WHO và Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng chống COVID-19
Sáng 28/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã có buổi làm việc với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) về công tác phòng chống dịch.
- 28-02-2020Người về từ vùng dịch quá đông, Hà Nội lập thêm 3 khu cách ly tập trung
- 28-02-2020Đón chuyến bay về từ Hàn Quốc, Cần Thơ cách ly 9 người ngay tại sân bay
- 28-02-20209 cán bộ Công an Đà Nẵng gồm Trưởng, phó công an phường phải theo dõi sức khoẻ
- 28-02-2020TP.HCM không còn ca nghi nhiễm Covid-19, tiếp tục cách ly 220 người ở huyện Củ Chi
Chống dịch là công việc mang tính toàn cầu
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại, ngày 28 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Việt Nam đã có cuộc họp để tham khảo ý kiến góp ý của WHO và US CDC, qua đó ra quyết định triển khai khai báo y tế đối với những người đến từ vùng có dịch, cao hơn khuyến nghị của WHO. Việt Nam xác định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là công việc mang tính toàn cầu, làm tốt ở Việt Nam là đóng góp với thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây là dịch bệnh mới, nhiều diễn biến khó lường nên Việt Nam vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý. Đến thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh trên thế giới đã bước sang giai đoạn mới. Việt Nam đã dự tính một số biện pháp mới nên muốn nghe, tham khảo ý kiến của WHO, US CDC trước khi quyết định.
Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã thông tin với đại diện WHO, US CDC về tình hình dịch bệnh trong nước, đồng thời chia sẻ các giải pháp kiểm soát ngăn chặn triệt để nguồn dịch từ bên ngoài vào. Theo đó, Việt Nam đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong phòng chống dịch bệnh (khác với trước đây việc phòng chống dịch bệnh do ngành y tế là chủ lực). Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều quyết liệt vào cuộc phòng, chống theo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương.
Việt Nam cũng thực hiện phát hiện, cách ly, điều trị theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động ứng phó với dịch bệnh. Về khoanh vùng dập dịch, Việt Nam xác định quy mô dịch bệnh ở mức độ nào thì tổ chức cách ly, khoanh vùng ở mức độ đó. Ví dụ, như ở xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, quy mô dịch ở cấp xã thì khoanh vùng toàn xã chứ không khoanh vùng rộng hơn,… Qua đó, tổ chức cách ly theo các vành đai chặt chẽ (cách ly tập trung, cách ly tại nhà…) từ vòng trong ra vòng ngoài để tránh lây nhiễm.
Về chuyên môn, Việt Nam tập trung giám sát phát hiện sớm ca bệnh để điều trị tại chỗ; thực hiện giám sát, xét nghiệm sàng lọc; tổ chức cách ly y tế theo các lớp; điều trị trên toàn tuyến, tránh tình trạng tập trung về Trung ương.
Hiện Việt Nam đã chữa thành công các ca nhiễm COVID-19 cả ở y tế tuyến huyện. Không tập trung quá đông người ở một địa điểm. Phác đồ điều trị của Việt Nam liên tục được cập nhật, bổ sung trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tế điều trị và cập nhật kinh nghiệm của thế giới. Việt Nam cũng đã và đang chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển các sinh phẩm để phục vụ cho việc chẩn đoán…
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Đình Nam |
Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh, rất kiên quyết
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện WHO và CDC đều đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã phòng chống dịch bệnh với quyết tâm rất cao, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch. Những năm qua, WHO và US CDC luôn tích cực phối hợp, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh với trên 120 chuyên gia, nhà khoa học của hai tổ chức này đang làm việc các phòng thí nghiệm, tư vấn cho các cơ sở y tế, dự phòng...
Cập nhật nhanh diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu, ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh thông tin các ca bệnh đang tăng nhanh ngoài Trung Quốc trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã hiểu rõ hơn về COVID-19 so với 2 tháng trước đó, cả về đặc điểm dịch tễ học, hệ số lây truyền, đường lây truyền, các giải pháp ngăn ngừa, điều trị, các giải pháp ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện, lây nhiễm đối với nhân viên y tế,…
Đại diện WHO cho rằng việc kiểm soát COVID-19 lây lan trên toàn cầu là vô cùng khó khăn, đồng thời bày tỏ, cộng đồng quốc tế cũng mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh.
Ông Kidong Park chia sẻ thêm, WHO đã khuyến cáo các nước cần làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó tình trạng COVID-19 lây lan rộng trong cộng đồng. Đại diện WHO ghi nhận Việt Nam đã chuẩn bị tốt công tác này, các kịch bản ứng phó với mọi tình huống đã đặt sẵn ở trên bàn, nhưng vẫn cần tiếp tục phải rà soát lại bởi khả năng này đang tới gần. WHO đánh giá cao nỗ lực và các biện pháp mạnh của Chính phủ Việt Nam trong 2 tháng qua. Việt Nam đã chia sẻ thông tin một cách minh bạch, đặc biệt là công tác cách ly, khoanh vùng, điều trị, để phối hợp cùng với các nước trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên quy mô toàn cầu.
Ông Mathew Moore, đại diện US CDC phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trong khi đó, đại diện US CDC, ông Mathew Moore nhìn nhận: Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh, rất kiên quyết, hiệu quả. Với sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương tới địa phương nên đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ mới có 16 ca nhiễm COVID-19 và đều đã được chữa khỏi. Kết quả này cho thấy "những nỗ lực tuyệt vời của các bạn trong ứng phó với dịch bệnh", góp phần vào công cuộc ngăn ngừa dịch bệnh của thế giới. US CDC tự hào đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu.
Đại diện US CDC bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19 với cộng đồng quốc tế; chia sẻ thông tin về bản đồ gene của virus gây bệnh ở Việt Nam; đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao đổi thêm một số kinh nghiệm của Việt Nam trong việc huy động, tổ chức các lực lượng phòng chống dịch bệnh; phân tuyến cách ly, tổ chức điều trị… Phó Thủ tướng khẳng định, tinh thần của Việt Nam là luôn sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất để tình huống xấu không xảy ra. Phó Thủ tướng, cảm ơn và bày tỏ mong muốn WHO, US CDC tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh COVID-19.
Chinhphu.vn