MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WHO, CDC: Tiêm phòng cúm năm nay là vô cùng cần thiết, "sẽ cứu sống được nhiều sinh mạng"

25-08-2020 - 11:37 AM | Sống

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC Mỹ kêu gọi người dân nên chủng ngừa bệnh cúm nhằm tránh nguy cơ “dịch bệnh kép” tấn công.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhận định việc tiêm vắc-xin ngừa bệnh cúm trong năm nay là rất quan trọng. Theo WHO, dịch cúm tại nam bán cầu như ở Australia, New Zealand, Argentina, Chile, Nam Phi và Zimbabwe đang diễn biến ít phức tạp.

Trong khi tại khu vực bắc bán cầu gồm: Bắc Mỹ, châu Âu và phần lớn châu Á, tình hình dịch bệnh này lại cần được thận trọng theo dõi.

Nhà dịch tễ học, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove - Chuyên gia hàng đầu của WHO về COVID-19, cho biết, Hệ thống Giám sát và Ứng phó toàn cầu đang được kích hoạt với cả dịch cúm và COVID-19 tại các nước. Hệ thống này thu thập các mẫu bệnh phẩm của người mắc các bệnh về đường hô hấp (giống cúm) trên khắp thế giới để xét nghiệm virus.

WHO, CDC: Tiêm phòng cúm năm nay là vô cùng cần thiết, sẽ cứu sống được nhiều sinh mạng - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia vẫn đang tiếp tục xét nghiệm bệnh cúm, trong hai tuần qua, đã có 300.000 mẫu được xét nghiệm, trong đó chỉ có 37 trường hợp dương tính với virus cúm, "nên có thể thấy tỷ lệ mắc cúm đang ở mức thấp", theo tiến sĩ Maria.

Nhà dịch tễ học này cho rằng điều này có thể vì nhiều lý do. Ở nam bán cầu, nơi đang trong mùa cúm, việc thực hiện nhiều biện pháp y tế cộng đồng để chống COVID-19 có thể đã giúp ngăn chặn luôn cả dịch cúm.

Tiến sĩ Maria bình luận: "Tôi nghĩ chúng ta nên thận trọng khi đưa ra đánh giá về những gì có thể xảy ra ở bắc bán cầu vì nhiều lý do".

Chuyên gia của WHO lý giải, trước hết, các hệ thống giám sát toàn cầu cần tiếp tục chú trọng đến cả hai dịch bệnh là COVID-19 và cúm. Đồng thời, người dân cần tiêm ngừa cúm khi vắc-xin có sẵn.

Do rất khó để phân biệt các triệu chứng của COVID-19 với bệnh cúm, nên việc chủ động tiến hành xét nghiệm là điều cần thiết, bà Maria cho hay.

Tiến sĩ Maria chia sẻ: "Dù tình hình dịch bệnh có thể phức tạp nhưng bệnh cúm vẫn được chẩn đoán nhờ một số công cụ nhất định. Vì vậy, việc chủng ngừa ngay khi vắc-xin cúm có sẵn là điều vô cùng cần thiết".

WHO, CDC: Tiêm phòng cúm năm nay là vô cùng cần thiết, sẽ cứu sống được nhiều sinh mạng - Ảnh 2.

Uớc tính mỗi năm có khoảng 1 tỷ người mắc cúm trên thế giới, trong đó có từ 3 đến 5 triệu ca nặng và 650.000 trường hợp không qua khỏi, theo số liệu của WHO.

Cúm là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mỗi năm tại Mỹ. Từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính có đến 56 triệu người Mỹ nhiễm cúm trong đó có 740.000 ca nhập viện điều trị và 62.000 ca tử vong.

Hồi tháng 6, bác sĩ Robert Redfield - Giám đốc CDC Mỹ cho rằng việc tiêm phòng cúm trong năm nay "sẽ cứu sống được nhiều sinh mạng".

Theo bác sĩ Bruce Aylward, cố vấn cao cấp của WHO, đại dịch COVID-19 sẽ tấn công bắc bán cầu khi nhiều nơi sắp bước vào mùa cúm. Phần lớn nguồn lực y tế được dồn vào điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng vốn từ nguồn sẵn có để đối phó với bệnh cúm.

"Điều đó giải thích tại sao việc gia tăng tỷ lệ tiêm phòng cúm trong năm nay lại rất quan trọng. Vì chúng ta cần tận dụng tối đa nguồn lực để ứng phó với đại dịch COVID-19", ông Aylward nói.

Ngay cả trẻ em cũng nên được tiêm ngừa bệnh cúm. Học viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến nghị tất cả trẻ từ trên 6 tháng tuổi nên chủng ngừa cúm trong năm nay.

Lo ngại nguy cơ "dịch bệnh kép" (COVID-19 và cúm) có thể xuất hiện, giới chức nhiều nước đang ra sức chuẩn bị nguồn cung vắc-xin cúm cũng như vận động người dân đi tiêm ngừa. Vừa qua, CDC Mỹ đã kêu gọi toàn thể người dân Mỹ đi chủng ngừa cúm trong mùa thu này để tránh "đại dịch kép" xảy ra.

Nếu mọi năm CDC Mỹ chỉ mua 500,000 liều vắc-xin cúm mùa cho người lớn thì nay con số đã tăng lên là 9,3 triệu liều kèm với hơn 2 triệu liều cho trẻ nhỏ - cho thấy "dịch bệnh kép" thực sự là mối quan ngại sâu sắc của ngành y tế Mỹ ngay thời điểm này!

Bác sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cũng kêu gọi mọi người nên đi tiêm phòng cúm, "để ít nhất có thể giảm thiểu tác động của một trong hai dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp".

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã tiến hành chiến dịch vận động người dân đi tiêm phòng bệnh cúm. Tháng trước, ông đã chỉ trích những người phản đối tiêm vắc-xin cúm là "dở hơi" và công bố đợt triển khai vắc-xin cúm lớn nhất từ ​​trước đến nay tại Anh.

Vắc-xin chủng ngừa cúm hiếm khi bị yêu cầu tiêm bắt buộc ở Mỹ, ngoại trừ tại một số cơ sở chăm sóc sức khỏe và trường mẫu giáo, nhưng trong tháng này, hệ thống Đại học California trên toàn tiểu bang đã ra thông báo yêu cầu tất cả 230.000 nhân viên và 280.000 sinh viên phải chủng ngừa cúm trước ngày 1 tháng 11.

Nguồn: CNN, NYT, NBC News

Theo Lê Huy

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên