MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WB: Suy giảm trong ngành bất động sản có thể làm giảm tăng trưởng ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

WB: Suy giảm trong ngành bất động sản có thể làm giảm tăng trưởng ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

Liên quan đến những rủi ro trong tăng trưởng khu vực, các chuyên gia cho rằng, suy giảm trong ngành bất động sản, giả định tương đương với mức giảm 10 điểm phần trăm được dự báo trong tốc độ tăng đầu tư nhà ở từ năm 2020 đến năm 2022, có thể làm giảm tăng trưởng ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đến 0,3 điểm phần trăm trong năm nay.

30 triệu người được dự báo sẽ thoát nghèo trong năm 2022

Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, sau ảnh hưởng nặng nề của làn sóng biến chủng Delta vào quý 3/2021, quá trình phục hồi kinh tế được khôi phục ở hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong quý 4/2021 và tiếp tục trong quý 1/2022, bất chấp biến chủng Omicron bùng phát.

Các quốc gia trong khu vực tăng trưởng bình quân 7,2% và dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 5% trong năm 2022. Tuy nhiên, phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia và các lĩnh vực. Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam đã vượt mức sản lượng trước đại dịch, trong khi Campuchia, Malaysia, Philippines và Thái Lan được kỳ vọng sẽ đạt được điều này trong năm 2022.

Trong khi các ngành như nông nghiệp, tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông có khả năng chống chịu tốt, sản lượng ở các ngành vận tải, lưu trú và ăn uống vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch.

Năm 2021 chứng kiến tỷ lệ nghèo không giảm tại các quốc gia trừ Trung Quốc, nhưng đến năm 2022, 30 triệu người được dự báo sẽ thoát nghèo (tính theo ngưỡng nghèo dành cho quốc gia thu nhập trung bình cao ở mức 5,50 USD/ngày, ngang giá sức mua năm 2011).

WB: Suy giảm trong ngành bất động sản có thể làm giảm tăng trưởng ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Những rủi ro tăng trưởng mới: 3 diễn biến quốc tế

Theo các chuyên gia WB, thắt chặt tài chính, đặc biệt tại Hoa Kỳ, thay đổi trong tốc độ tăng trưởng và cơ cấu hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở Trung Quốc, và chiến tranh ở Ukraine, đang định hình môi trường kinh tế đối ngoại của các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương.

WB: Suy giảm trong ngành bất động sản có thể làm giảm tăng trưởng ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi nhanh nhờ gói kích cầu đã góp phần tăng lạm phát. Thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến để ứng phó có thể khiến quá trình phục hồi tại các quốc gia khác diễn ra khó khăn hơn. Điều kiện tài chính tại Hoa Kỳ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, nhất là các quốc gia như Malaysia hiện đang dựa nhiều vào dòng vốn ngắn hạn.

Rủi ro dòng vốn tháo chạy, một yếu tố có thể gây áp lực lên đồng nội tệ, có thể dẫn đến phải thắt chặt điều kiện tài chính quá sớm. Cú sốc chính sách tiền tệ tại Hoa Kỳ, với giả định lãi suất tăng ít nhất 25 điểm phần trăm, có khả năng cao sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng tại các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương, ở mức từ -0,4 điểm phần trăm tại Malaysia đến -0,7 điểm phần trăm tại Thái Lan.

Tăng trưởng được dự báo sẽ chững lại ở Trung Quốc do cơ cấu kinh tế và thay đổi trong quản lý nhà nước, và ở Hoa Kỳ do tính chất chu kỳ. Chính vì vậy, cả hai quốc gia này dự kiến sẽ đóng góp ít hơn cho tăng trưởng toàn cầu trong các năm 2022 và 2023 so với năm 2021 – là năm sản lượng phục hồi sau khi bị suy giảm do COVID.

Tuy nhiên, mức đóng góp tuyệt đối của Trung Quốc và Hoa Kỳ cho tăng trưởng ước tính vẫn lớn tương đương như các năm trước khi có COVID. Một phần trăm giảm tăng trưởng của Hoa Kỳ ước tính sẽ có tác động đến khu vực Đông Á - Thái Bình Dương lớn hơn (0,4 điểm phần trăm) so với tác động của mức giảm tăng trưởng tương đương của Trung Quốc (0,3 điểm phần trăm).

Các cú sốc riêng đối với hoạt động kinh tế Trung Quốc có khả năng cao cũng sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương đang có hoạt động thương mại đang ngày càng hướng đến thị trường này. Ngành xây dựng, bị hạn chế do các nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính, ngành công nghiệp bị hạn chế bởi các nỗ lực giảm khí thải, và ngành dịch vụ bị hạn chế bởi các nỗ lực kiểm soát COVID-19 và các nhà cung cấp dịch vụ độc quyền, đều là những điểm đến quan trọng của giá trị gia tăng từ khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Suy giảm trong ngành bất động sản, giả định tương đương với mức giảm 10 điểm phần trăm được dự báo trong tốc độ tăng đầu tư nhà ở từ năm 2020 đến năm 2022 có thể làm giảm tăng trưởng ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đến 0,3 điểm phần trăm trong năm 2022.

Riêng chính sách zero-COVID của Trung Quốc, với giả định có tác động tương đương với tác động của cú sốc biến chủng Delta đến tiêu dùng ở Trung Quốc chỉ trong một quý năm 2022, có thể làm giảm tăng trưởng ở Đông Á - Thái Bình Dương 0,14 điểm phần trăm.

Các cú sốc phát sinh từ chiến tranh ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan có thể ảnh hưởng đến khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, cụ thể nhất là làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa, cũng như gia tăng căng thẳng tài chính và giảm niềm tin toàn cầu. Sự phụ thuộc trực tiếp của khu vực vào Nga và Ukraine thông qua xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và vốn chỉ ở mức hạn chế.

Tuy nhiên, chiến tranh và các biện pháp trừng phạt có khả năng cao sẽ làm tăng giá lương thực và nhiên liệu thế giới, ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng và tăng trưởng. Chẳng hạn, tỷ lệ người nghèo ở Philippines có thể tăng thêm 1 điểm phần trăm, tương đương 1,1 triệu người, tính theo ngưỡng nghèo cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,2 USD/ngày), nếu giá ngũ cốc tăng bình quân 10% trong năm.

Thu nhập quốc dân thực tế của các quốc gia nhập khẩu hàng hóa như Campuchia và Thái Lan có thể giảm 0,7 điểm phần trăm nếu giá nhiên liệu tăng bình quân 10% trong năm. Hơn nữa, với áp lực lạm phát toàn cầu vốn đã gia tăng, tác động bổ sung của chiến tranh có lẽ không chỉ mang tính chất tạm thời và có thể phá vỡ việc neo kỳ vọng lạm phát.

WB nhận định, 3 cú sốc trên vừa triệt tiêu vừa củng cố cho nhau. Một mặt, cú sốc tài chính xuất phát từ chiến tranh ở Ukraine có thể khiến Hoa Kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ chậm hơn dự kiến bất chấp áp lực lạm phát lớn hơn. Tương tự, giá cả hàng hóa tăng cao do chiến tranh gây ra có thể bù lại đà giảm giá do ngành bất động sản của Trung Quốc đang suy giảm, mặc dù các hàng hóa bị tác động có thể không giống nhau.

Mặt khác, mỗi cú sốc đều ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng toàn cầu thông qua gây hại cho hoạt động kinh tế ở các quốc gia chịu tác động trực tiếp cũng như các quốc gia chịu tác động gián tiếp còn lại. Tăng trưởng của các nước G7 giảm 0,9% sẽ làm nhu cầu đối với xuất khẩu của các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương yếu đi, và dẫn đến giảm tăng trưởng bình quân trong khu vực đến 0,6%.

Những cú sốc trên có thể làm trầm trọng hơn những khó khăn đang tồn tại sau dịch COVID. Doanh nghiệp trong khu vực vốn đã khó khăn, với trên 50% cho biết có khả năng rơi vào tình trạng nợ đọng trong năm 2021 sẽ tiếp tục bị tác động mạnh bởi những cú sốc mới về cung và cầu.

Các hộ gia đình, với 8 triệu người dân bị tái nghèo trong đại dịch, sẽ phải chứng kiến thu nhập thực giảm hơn nữa khi giá cả tăng vọt. Cảnh nghèo ở cấp độ kinh tế vi mô sẽ còn phải đương đầu với những khó khăn ở cấp độ kinh tế vĩ mô.

Các chính phủ mang nợ, có tỷ lệ nợ trên GDP tăng 10 điểm phần trăm từ năm 2019, sẽ càng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ kinh tế. Thắt chặt tài chính và lạm phát gia tăng, ít nhất một điểm phần trăm cao hơn so với dự báo trước đó riêng chỉ do cú sốc giá dầu, càng thu hẹp khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ.

Các ngân hàng có nhiều nguy cơ, với tỷ lệ tín dụng trên GDP tăng thêm 10% so với trước đại dịch, sẽ còn phải đương đầu với những khó khăn tài chính mới và rủi ro cao hơn với các khoản cho vay.

Một số quốc gia có khả năng chống chịu tốt hơn so với các quốc gia khác

Mặc dù vậy, một số quốc gia trong khu vực có khả năng chống chịu tốt hơn so với các quốc gia khác khi phải đối mặt với các cú sốc này, do đặc trưng và quan điểm thận trọng trước đó của họ. Các quốc gia xuất khẩu hàng hóa, như Indonesia và Malaysia, có thể hấp thụ tác động tăng giá quốc tế dễ dàng hơn so với các quốc gia nhập khẩu hàng hóa, như Fi-ji và Thái Lan.

Các quốc gia thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ kiềm chế ở những giai đoạn đầu của đại dịch còn dư địa chính sách để chống chọi với cú sốc. Ví dụ, Trung Quốc giảm bội chi ngân sách cơ cấu đến 2,6 điểm phần trăm GDP trong năm 2021, qua đó tạo điều kiện cho họ lên kế hoạch tăng thêm 2,8% trong năm 2022 để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Song, báo cáo kết luận, tất cả các quốc gia trong khu vực, do mức độ mở cửa về thương mại và tài chính, sẽ phải đối mặt với những rủi ro kinh tế nghiêm trọng nếu điều kiện toàn cầu xấu đi đáng kể. Tăng trưởng của khu vực năm 2022 có thể giảm từ mức 5,4% theo dự báo trong báo cáo Cập nhật kỳ tháng 10/2021 xuống 5% theo kịch bản cơ sở hiện tại và thậm chí xuống 4,4% theo kịch bản xấu.

https://cafef.vn/wb-suy-giam-trong-nganh-bat-dong-san-co-the-lam-giam-tang-truong-o-khu-vuc-dong-a-thai-binh-20220406212129903.chn

Hà Trần

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên