MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WSJ: Kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh nhất thế giới nhưng ẩn sau đó là 2 lỗ hổng lớn rất nguy hiểm

23-06-2021 - 14:45 PM | Tài chính quốc tế

WSJ: Kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh nhất thế giới nhưng ẩn sau đó là 2 lỗ hổng lớn rất nguy hiểm

Đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc chủ yếu được dẫn dắt bởi 2 lĩnh vực công nghiệp và bất động sản trong khi tiêu dùng bị bỏ lại ở phía sau.

Đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch hiện đang phụ thuộc vào những động lực tăng trưởng giống hệt với những gì đã tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở thời điểm trước dịch. Tất nhiên những rủi ro cũng được giữ nguyên.

Dữ liệu kinh tế tháng 5 của Trung Quốc yếu hơn so với dự đoán được đưa ra trước đó nhưng so với các tiêu chuẩn phương Tây thì đó vẫn là mức tăng trưởng ấn tượng. Để có được cái nhìn tốt nhất, hãy so sánh các số liệu này với mức của năm 2019 thay vì đầu năm 2020 để loại trừ các tác động bất thường của dịch bệnh. Theo đó sản lượng công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng trưởng 13,6% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh số bán lẻ tăng 9,3%; đầu tư tài sản cố định tăng 8,5% và đầu tư bất động sản tăng 17,9%.

WSJ: Kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh nhất thế giới nhưng ẩn sau đó là 2 lỗ hổng lớn rất nguy hiểm - Ảnh 1.

Có thể nhận thấy đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc chủ yếu được dẫn dắt bởi 2 lĩnh vực công nghiệp và bất động sản trong khi tiêu dùng bị bỏ lại ở phía sau. Câu chuyện này rất tương đồng với câu chuyện tăng trước trước khi Covid-19 ập đến. Không giống như Mỹ, nơi có rất nhiều dấu hỏi về việc gói kích thích khổng lồ sẽ thay đổi nền kinh tế như thế nào, cách phản ứng của Trung Quốc với các hệ lụy của đại dịch là rất truyền thống.

Kể cả số liệu tăng trưởng doanh số bán lẻ yếu ớt so với các mảng khác cũng bị nhận định là khiến sức mạnh của nền kinh tế tiêu dùng bị phóng đại nếu đặt trong tương quan so sánh với các năm trước. Trước đại dịch, số tiền mà người Trung Quốc chi tiêu ở nước ngoài lớn hơn nhiều so với số tiền mà khách du lịch đem tới Trung Quốc để chi tiêu. Vì dịch bệnh khiến hoạt động du lịch nước ngoài bị hạn chế, một phần số tiền đáng lẽ người Trung Quốc mang ra nước ngoài chi tiêu sẽ được tiêu ở trong nước, làm tăng chi tiêu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên điều này sẽ không kéo dài mãi mãi.

Cách phục hồi này của kinh tế Trung Quốc ẩn chứa hai rủi ro. Thứ nhất, như chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pritchard của Capital Economics nhận xét, hoạt động xuất khẩu đã tăng trưởng chậm lại, trong khi sản lượng công nghiệp tăng trưởng tốt chủ yếu là nhờ xuất khẩu.

Rủi ro thứ hai đến từ hoạt động đầu tư bất động sản. Để tránh tình trạng đầu cơ và giảm thiểu những rủi ro liên quan đến thị trường bất động sản cho hệ thống ngân hàng, cuối năm ngoái cơ quan quản lý đã đưa ra quy định cho vay bất động sản nên chiếm không quá 40% tổng dư nợ của các ngân hàng. Nhìn vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng năm 2020, dư nợ bất động sản của 4 ngân hàng lớn nhất – Bank of China, Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng công thương Trung Quốc – đều nằm trong khoảng từ 37,5% đến 42,2% tổng dư nợ, theo Capital IQ.

Điều này dẫn đến việc thị trường chuyển sang phụ thuộc vào 1 nguồn vốn duy nhất còn lại: tiền gửi trực tiếp từ những người mua nhà. Trong 5 tháng đầu năm, tiền gửi của người mua nhà đã tăng gần 42% so với cùng kỳ 2019. Người mua nhà đã trở thành chủ nợ chính của lĩnh vực bất động sản vốn mong manh mặc dù họ không hoàn toàn nhận thức được điều đó. Hiện tượng này nguy hiểm ở chỗ bất kỳ sự cố nào cũng sẽ gây ra những tác động tài chính to lớn, thậm chí là cả 1 cú sốc đối với xã hội.

Đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc là rất ấn tượng, nhưng đại dịch đã không thể làm thay đổi những lỗ hổng trong cấu trúc nền kinh tế mà khiến các chuyên gia phân tích lo lắng nhất. Thậm chí những lỗ hổng ấy còn trở nên phức tạp hơn, khó giải quyết hơn xưa.

Tham khảo Wall Street Journal

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên