MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WHO lần đầu tiên đưa ra định nghĩa chính thức và cảnh báo mức độ nguy hiểm của hội chứng Covid-19 kéo dài

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên đưa ra định nghĩa chính thức về hội chứng Covid-19 kéo dài (long Covid).

Theo hãng tin CNBC, WHO gọi Covid kéo dài là "tình trạng hậu Covid-19" – một cái tên được đưa vào "Phân loại bệnh quốc tế" của WHO. 

WHO định nghĩa về hội chứng Covid-19 kéo dài như sau:

"Điều kiện hậu Covid-19 xảy ra ở những cá nhân có lịch sử nghi nhiễm hoặc đã được xác nhận nhiễm Sars-CoV2, thường ở thời điểm 3 tháng sau khi khởi phát Covid-19, với những triệu chứng kéo dài trong ít nhất 2 tháng, và không thể lý giải bằng một chẩn đoán thay thế.

Những triệu chứng phổ biến bao gồm mệt mỏi, thở gấp, rối loạn nhận thức, và còn có các triệu chứng khác… nhìn chung ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng có thể mới xuất hiện, tiếp sau một đợt phục hồi ban đầu sau một giai đoạn bệnh Covid-19 nghiêm trọng, hoặc kéo dài từ lúc bị bệnh ban đầu. Các triệu chứng cũng có thể biến động hoặc trở đi trở lại theo thời gian".

Trước đây, WHO cho rằng, phải mất nhiều thời gian để đưa ra một định nghĩa về Covid-19 kéo dài vì có quá nhiều triệu chứng liên quan đến tình trạng này.

WHO cho biết, một định nghĩa riêng biệt về Covid-19 kéo dài có thể được đưa ra cho trẻ em.

Phát biểu ngày 6/10/2021, bác sỹ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO cho biết: 

"Trong nội bộ của WHO, đây là một vấn đề lớn đối với chúng tôi. Chúng ta cần cảnh giác, đại dịch này chưa chấm dứt và vẫn tiếp tục gây nhiễm bệnh, tiếp tục gây tử vong, và cũng tiếp tục gây ra những hậu quả lâu dài cho mọi người trên thế giới. Một lần nữa, những con số giảm xuống về Covid-19 mà chúng ta đang chứng kiến tiếp tục che giấu những vấn đề to lớn khác đáng nổi lên tại các quốc gia".

Ông Ryan gọi việc đưa ra định nghĩa về Covid-19 kéo dài là "một bước tiến lớn về phía trước", và nói thêm rằng, hiểu biết của WHO về tình trạng này vẫn đang phát triển và định nghĩa có thể thay đổi.

Hầu hết những người mắc Covid-19 đều có những triệu chứng chung bao gồm ho liên tục, sốt và thở gấp, rồi hồi phục sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, đối với một số người, các triệu chứng này có thể kéo dài lâu hơn, và đó chính là Covid-19 kéo dài.

WHO ước tính khoảng 10-20% bệnh nhân mắc Covid-19 trải qua các triệu chứng kéo dài suốt vài tháng sau khi mắc Covid-19. Các triệu chứng kéo dài có thể bao gồm mệt mỏi, thở gấp, sương mù não, và trầm cảm.

Giới chuyên gia y tế nhấn mạnh, Covid-19 kéo dài rõ ràng là một mối lo sức khoẻ cộng đồng, xét đến ảnh hưởng to lớn đối với xã hội, từ chi phí chăm sóc y tế gia tăng cho tới những tổn thất về kinh tế và năng suất lao động.

Đến thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp điều trị đã được chứng minh nào hay hướng dẫn hồi phục nào đối với người mắc Covid-19 kéo dài, cho dù hội chứng này tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và khả năng lao động của người mắc.

Một bài viết trên tạp chí y khoa The Lancet vào cuối tháng 8/2021 gọi Covid-19 kéo dài là "một thách thức lớn của y học hiện đại". Tháng 9/2021, tạp chí y khoa British Medical Journal đã tổ chức một cuộc hội thảo trực tuyến để thảo luận việc chẩn đoán, quản lý và tiên lượng Covid-19 kéo dài.

Các chuyên gia y tế tham dự hội thảo nhận định, "mệt mỏi nhiều" là triệu chứng phổ biến ở nhiều người bị Covid-19 kéo dài, bên cạnh những triệu chứng khác như đau cơ, đau người, tức ngực, nổi mẩn trên da, đánh trống ngực, sốt, đau đầu, tiêu chảy, cảm giác kiến bò…

Phó giáo sư Nisreen Alwan thuộc Đại học Southampton, một người từng mắc Covid-19 kéo dài cho biết, một đặc điểm rất chung là cảm giác như người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh rồi bị mắc bệnh trở lại. Đó là một vòng tròn liên tục của sự thất vọng, không chỉ đối với bạn mà cả những người xung quanh bạn, những người thực sự muốn bạn hồi phục.

Cũng từng là 1 người mắc Covid-19 kéo dài, theo Giáo sư Paul Garner thuộc Trường Y khoa nhiệt đới Liverpool, hội chứng này khiến ông cảm thấy liên tục bị hành hạ trong suốt 2 tháng đầu tiên, trước khi giảm bớt trong 4 tháng tiếp theo, cho dù cảm giác mệt mỏi vẫn đeo bám.

Về quản lý Covid-19 kéo dài, bà Alwan lưu ý, người mắc hội chứng này cần hiểu về khuynh hướng bệnh của mình, biết được điều gì dẫn tới mức độ cao nhất của sự mệt mỏi và các triệu chứng khác, và tránh những điều đó. 

Theo bà Alwan, các trường hợp mắc Covid-19 kéo dài cần đưa ngay vào các thống kê liên quan đến Covid-19.

Ví dụ, dữ liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy, tính đến ngày 1/8/2021, khoảng 970.000 người, tương đương 1,5% dân số nước Anh, đã tự báo cáo mắc Covid-19 kéo dài. 

Theo dữ liệu này, Covid-19 kéo dài phổ biến nhất ở nước người từ 35-69 tuổi, nữ giới, những người sống ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh dịch, những người làm trong ngành y tế, và những người có vấn đề sức khoẻ khác hoặc tàn tật.

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên