MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WB: Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về thu hút vốn FDI

Năm 1987 là một dấu mốc lịch sử đối với Việt Nam, khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chính thức được Quốc hội thông qua lần đầu tiên.

Sau 30 năm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, từ một nước nghèo, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình trong khu vực và là một trong những nơi thu hút vốn nước ngoài mạnh mẽ nhất.

Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với bài toán khó về việc làm thế nào để tận dụng vốn FDI một cách hiệu quả nhất mà vẫn hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của dòng vốn này đối với nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

- Ông đánh giá như thế nào về bức tranh thu hút và những tác động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với kinh tế Việt Nam trong 30 năm qua?

Ông Sebastian Eckardt: Trong 30 năm qua, Việt Nam đã khá thành công trong việc thu hút FDI và nguồn vốn này đã đóng góp cho nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Trong đó phải kể đến vai trò của FDI với quá trình công nghiệp hóa đất nước.

Bởi Việt Nam có lượng FDI đầu tư nhiều vào lĩnh vực chế tạo, góp phần xây dựng năng lực sản xuất tại một loạt ngành nghề như điện tử cùng nhiều ngành công nghiệp truyền thống khác như may mặc và giày dép…

Ngoài ra, dòng vốn FDI cũng là yếu tố hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tốt hơn. FDI giúp kiến tạo thêm hàng trăm ngàn việc làm có hiệu suất cao cùng mức lương hấp dẫn.

Những công việc này có thể được tạo ra một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp, thông qua việc đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ dịch vụ xây dựng, hoặc thậm chí là những nông sản được sử dụng để cung cấp cho các nhà máy.

[Triển vọng FDI 2018 và một số điểm sáng về thu hút vốn đầu tư]

Do đó, tôi cho rằng, thu hút FDI là một mảnh ghép rất thành công trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong vòng 3 thập kỷ qua.

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam so với các nước trong khu vực?

Ông Sebastian Eckardt: Việt Nam đã và sẽ là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về khả năng thu hút FDI. Điều này thể hiện qua tỷ lệ đóng góp của dòng vốn này vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế.

Hiện có khoảng 12.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các doanh nghiệp FDI không chỉ góp phần vào quá trình sản xuất mà còn giới thiệu thêm những sản phẩm mới vào Việt Nam. Vì thế, phải nói rằng Việt Nam đã khá thành công trong việc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Mặc dù vậy, có một lưu ý quan trọn: vẫn có nhiều nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam hiện được phân bổ tới những ngành nghề sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp, thuộc khâu lắp ráp cuối cùng. Vì thế, khi nhìn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh vì Việt Nam chỉ đang đóng vai trò là nơi lắp ráp cuối cùng.

Tôi cho rằng Việt Nam cần chuyển hướng sang thu hút FDI vào những phân khúc cao hơn, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, và đặc biệt là chú trọng vào sản xuất những thành phẩm có giá trị lớn.

Để làm được điều đó, Việt Nam có thể tập trung vào đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), hoặc những dòng chảy thuận chiều, ví dụ như tiếp thị và phát triển thương hiệu. Điều này sẽ giúp làm tăng thêm giá trị và tạo ra lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế.

Việt Nam đã gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu một cách thành công. Đến nay, tiến trình này vẫn đang phát triển với tốc độ nhanh hơn không chỉ những nước khác trong khu vực, mà còn so với cả những nền kinh tế có chung mức thu nhập.

Việt Nam cần nâng cao tính cạnh tranh thông qua việc đầu tư vào phát triển các kỹ năng và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối, bởi vì các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay được vận hành theo hướng rất chặt chẽ và kịp thời.

Do đó, nền tảng cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được những yêu cầu đó, cả về mặt hữu hình, (ví dụ như hệ thống cảng biển, đường sắt và mạng lưới giao thông) và hạ tầng về mặt vô hình (ví dụ như quy trình xử lý các thủ tục hải quan, hành chính).

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là đầu tư vào con người. Việt Nam có lợi thế sở hữu lực lượng lao động tương đối trẻ, với một nửa dân số lao động dưới 35 tuổi.

Theo tôi, Việt Nam muốn cạnh tranh ở cấp độ cao hơn điều quan trọng là phải xây dựng một hệ thống đào tạo nghề tốt, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện để lao động trong nước thực hiện những công việc mang lại giá trị cao hơn. Đây là điều cốt lõi mà Việt Nam cần lưu tâm trong thời gian tới.

- 30 năm qua, Việt Nam đã tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được trong cải thiện môi trường đầu tư? Và đâu là những thách thức trong vấn đề này?

Ông Sebastian Eckardt: Việt Nam đã tận dụng những lợi thế thông qua việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đưa ra những chính sách tự do hoá thương mại và nỗ lực ký kết rất nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương khác.

WB: Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về thu hút vốn FDI - Ảnh 1.

Sản xuất linh kiện cơ khí tại Công ty Misumi Việt Nam - Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Số hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với các đối tác nhiều hơn tất cả các nền kinh tế Đông Á khác (trừ Singapore). Vì thế, có thể coi đây là một trong số những nền kinh tế mở cửa nhất.

Ngoài ra, Việt Nam đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, thông qua việc hạn chế những rào cản đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thuế và cải thiện hệ thống quản lý thuế cũng như quy trình xử lý các thủ tục hải quan… Có thể nói, đây chính là những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công về thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn còn những hạn chế trong môi trường đầu tư kinh doanh cần cải thiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô nói chung và thu hút FDI nói riêng.

Hiện Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên đẩy lùi nạn quan liêu, cũng như tinh giản các thủ tục để xoá bỏ những bước không cần thiết được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Ngoài ra, tôi cho rằng, Việt Nam cần có các chính sách đảm bảo tính hiệu quả và thân thiện với doanh nghiệp, để không gây ra những gánh nặng không đáng có cho họ.

- Thế giới đang bước vào kỷ nguyên 4.0, Việt Nam đang đứng trước thách thức làm sao thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu về công nghệ thông tin. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút dòng đầu tư này?

Ông Sebastian Eckardt: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra những tác động sâu rộng đến một vài ngành công nghiệp mà trước đây Việt Nam từng rất thành công.

Để tận dụng được cuộc cách mạng này, theo tôi Việt Nam cần đầu tư vào con người và phát triển các kỹ năng cần thiết. Việt Nam cần đào tạo được những nhân công với kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu việc làm, trao cho họ cơ hội hợp tác với máy móc, hơn là cạnh tranh với chúng.

Vì thế, tôi cho rằng việc đầu tư vào giáo dục đào tạo, đặc biệt là các môn công nghệ khoa học và toán học, là chìa khóa để thu hút dòng vốn FDI trong kỷ nguyên kỹ thuật số, bởi vì đây sẽ là những kỹ năng được tìm kiếm trong tương lai.

- Xin trân thành cảm ơn ông!./.


Theo Phương Nga

Vietnam+

Trở lên trên