MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WSJ: Lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam sẽ 'ít bị tổn thương' trước biến chủng Omicron

WSJ: Lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam sẽ 'ít bị tổn thương' trước biến chủng Omicron

Các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng rằng biến chủng Omicron sẽ không khiến mọi thứ quay lại khoảng thời gian trước đây.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta đã tác động vô cùng nặng nề đến chuỗi cung ứng, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á thời gian vừa qua. Điều này đã khiến gián đoạn sản xuất, từ chất bán dẫn, đến giày thể thao, đồng thời khiến giá cả mọi mặt hàng đều tăng với người dùng phương Tây.

Đến nay, các quốc gia trong khu vực như Việt Nam và Malaysia đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm và chuẩn bị tốt hơn cho làn sóng mới của dịch COVID-19, khi biến chủng Omicron có nguy cơ lan ra toàn cầu.

Việt Nam, Thái Lan, và một số quốc gia khác trong khu vực cũng đã thay đổi chiến lược ứng phó với đại dịch COVID-19, nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Một trong những yếu tố thúc đẩy điều này chính là các chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng.

WSJ: Lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam sẽ ít bị tổn thương trước biến chủng Omicron - Ảnh 1.

Ảnh: KHAM/REUTERS

Tuy nhiên, nhìn chung giới chuyên gia, cũng như chủ doanh nghiệp vẫn thận trọng trước thông tin về biến chủng mới. Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về biến chủng Omicron, bao gồm cả khả năng lây lan và độc lực của biến chủng này. Họ cũng đang cố gắng xác định liệu có hay không khả năng chủng virus mới này có thể tránh được các loại vaccine hiện có. Trong khi đó, một số nhà khoa học tin rằng những loại vaccine này vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ.

Biến chủng mới xuất hiện khi chuỗi cung úng toàn cầu đang dần hồi phục, song thực chất vẫn còn nhiều thách thức. Trong vài tháng qua, các nhà máy khu vực Đông Nam Á đã dần mở cửa trở lại. Tuy vậy, họ vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

Bên cạnh đó, các nhà máy trong khu vực cũng phải đối mặt với việc tăng giá cước, và tình trạng thiếu nguyên liệu thô. Điều này làm tăng giá cả, cũng như thời gian nhận hàng của người tiêu dùng phương Tây bị kéo dài hơn. 

Song, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng rằng biến chủng Omicron sẽ không khiến mọi thứ quay lại khoảng thời gian trước đây. Wall Street Journal nhận định, một trong những nhân tố giúp chuỗi cung ứng ít bị gián đoạn hơn bất kỳ đợt lây nhiễm nào trong tương lai, chính là Việt Nam - quốc gia đã chuyển hướng sang thích ứng với đại dịch.

Cụ thể, trước đó, trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, Việt Nam đã tiến hành đóng cửa các nhà máy ở trung tâm sản xuất phía Nam, hoặc yêu cầu giảm số lượng công nhân trong 2 tháng rưỡi, nhằm ngăn chặn việc gia tăng số ca nhiễm. Điều này đã gây ra sự gián đoạn cho các công ty may mặc, nội thất và giày dép.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 9, Việt Nam đã chính thức từ bỏ chính sách zero-COVID, dần nới lỏng các biện pháp hạn chế. Đến đầu tháng 10, hàng loạt nhà máy đã chính thức hoạt động bình thường trở lại.

Cho đến nay, Chính phủ vẫn giữ nguyên quan điểm thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine của Việt Nam cũng được đẩy mạnh. Đến nay, khoảng 55% người Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ, và khoảng 75% đã được tiêm chủng ít nhất một mũi.

Chính phủ Việt Nam hiện vẫn đang giám sát chặt chẽ biến chủng Omicron.

Mặc dù vậy, biến chủng mới vẫn có thể gây ra một số vấn đề cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Các lệnh hạn chế biên giới mới có thể kéo dài thời gian quay trở lại của lao động nước ngoài đến các quốc gia châu Á, làm giảm sản lượng của các nhà máy.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp lo ngại rằng, những lao động nhập cư trở về quê trong thời gian cao điểm của đại dịch sẽ ít có khả năng quay trở lại thành phố hơn, nếu biến chủng mới làm số ca nhiễm gia tăng thêm hoặc khả năng thắt chặt hạn chế đi lại trong nước.

Ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á của Oxford Economics cho hay, cả Việt Nam và Malaysia đều quyết định thích nghi với đại dịch COVID-19. "Theo quan điểm của tôi, khả năng các nhà máy phải tạm dừng hoạt động sẽ thấp hơn so với năm ngoái", ông kết luận.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên