng dài hạn

WB cho rằng Chính phủ nên tập trung khôi phục những lĩnh vực, hoạt động có thể tạo ra việc làm, cải thiện được năng suất và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong dài hạn.

Báo cáo về giải pháp phục hồi kinh tế Việt Nam do WB vừa công bố khuyến nghị Chính phủ nên tập trung vào những hoạt động, lĩnh vực có thể tạo ra việc làm, cải thiện được năng suất và tốc độ tăng trưởng trong dài hạn, như cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo, y tế và giáo dục. Những yếu tố này cần thiết cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

WB: Chính sách hậu dịch Covid-19 phải tạo sức bật cho tăng trưởng dài hạn - Ảnh 1.

WB cho rằng đảm bảo việc làm cho người lao động nên là ưu tiên hàng đầu trong chính sách khôi phục kinh tế hậu dịch Covid-19. Ảnh: ILO.


Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ có thể áp dụng một số công cụ chính sách đã được xây dựng, như tăng chi ngân sách nhưng cần tránh vay nợ quá mức, làm tăng gánh nặng nợ công.WB cho rằng đảm bảo việc làm cho người lao động nên là ưu tiên hàng đầu trong chính sách điều hành hậu dịch Covid-19 của Chính phủ. Điều này không chỉ giúp kích thích cả tổng cung và cầu mà còn tạo sự gắn bó và đoàn kết trong cộng đồng.

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cho thấy khoảng 25% doanh nghiệp hội viên phải cắt giảm lao động hoặc giảm lương, khoảng 60% doanh nghiệp áp dụng chế độ giờ làm linh hoạt hoặc giảm giờ làm, đào tạo cho người lao động.

Theo đó WB khuyến nghị 4 danh mục hành động chính sách để phục hồi nhanh nền kinh tế trong vài tháng tới. Trước tiên, tối ưu hóa hiệu quả đầu tư công và coi đây là giải pháp kích thích tài khóa. Thứ nữa, ứng dụng tối đa việc chuyển đổi số nhằm giảm chi phí giao dịch cho cả Chính phủ và doanh nghiệp. Tiếp theo, bảo vệ, tạo việc làm và tăng cường nguồn vốn đầu tư cho nhân lực. Cuối cùng, hỗ trợ hoạt động khu vực tư nhân nhưng phải tập trung vào lĩnh vực bị thiệt hại nhiều nhất bởi Covid-19.

Thông thường, Chính phủ sử dụng gói tài khóa để kích thích chi tiêu, đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Việc này không chỉ giúp cơ quan quản lý chủ động lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ ưu tiên mà còn mang lại tác động kép cho nền kinh tế. WB tính toán, nếu giải ngân đầu tư công tăng thêm 10% thì GDP sẽ tăng trưởng tương ứng thêm 0,6%. Chưa kể, chính sách tài khoán được đảm bảo bền vững, việc phân bổ ngân sách có hiệu quả sẽ kéo theo hiệu quả công trình công cộng được nâng cao. Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy tiến độ, hoàn thành dự án đầu tư công đã được phê duyệt thay vì đầu tư mới. WB cho rằng cách tiếp cận thận trọng như vậy sẽ đảm bảo thâm hụt ngân sách vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của Quốc hội và không tạo ra tác động lấn lướt của hoạt động đầu tư công mà vẫn khuyến khích khu vực tư nhân mở rộng đầu tư.

Đây là lý do WB khuyến nghị Chính phủ tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ đầu tư và đảm bảo dòng vốn sẽ chảy vào những dự án có tiềm năng, đóng góp lớn nhất vào quá trình phục hồi kinh tế và tạo nhiều việc làm mới.

Ngoài ra, việc phân bố các dự án đầu tư công cần tính đến sự khác biệt giữa thành thị - nông thôn và có ưu tiên cho khu vực bị ảnh hưởng lớn nhất, ví dụ như Đồng bằng Sông Cửu Long, những tỉnh khó khăn nhất và những đô thị đông dân cư.

Trong giai đoạn mới của đầu tư công, cần lồng ghép các nguyên tắc tăng trưởng bền vững, như thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng bao trùm hơn, bình đẳng giới... trong quá trình thiết kế đầu tư.

Một lưu ý quan trọng khác về nguyên tắc đẩy mạnh đâu tư công là kết hợp các dự án đầu tư có quy mô lớn với dự án nhỏ để tạo tính lan toả trong cộng đồng. Bởi, trong lộ trình phục hồi kinh tế hậu dịch Covid-19, một trong những nhiệm vụ cốt lõi của cơ quan quản lý là tập trung vào các dự án lớn, tăng cường tính kết nối theo các trục giao thông xương sống và phát triển mạng lưới vận tải đa phương thức.

WB: Chính sách hậu dịch Covid-19 phải tạo sức bật cho tăng trưởng dài hạn - Ảnh 2.

Cải tạo đường băng tại hai sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài là những dự án được gợi ý nên thực hiện trong giai đoạn khôi phục nền kinh tế hậu dịch Covid-19 này. Ảnh: Zing


Một số dự án được gợi ý như đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án như xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, phát triển hệ thống đường quốc lộ, mở rộng các sân bay, đường sắt đô thị tại TP HCM và Hà Nội, cải thiện giao thông công cộng, tính kết nối vận tải quanh những cảng lớn như Cái Mép-Thị Vải và Lạch Huyện... Hoạt động này tạo ra tác động cấp số nhân về việc làm trực tiếp, gián tiếp, tăng cường tính kết nối cơ bản, kích cầu cho các nhà thầu địa phương và thúc đẩy hoạt động sản xuất trở lại của các nhà máy.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên