Xà bông Cô Ba sẽ sớm “tái xuất giang hồ”
HAR kỳ vọng sẽ khôi phục lại thương hiệu Xà bông Cô Ba từng vang bóng, kế hoạch đưa sản phẩm trở lại thị trường vào quý 2/2018.
CTCP Đầu tư Thương Mại An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR) đang lên kế hoạch khôi phục dây chuyền sản xuất, kênh phân phối... của thương hiệu Xà bông Cô Ba, dự kiến ra mắt sản phẩm ngay trong quý 2 năm nay.
Sau thương vụ sáp nhập gây xôn xao dư luận vào tháng 10 năm ngoái, đến nay HAR đã chính thức lên tiếng về kế hoạch mua lại ít nhất 35% vốn CTCP Sản xuất Thương mại Phương Đông, tiền thân của thương hiệu nổi tiếng một thời Xà bông Cô Ba.
Trước hết là về luồng thông tin hướng đến quỹ đất đơn vị này đang nắm giữ, phía HAR - ông Nguyễn Nhân Bảo - Tổng Giám đốc Công ty cho biết không phủ nhận điều này, vì HAR đang trong lộ trình M&A nhằm phát triển mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản thương mại.
Song song với đó, HAR cũng kỳ vọng sẽ khôi phục lại thương hiệu Xà bông Cô Ba từng vang bóng, kế hoạch đưa sản phẩm trở lại thị trường vào quý 2/2018. Trước mắt, Công ty cho biết sẽ khôi phục lại các kênh phân phối, và đưa một lượng sản phẩm ra thị trường. Nếu được đón nhận, HAR dự kiến sẽ đầu tư sản xuất thời gian sau đó.
"Tính đến nay, dây chuyền sản xuất Xà bông Cô Ba đã ngừng hoạt động một năm rưỡi. Chúng tôi đã tiếp quản hệ thống và tổ chức lại nhóm nhân sự nắm rõ quy trình sản xuất sản phẩm từ cuối năm ngoái, sau khi hoàn tất thương vụ M&A Công ty Phương Đông", ông Bảo nói.
Là một trong những sản phẩm nội địa đầu tiên về xà bông thơm, thương hiệu Cô Ba trải qua bao nhiêu thăng trầm đã chính thức ngưng sản xuất hơn một năm trước. Như vậy, liệu điều gì khiến doanh nghiệp có ý định đưa tên tuổi này trở lại thị trường, thậm chí trong bối cảnh cạnh tranh tương đối khắc nghiệt như hiện nay?
Tiềm năng thị trường còn lớn, thương hiệu Xà bông Cô Ba vẫn còn được đón nhận
Trả lời vấn đề này, Ban lãnh đạo An Dương Thảo Điền cho biết, Xà bông Cô Ba là một trong số ít những thương hiệu Việt Nam có lịch sử hàng trăm năm còn xuất hiện trên thị trường. Và theo khảo sát tìm hiểu của Công ty, thương hiệu vẫn được nhiều người tiêu dùng miền Nam, đặc biệt là khu vực miền Tây mong chờ.
Mặt khác, ông Bảo cũng kỳ vọng rằng tiềm năng ngành hóa mỹ phẩm đang rất lớn, biên lợi nhuận tương ứng ở mức cao. Theo đó, phía HAR rất có niềm tin mảng này sẽ đạt thành tích nhất định trong thời gian tới.
Trên thực tế, hầu hết giới chuyên gia nhận định thị trường hóa mỹ phẩm nước ta ngày một trở nên sôi động, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, đưa thuế nhập khẩu loại hàng hóa này được về mức 0-5%. Và theo số liệu thống kê của Mintel, tiềm năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam là rất lớn khi thị trường mỹ phẩm năm 2015 đạt 1,2 tỷ USD, năm 2016 đạt 1,78 tỷ USD và dự báo năm 2018 sẽ cán mốc 2,35 tỷ USD; thậm chí nếu tính chung toàn thị trường FMCG thì mảnh đất này thực sự màu mỡ.
"Cha đẻ" là một đại gia công nghệ và là "ông trùm" quảng cáo
Một lý do khác khiến HAR rất kỳ vọng vào thương hiệu Xà bông Cô Ba trong lần tái xuất hiện này chính là người cha đẻ là đại gia công nghệ với những tư duy rất hay và táo bạo – ông Trương Văn Bền.
Được biết, ông Bền sinh năm 1883, con nhà buôn bán khá giả. Ông nổi tiếng học giỏi và được Pháp tuyển dụng làm ký lục thượng thư, nhưng chỉ 2 năm ông nghỉ làm để về buôn bán ở cửa hàng của gia đình. Đến năm 1918, ông Bền mở xưởng dầu sản xuất "đa hệ" từ dầu nấu ăn đến dầu dừa, dầu castor, dầu cao su và các loại dầu dùng trong kỹ nghệ. Nhận thấy tiềm năng dừa ở miền Nam rất lớn nên ông Bền đầu tư vào sản xuất dầu dừa và chính từ dầu dừa đã manh nha ý tưởng sản xuất xà bông trong ông.
Gia đình ông Trương Văn Bền.
Từ đó, thương hiệu Xà bông Cô Ba được ra đời vào năm 1932 với tiền thân là Công ty Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà Bông Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước với tên gọi Nhà máy công tư hợp doanh xà bông Việt Nam và đổi thành tên như hiện tại vào năm 2004.
Được biết, trước năm 1954, thị trường xà bông ở Việt Nam lúc bấy giờ chủ yếu là hàng Pháp nhập vào, gọi chung là xà bông Marseille. Xà bông trong nước rất ít, chỉ có một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chiếm thị phần không đáng kể, phần lớn họ sản xuất xà bông "đá" có mùi khó chịu, chỉ để rửa tay hay giặt giũ cho giới lao động. Theo đó, là đơn vị tuyên phong về dòng xà bông thơm, thương hiệu Cô Ba chỉ ít lâu sau khi thành lập đã đánh bại các đối thủ ngoại và có chỗ đứng trong thị trường.
Không dừng lại ở việc hiểu được nhu cầu thị trường, chiêu thức quảng cáo cũng đóng góp một phần không hề nhỏ mang lại thành công cho nhãn hiệu xà bông này. Cụ thể, người cha đẻ thương hiệu đã chọn phương châm vận động "Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam" nhằm đánh vào niềm tự hào dân tộc lúc đó; dán poster phủ dày đặc trên áp phích, xe điện, xe hơi, áo đấu cầu thủ bóng đá; thậm chí ông Bền còn đưa cả vào các thể loại âm nhạc rất được ưa chuộng như ca vọng cổ, tuồng cải lương…
Một số hình ảnh quảng cáo Xà bông Cô Ba những năm trước đó.
Với chiến lược trên, dù thành công vang dội khiến nhiều người khác cũng lao vào kinh doanh mặt hàng này nhưng tất cả đều dần dần rời bỏ thị trường.
Tuy nhiên, thời thế chóng đổi, đi cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế cũng như sự ồ ạt gia nhập từ các tên tuổi ngoại sau kỳ mở cửa hội nhập; chưa kể doanh nghiệp cũng phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu… Xà bông Cô Ba theo đó dần vắng bóng, tương tự những tên tuổi một thời lừng lẫy khác như: Kem đánh răng Hynos, xá xị con cọp… Song, sẽ vẫn còn đó những dấu ấn không thể nào phai trong lòng khách tiêu dùng Việt, Xà bông Cô Ba trở lại không chỉ là một hàng hóa mỹ phẩm, mà còn là một sự gợi nhớ mang âm hưởng hương Việt xưa. Trên câu chuyện kinh doanh, Xà bông Cô Ba còn là một bài học đáng giá về phương thức quảng cáo, mang thương hiệu đi sâu vào tâm trí người tiêu dùng. Đây cũng là một điểm sáng cho HAR trong kế hoạch tái khởi động quý 2 đến.
Được biết, giai đoạn đầu tiên HAR sẽ tận dụng một số máy móc sản xuất trước đây, cũng như gia công bên ngoài nhằm đưa sản phẩm trở lại thị trường. Về mẫu mã, Công ty dự kiến sẽ đa dạng loại hình sản phẩm, không chỉ ở thể rắn mà còn có thể dạng dung dịch lỏng… hương thơm trước mắt vẫn giữ lại hương thơm của sản phẩm Xà bông cô Ba trước đây.
Kỳ vọng là vậy, nhưng chuyện kinh doanh trên thực tế luôn có muôn vàn khó khăn thử thách. Chưa kể, rất nhiều thương hiệu cũ cũng manh nha trở lại nhưng kết quả nhìn chung không mấy khả quan, Xà bông Cô Ba lần "tái xuất giang hồ" này sẽ lại thành công vang dội một lần nữa?
Trí Thức Trẻ