MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WSJ: Không cần chờ lạm phát xuống 2%, Fed nên hạ lãi suất ngay lúc này vì hàng loạt rủi ro lớn hơn đang rình rập

19-07-2024 - 10:42 AM | Tài chính quốc tế

Mối rủi ro lớn nhất với Fed hiện tại là thị trường lao động đang có dấu hiệu suy yếu.

WSJ: Không cần chờ lạm phát xuống 2%, Fed nên hạ lãi suất ngay lúc này vì hàng loạt rủi ro lớn hơn đang rình rập- Ảnh 1.

1 năm trước, Fed đã tăng lãi suất chuẩn lên 5% với mục tiêu hạ nhiệt lạm phát và thị trường lao động. NHTW Mỹ đã đạt được điều đó khi lạm phát giảm từ mức 4,3% ở thời điểm đó xuống khoảng 2,6% hiện tại, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1984 và gần với mục tiêu 2% của Fed. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,6% lên 4,1%.

Dường như Fed đã giành chiến thắng. Trong tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell từ chối cho biết khi nào Fed sẽ hạ lãi suất hay có thực hiện động thái này hay không. Chủ tịch Fed New York John Williams phát biểu ông cần xem xét thêm dữ liệu và Thống đốc Fed Chris Waller gợi ý việc hạ lãi suất "đang đến gần hơn". Còn thị trường dự đoán đợt hạ lãi suất sẽ diễn ra vào tháng 9.

Sự thận trọng của Fed là điều dễ hiểu. Cơ quan này thường thông báo trước các kế hoạch của mình và vì đã đưa ra dự báo quá bi quan về lạm phát nên họ càng thận trọng.

Tuy nhiên, nếu Fed thực sự phụ thuộc vào dữ liệu và tin tưởng vào dự báo của mình thì NHTW có thể hạ lãi suất ngay thời điểm này. Và phương án này sẽ được Fed thảo luận tại cuộc họp sau 2 tuần nữa. Dưới đây là những rủi ro mà Fed cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.

Rủi ro từ những dự báo lạm phát

Sự thận trọng của Fed bắt nguồn từ dự báo về lạm phát vào năm 2021. Khi đó, cơ quan này cho rằng lạm phát cao chỉ là xu hướng tạm thời, GDP vẫn thấp hơn nhiều so với trước đại dịch và tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn mức trung bình.

Song, các nhà dự báo đã chủ quan trước việc đại dịch gây hỗn loạn cho chuỗi cung ứng và mô hình làm việc, đồng thời khiến hàng triệu người phải nghỉ việc. Khi nhu cầu được thúc đẩy bởi những đợt kích thích kết hợp với những trở ngại đó, giá cả đã tăng vọt, tiền lương cũng nhanh chóng leo thang. Khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 4% và hoạt động tuyển dụng "nóng lên", Fed lo ngại về vòng xoáy giá cả và lương và nâng lãi suất từ 5,25% lên 5,5%.

Lãi suất cao làm giảm nhu cầu nhưng lạm phát giảm chủ yếu nhờ chuỗi cung ứng hồi phục và gói kích thích trong đại dịch kết thúc. Những cú sốc xảy ra trong những năm gần đây khiến giá cả và tiền lương tăng mạnh dường như chỉ mang tính tạm thời.

Kết quả là, mức lãi suất cao dường như phù hợp ở thời điểm năm ngoái giờ đây lại là quá cao.

Rủi ro của việc chờ đợi

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã giảm tốc, xuống mức khoảng 2% trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,1% cho thấy thị trường lao động không quá "nóng" cũng không quá ảm đạm. TTCK thì ở mức cao kỷ lục. Bối cảnh này không giống một nền kinh tế cần môi trường lãi suất thấp.

Tuy nhiên, những dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện. Trước đây, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao thì sẽ có xu hướng tiếp tục leo thang. Đà tăng này có thể phản ánh rằng nguồn cung lao động được mở rộng, có thể là do xu hướng nhập cư. Nhu cầu lao động nhìn chung ổn định, song kết quả của cuộc khảo sát hộ gia đình lại cho thấy mức tăng trưởng việc làm yếu, khiến bức tranh tổng thể không rõ ràng.

Trong khi đó, lãi suất cao lại không làm chậm tốc độ tăng trưởng ở mức đáng kể vì rất nhiều chủ nhà và doanh nghiệp được hưởng lợi từ lãi suất thấp. Tuy nhiên, căng thẳng đang ngày càng gia tăng, tỷ lệ nợ thẻ tín dụng và các khoản vay ô tô quá hạn đã cao hơn mức trước đại dịch.

Rủi ro của việc hạ lãi suấ

Rủi ro lớn nhất đối với việc Fed hạ lãi suất là có thể lạm phát vẫn chưa được kìm cương. Tuy nhiên, khả năng giá cả tăng tốc trở lại khó xảy ra. Những cú sốc trong vài năm qua chỉ gây ra chuỗi tăng giá một lần. Ví dụ, tình trạng thiếu chất bán dẫn khiến giá ô tô sụt giảm vào năm 2021 và giá cả tăng vọt, lạm phát giá ô tô đạt đỉnh vào đầu năm 2022.

Những yếu tố này là một trong những lý do khiến đường đi xuống của lạm phát trở nên gập ghềnh. Tuy nhiên, dù những cú sốc như vậy có thể tạm thời thúc đẩy lạm phát nhưng không thể là động lực lâu dài như thị trường lao động tăng trưởng nóng.

Dù lạm phát khó có khả năng tăng tốc trở lại nhưng có thể sẽ dừng ở mức 2,6% hiện tại, chứ không giảm xuống 2%. Tỷ lệ lạm phát trong 12 tháng có thể tăng khi số liệu mỗi tháng không còn được so sánh với mức thấp của 1 năm trước nữa. Nếu điều này xảy ra, Fed có thể không hạ lãi suất nữa, vì cơ quan này đưa ra quyết định phụ thuộc vào dữ liệu.

Rủi ro từ kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống

Các quan chức Fed khẳng định cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 không ảnh hưởng đến quyết định của họ. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, Jan Hatzius, cho rằng Fed nên đưa ra quyết định càng xa thời điểm của cuộc bầu cử càng tốt, không phải là tháng 9.

Hiện tại, Fed có thể sẽ không hạ lãi suất trong 2 tuần nữa nhưng phát tín hiệu sẵn sàng thực hiện điều đó vào tháng 9. Điều này sẽ giúp tâm lý thị trường ổn định. Tuy nhiên, mức cắt giảm dự đoán và thực tế sẽ không giống nhau.

Các nhà kinh tế được WSJ khảo sát ước tính khả năng xảy ra suy thoái trong năm tới là 28%, là mức cao hơn bình thường. Nếu rủi ro đó thành hiện thực, việc trì hoãn hạ lãi suất trong vài tháng cũng gây ra tác động lớn.

Tham khảo WSJ

An Chi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên