World Bank nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dự báo tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam so với các nước ASEAN thay đổi ra sao?
Căn cứ vào dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank), dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
- 06-06-2023Địa phương được Tập đoàn Singapore dự kiến đầu tư 800 triệu USD đang có tình hình kinh tế ra sao?
- 30-05-2023Lộ diện những địa phương vượt mốc 1 tỷ USD về thu hút vốn FDI trong 5 tháng đầu năm
- 27-05-2023Vốn FDI vào một lĩnh vực tăng mạnh trong 5 tháng 2023, gấp 12 lần so với cùng kỳ
Báo cáo mới nhất của World Bank đánh giá, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tốt hơn so với ước tính trước đây, nhờ chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ ổn định và Trung Quốc mở cửa trở lại nhanh hơn dự kiến vào giai đoạn đầu năm.
Trong bối cảnh đó, World Bank đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên 2,1%. Tuy vậy, so với tăng trưởng năm ngoái đạt 3,1%, kinh tế năm nay vẫn giảm tốc. Ở các nền kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng năm nay dự kiến là 0,7%, giảm so với mức tăng 2,6% của năm 2022.
Đối với khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (EAP), báo cáo của World Bank nhận định, dự báo tăng trưởng ở khu vực này trong năm 2023 đã được nân lên mức 5,5%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 của World Bank. Lý do bởi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi đã phần nào bù đắp cho hoạt động chậm lại ở hầu hết các nền kinh tế khác trong khu vực.
Nếu xét khu vực Đông Á – Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc, World Bank dự kiến tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ giảm xuống 4,8% vào năm 2023 từ mức 5,8% vào năm 2022, do đà tăng từ việc mở cửa trở lại trước đó mất dần ở một số nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó, tăng trưởng thương mại khu vực sẽ tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu và tăng trưởng dựa vào dịch vụ nội địa ở Trung Quốc.
Riêng đối với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, báo cáo của World Bank nhận định, thương mại hàng hóa toàn cầu đã ghi nhận tăng trưởng vô cũng ảm đạm trong năm 2023.
"Tình trạng này có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của một số nền kinh tế có thương mại là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt là ở Malaysia và Việt Nam, nơi tốc độ tăng trưởng được dự báo ở mức vừa phải", World Bank đánh giá.
Cụ thể, World Bank dự báo, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6%, giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo của tổ chức hồi tháng 1. Đối với Malaysia, GDP của quốc gia này dự kiến sẽ tăng 4,3% trong năm 2023, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự bào hồi tháng 1.
Bên cạnh đó, World Bank cho hay, sự phục hồi liên tục của ngành du lịch toàn cầu, được thúc đẩy bởi sự gia tăng lượng khách du lịch từ Trung Quốc, sẽ hỗ trợ tăng trưởng những nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào du lịch, chẳng hạn như Thái Lan. Theo đó, GDP Thái Lan năm 2023 được dự kiến sẽ tăng 3,9%.
Mặc dù World Bank hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam, song, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, trong năm 2023, cả Philippines và Việt Nam đều dự kiến tăng trưởng GDP sẽ ở mức 6%. Đứng thứ 3 là Campuchia với tăng trưởng GDP ở mức 5,5%. Tiếp theo là Indonesia, với mức GDP dự kiến tăng trưởng 4,9%. Với GDP năm 2023 dự kiến tăng 4,3%, Malaysia sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 4 trong khu vực. Theo sau là Lào và Thái Lan, với tăng trưởng GDP dự kiến đều ở mức 3,9% trong năm 2023.
Sang đến năm 2024, tốc độ tăng trưởng ở EAP được dự đoán sẽ giảm xuống còn 4,6% do ảnh hưởng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại giảm dần. Rủi ro tiêu cực đối với triển vọng bao gồm các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn dự kiến; lạm phát cao dai dẳng; sự yếu kém kéo dài trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc; căng thẳng địa chính trị; và, đặc biệt đối với các nền kinh tế nhỏ hơn, thiên tai, bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu.
Ông Indermit Gill, Kinh tế trưởng kiêm Phó chủ tịch cấp cao của World Bank Group cho biết áp lực nợ nần do lãi suất ngày càng cao đang tăng ở những thị trường này. Cùng với đó, thương mại sẽ tăng trưởng với tốc độ chưa bằng một phần ba so với những năm trước đại dịch.
"Nền kinh tế toàn cầu vẫn ở trong tình trạng bấp bênh", ông đánh giá.
Bên cạnh đó, theo Phó kinh tế trưởng World Bank Group Ayhan Kose, nhiều nền kinh tế đang phát triển hiện tại phải vật lộn để đối phó với tình trạng tăng trưởng yếu, lạm phát cao liên tục và mức nợ kỷ lục.
Nhịp sống kinh tế