WHO nói thế giới đang ở giai đoạn đầu của làn sóng COVID-19 thứ ba
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch COVID-19 đang “bước vào giai đoạn đầu của làn sóng thứ ba” khi biến thể Delta lây lan nhanh chóng khiến số ca bệnh tăng đột biến.
- 15-07-2021Indonesia lập kỷ lục buồn, vượt mặt Ấn Độ để trở thành tâm dịch mới của châu Á
- 15-07-2021Các doanh nghiệp 'tuyệt vọng' trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu: Mù quáng tìm nguồn cung, hàng loạt bị mắc bẫy mua phải hàng nhái
- 15-07-2021Cha đẻ Dogecoin: "Tiền số chỉ là trò lừa đảo giúp người giàu ngày càng giàu hơn"
Tổng Giám đốc WHO – Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 14/7 cho biết số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng trong bốn tuần liên tiếp, và số ca tử vong đang tăng trở lại sau 10 tuần giảm liên tiếp. Biến thể Delta đã có mặt ở 111 quốc gia, và đang trở thành biến thể trội trên toàn cầu.
Ông Tedros cho rằng biến thể Delta lây lan nhanh chóng một phần do nhiều quốc gia nới lỏng lệnh hạn chế và áp dụng không nhất quán các biện pháp y tế công cộng.
Theo thống kê của WHO, tổng số ca tử vong vì COVID-19 đã lên đến hơn bốn triệu người.
Nga báo cáo con số kỉ lục 786 ca tử vong do COVID-19 vào thứ Tư, và số ca mắc mới hàng ngày ở Anh đang ở mức cao nhất trong sáu tháng.
Tại Indonesia , tỉ lệ nhiễm bệnh đã tăng gấp gần bảy lần trong tháng qua, và số ca tử vong lên tới gần 1.000 ca/ngày.
"Khi công tác tiêm chủng ở châu Âu và Bắc Mỹ bắt đầu phát huy hiệu quả, chúng ta đã chứng kiến sự sụt giảm liên tục về số ca mắc và số ca tử vong. Nhưng thật không may, mọi thứ đã đảo ngược và chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng thứ ba."
Ông Tedros bày tỏ quan ngại rằng trong khi nhiều quốc gia có nguồn cung vắc xin dồi dào và đang dỡ bỏ dần các lệnh hạn chế để "mở cửa" trở lại, thì có những quốc gia thậm chí còn chưa có bất cứ mũi tiêm nào. Hầu hết các quốc gia không có đủ vắc xin.
"Chúng tôi tiếp tục chứng kiến sự chênh lệch đáng kinh ngạc trong việc phân phối vắc xin trên toàn cầu và khả năng tiếp cận không đồng đều với thứ được coi là phao cứu sinh,"
Theo ông Tedros, quy mô của cơ chế phân phối vắc xin COVAX còn hạn chế với chỉ hơn 100 triệu liều được bàn giao. Để đạt được mục tiêu của WHO là tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của tất cả quốc gia vào tháng Chín, 40% vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022, thế giới sẽ cần 11 tỷ liều.
Các quốc gia G7 đã cam kết tài trợ tổng cộng một tỷ liều vắc xin trong năm tới, nhưng người đứng đầu WHO nói rằng "cần nhiều hơn nữa, nhanh hơn nhiều."
Trước đó hồi đầu tuần, ông Tedros cho biết thật nguy hiểm khi các nước giàu nghĩ COVID-19 không còn là vấn đề của họ, vì họ đã đạt được tỉ lệ tiêm chủng cao. Sự thiển cận này sẽ làm dịch bệnh kéo dài, ông Tedros nói.
Tiền phong