WB: Dư địa tài khóa của Việt Nam đang thu hẹp
Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 10/2020 của World Bank (WB) đã đề cập đến tình trạng dư nợ cho vay tăng thấp và dư địa tài khóa nay đã hẹp lại.
- 20-10-2020Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý đặc biệt về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp có thể chạm trần
- 20-10-2020Hành trình khách hàng được trải rộng nhờ ngân hàng đổi mới số
- 20-10-2020SSI Research: Lãi suất sẽ đi ngang hoặc giảm 10-30 điểm cơ bản
Dư nợ cho vay tăng trưởng ở mức khiêm tốn
Theo báo cáo, WB nêu tăng trưởng tín dụng của Việt Nam tiếp tục ở mức thấp trong tháng 9 với tốc độ 10,2% (so với cùng kỳ năm trước) - giảm so với tốc độ tăng trưởng bình quân 16,2% trong 5 năm trước (Hình 7). Do tiền gửi của khách hàng tiếp tục tăng nhanh hơn, ở mức 12,4% so với tháng 9 năm 2019, thanh khoản vẫn dồi dào trên thị trường tài chính trong nước.
Các ngân hàng vẫn có thanh khoản với lượng tiền gửi dồi dào trên thị trường trong khi hấp thụ vốn của nền kinh tế kém hơn (nguồn biểu đồ: WB)
Theo báo cáo này, các ngân hàng ngần ngại cấp tín dụng là do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp giảm và rủi ro cao hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, cho dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nới lỏng các điều kiện cho vay trong những tháng gần đây. Nhận định này cũng sát sườn thực tế với nhiều phản ánh của chuyên gia, doanh nghiệp trên DĐDN do song song cùng siết chặt thẩm định tín dụng từ phía các ngân hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng và tâm lý thắt chặt chi tiêu nội địa trong khó khăn khiến các doanh nghiệp không thể tìm được đầu ra tiêu thu hàng, khó hấp thụ vốn.
"Tính đến tháng 9, nợ xấu theo báo cáo vẫn ở mức thấp (ước tính khoảng 1,63% tài sản của các ngân hàng), một phần là do quy định của NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số thông tin từ 17 ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy cả tỷ lệ nợ xấu và tỷ suất lợi nhuận ròng của các ngân hàng đều giảm dần trong những tháng gần đây, gây áp lực ngày càng lớn lên ngành ngân hàng", báo cáo đánh giá.
Dư địa tài khóa hẹp dần
Ở khu vực được cho là lợi thế của Việt Nam nhờ chính sách tài khóa, tiền tệ nhịp nhàng đã tích lũy, xây dựng bộ đệm tốt cho Việt Nam trong 3 năm qua, dư địa tài khóa hiện lại đang bị thu hẹp do chi tiêu đầu tư phát triển tăng mạnh và nguồn thu giảm.
Thu nhập và chất lượng tài sản của các ngân hàng đều sẽ là vấn đề cần được theo dõi trong tương lai, dù rằng nợ xấu vẫn đang thấp trong kiểm soát (nguồn biểu đồ: WB)
Cũng theo báo cáo của WB, kể từ đầu cuộc khủng hoảng COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã chuyển từ chính sách tài khóa thắt chặt sang ngược chu kỳ, với mục tiêu hạn chế chi phí ngắn hạn đối với nền kinh tế và kích thích phục hồi. Do đó, tổng thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm 2020 giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời, chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2020 tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này được lý giải một phần là do tốc độ giải ngân đã được cải thiện tích cực, chiếm 57,2% tính đến tháng 9 năm 2020 (số liệu giải ngân năm 2019 là 45,1%).
Với thanh khoản dồi dào trên thị trường trong nước, Kho bạc Nhà nước đang vay trong nước với lãi suất hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu vốn của Chính phủ. Tính đến thời điểm hiện tại, Kho bạc đã huy động được hơn 236,34 nghìn tỷ đồng từ thị trường trong nước. Trong phiên đấu giá gần đây nhất vào đầu tháng 10, lãi suất trung bình là 2,66%, giảm 0,3% so với phiên đấu giá trước đó vào ngày 30 tháng 9, cho các kỳ hạn từ 15 đến 30 năm.
Vì những nội dung trên, WB khuyến nghị cần theo dõi với nội dung: Trong tương lai, sự phục hồi kinh tế dường như đang được củng cố và trở nên sâu rộng hơn, cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 2,5-3,0% vào năm 2020. Do những bất ổn trong bối cảnh trong nước và quốc tế, cần quan tâm nhiều hơn đến việc giảm thiểu rủi ro mà lĩnh vực tài chính công và khu vực tài chính đang phải đối mặt.
Tuy vậy, trong bản báo cáo của mình, WB vẫn giữ những quan điểm lạc quan về đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam với triển vọng phục hồi nhanh và điểm sáng giữ vững an toàn, tiếp tục là một trong những quốc gia đạt tăng trưởng trong bối cảnh COVID-19.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá cơ hội phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn của Việt Nam trong tương lai khi Chính phủ đã linh hoạt với những quyết sách và đang tích cực thúc đẩy thêm các chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt nhất, rút kinh nghiệm từ cả những chương trình hỗ trợ đã ban hành trong đại dịch trước đây.
Trong "Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 5 năm (2016 - 2020), dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ 5 năm (2021-2025)", Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 tăng 6%. Điều đó, cũng đồng nghĩa là tín hiệu cho các chính sách tiền tệ và tài khóa trong năm 2021 sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ với tỷ lệ về giải ngân đầu tư công lẫn tăng trưởng dư nợ cho vay tích cực hơn, vừa củng cố thêm bộ đệm lại vừa phát huy các dư địa và hỗ trợ nền kinh tế tối đa trong thời bình thường mới.
Diễn đàn Doanh nghiệp