MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank gợi ý 5 chính sách cho Việt Nam phát triển thị trường vốn

18-12-2019 - 19:08 PM | Tài chính - ngân hàng

World Bank nhận định mặc dù Việt Nam đã có nhiều tiến triển trong những năm qua, nhưng vẫn chưa có khả năng huy động tài chính đáp ứng tất cả các nhu cầu của khu vực sản xuất kinh doanh đang đói vốn, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và DNNN.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa có báo cáo "mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam".

Báo cáo của World Bank nhận định, thành công của Việt Nam trong thời gian qua dựa vào nguồn tài chính của khu vực ngân hàng ngày càng phình lên, với tỷ lệ tín dụng trên GDP nhảy vọt từ 17% năm 1996 lên đến trên 130% năm 2018. Mặc dù sự phát triển của khu vực ngân hàng tạo điều kiện huy động tài chính cho các hoạt động sản xuất, nhưng nhu cầu huy động nguồn tài chính dài hạn bền vững cho các doanh nghiệp có thể gặp nhiều trở ngại trong thời gian tới.

Trên khắp thế giới bao gồm cả Đông Á và Thái Bình Dương, thị trường vốn rõ ràng là kênh bổ sung hiệu quả cho nguồn tín dụng của ngân hàng vì chuyên về nguồn tài chính dài hạn, dành cho các hoạt động sản xuất rủi ro hơn, bao gồm cả đầu tư hạ tầng, nghiên cứu và phát triển. Chính phủ Việt Nam cũng đã tiến hành hàng loạt cải cách trong thời gian qua, nhưng thị trường vốn trong nước ở Việt Nam vẫn chưa phát triển so với hầu hết các nền kinh tế phát triển nhất và trong khu vực.

Báo cáo nhận định, mặc dù Việt Nam đã có nhiều tiến triển trong những năm qua, nhưng quốc gia vẫn đứng sau hầu hết các nền kinh tế khu vực Đông Á, và quan trọng hơn là vẫn chưa có khả năng huy động tài chính đáp ứng tất cả các nhu cầu của khu vực sản xuất kinh doanh đang đói vốn, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và DNNN.

Theo đó, WB đã đề xuất năm lựa chọn chính sách trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường vốn ở Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam cần hoàn thiện nền tảng pháp lý về huy động tài chính, cần ưu tiên hiện đại hóa nền tảng quy phạm pháp luật cho các thị trường. Đồng thời, cần tăng cường năng lực giám sát và thực thi hiệu lực để đảm bảo liêm chính và hiệu quả trên thị trường, qua đó khiến cho chi phí huy động vốn trở nên cạnh tranh hơn cho Chính phủ và các doanh nghiệp, bao gồm cả huy động vốn cho hạ tầng. Bên cạnh đó là nhu cầu cơ chế khuyến khích các đơn vị phát hành (v.d. linh hoạt hơn về cơ cấu và mục đích sử dụng trái phiếu và các công cụ khác, như chứng khoán đảm bảo bằng tài sản) và các nhà đầu tư (thuế tạo sân chơi công bằng).

Thứ hai, thách thức quan trọng ở Việt Nam là phải hình thành được văn hóa định mức tín nhiệm, nhằm đo lường và định giá khách quan rủi ro, thông qua chuẩn mực cao về công khai, công bố thông tin. Sự tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nay vẫn ở mức rất hạn chế. Điều này một phần là do thiếu minh bạch và thông tin hiện chỉ được công bố cho các nhà đầu tư dự kiến. Một phần nữa là do chưa có đủ các đợt phát hành chất lượng cao được chào bán trên thị trường sơ cấp, vì nhiều lô trái phiếu phát hành trong thời gian qua được thiết kế thành giao dịch phát hành riêng lẻ và chủ yếu được phát hành cho các ngân hàng trong nước.

Thứ ba, Việt Nam cần xúc tiến các sản phẩm đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các công cụ mới để huy động tài chính cho khu vực kinh tế thực (chẳng hạn hạ tầng và nhà ở) có thể là trái phiếu dự án, quỹ đầu tư hạ tầng, các giải pháp và công cụ tài chính khác cần có để hỗ trợ đầu tư cho hạ tầng ở Việt Nam.

Thứ tư, cần mở rộng mạng lưới nhà đầu tư cho các thị trường vốn, đặc biệt là nhà đầu tư ngoài ngân hàng là yếu tố quan trọng. Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực về sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp bảo hiểm và nhà đầu tư cá nhân, có thể gián tiếp hoặc trực tiếp thông qua các quỹ tương hỗ, nhưng thông điệp quan trọng vẫn là phải tiếp tục mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư.

Thứ năm, cần tăng cường huy động nguồn tài chính dài hạn qua chỉ đạo của Chính phủ. Kinh nghiệm ở các thị trường mới nổi cho thấy Chính phủ có thể gây ảnh hưởng đến đường cong lợi suất của trái phiếu bằng cách kéo dài trục kỳ hạn. Cách làm đó đã chứng tỏ là có hiệu quả nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát hành, thông qua hình thành giá tham chiếu cho cả nhà đầu tư ở cả phân khúc ngắn hạn và dài hạn trên đường cong lợi suất. Chính phủ cũng có thể tác động đến khối lượng thanh khoản trên thị trường bằng cách cam kết về phát hành trong khả năng dự liệu sao cho các nhà đầu tư tiềm năng có thể lập kế hoạch đầu tư từ sớm.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên