MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank thay đổi quan điểm về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2017

Cầu trong nước, các ngành dịch vụ, chế tạo và chế biến đạt kết quả tốt tạo động lực tăng trưởng GDP, dự kiến đạt 6,7% trong năm 2017. Mức này cao hơn 0,4 điểm phần trăm mà Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi đầu tháng 10, sáu ngày sau báo cáo lạc quan của Tổng cục Thống kê.

Thông tin này được đưa ra tại Công bố báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, sáng ngày 11/12 do Ngân hàng Thế giới tổ chức.

Theo World Bank, sức cầu trong nước mạnh hơn, các ngành chế biến chế tạo và chế biến định hướng xuất khẩu đạt kết quả tốt, ngành nông nghiệp đang từng bước phục hồi, là các yếu tố tạo động lực mới cho nền kinh tế Viện Nam tăng trưởng 6,4% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến chế tạo và dịch vụ lần lượt tăng trưởng 7,3% và 12,8% so với cùng kỳ.

World Bank dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt được 6,7% trong năm nay. Về trung hạn, tăng trưởng được dự báo ổn định ở mức 6,5%, lạm phát dự kiến vẫn ở mức thấp.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank cho biết: “Đà tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn được đẩy mạnh và thương mại toàn cầu đang hồi phục trong năm 2017”. Nguyên nhân là thu nhập tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống. Theo đó, kinh tế Việt Nam có thêm một năm khởi sắc với tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định.

Lạm phát thấp và mức lương thực tế tăng giúp duy trì sức cầu trong nước và tiêu dùng ở mức cao. Đồng thời, kinh tế toàn cầu khởi sắc cùng trợ lực cho ngành nông nghiệp, các ngành chế tạo định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Số liệu của World Bank ghi nhận việc làm đã tăng với 1,6 triệu việc làm được tạo ra ở các khu vực công nghiệp chế biến chế tạo trong 3 năm qua. Bên cạnh đó, các khu vực khác như ngành xây dựng, bán lẻ, dịch vụ cũng góp 700.000 việc làm mới. Nhu cầu lao động tăng kéo theo lương tăng nhanh với mức 15% từ năm 2014 – 2016.

World Bank cũng nhấn mạnh ngành ngân hàng Việt Nam đã có nhiều tiến triển trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn tồn tại, ví dụ như tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng chưa được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh tín dụng cao.

Bên cạnh đó, tình hình tài khoá đang được thắt chặt hơn, dẫn đến bội chi ngân sách giảm và tốc độ tăng nợ công được kiềm chế. Tuy nhiên, cắt giảm đầu tư công xuống còn 16% tổng chi trong 6 tháng đầu năm 2017 khiến cho World Bank lo ngại sẽ ảnh hưởng về dài hạn khi Việt Nam vẫn cần nhiều đầu tư cho hạ tầng.

Ngoài ra, cải cách cơ cấu chậm cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi hiện nay, nhất là khi tốc độ tăng đầu tư đang yếu đi. Theo World Bank, tăng khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu là hướng đi để nâng cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank cho biết cải cách cơ cấu vẫn là ưu tiên trọng tâm của Việt Nam trong điều kiện tăng trưởng năng suất chưa cao. Theo ông, trên cơ sở những tiến triển đạt được, Việt Nam có thể tiếp tục nâng tốc độ tăng năng suất qua đầu tư vào kỹ năng và hạ tầng cần có, đồng thời tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và DNNN.

Trước đó, hồi tháng 10, World Bank cũng đưa ra nhận định tương tự ADB, cho rằng kinh tế Việt Nam chỉ đạt được mức là 6,3%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với kỳ vọng phía Việt Nam.

Về trung hạn, World Bank nhận định tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định quanh mức 6,4% trong giai đoạn 2018–2019 đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô nói chung, thấp hơn báo cáo ngày hôm nay 0,1 điểm phần trăm.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên